Chạy đua ứng phó siêu bão

27/09/2022 05:46 GMT+7

Các địa phương dự báo nằm trong vùng đổ bộ trực tiếp của bão Noru (bão số 4) vừa trải qua thêm một ngày cấp tập ứng phó.

Hôm qua (26.9), Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão Noru. Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại TP.Đà Nẵng, do Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão Noru, bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng.

Ngư dân Đà Nẵng cẩu tàu thuyền lên bờ để né bão Noru chiều 26.9

HUY ĐẠT

Bão số 4 (siêu bão Noru) tăng cấp, gió giật cấp 16 trước ngày đổ bộ

Quân đội đã sẵn sàng lực lượng trên 240.000 người

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, trong ngày 26.9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên đã ra lệnh cấm biển, riêng Khánh Hòa sẽ thực hiện cấm biển từ chiều 27.9. Bắt đầu từ tối 25.9, lực lượng biên phòng tuyến biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã duy trì 33 điểm bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho các phương tiện đang còn hoạt động trên biển.

Trong ngày 26.9, Bộ Quốc phòng đã có công điện gửi các đơn vị triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân ứng phó mưa bão. Trong đó, tại các địa phương dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị quân đội đã sẵn sàng lực lượng trên 240.700 người và trên 2.921 phương tiện các loại ứng trực làm nhiệm vụ ứng phó mưa bão trong những ngày tới.

Cấp tập sơ tán dân

Theo kế hoạch, TP.Đà Nẵng, địa phương dự kiến phải sơ tán hơn 107.000 người dân, nếu bão Noru mạnh cấp 14 - 17 khi đổ bộ vào bờ. Trong đó, H.Hòa Vang dự kiến sơ tán nhiều nhất với gần 30.000 người.

Từ sáng sớm 26.9, các địa phương đã khẩn trương triển khai sơ tán nhân dân đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực; sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn. Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, UBND các quận, huyện rà soát phương án sơ tán nhân dân, đặc biệt các khu vực sơ tán đi và sơ tán đến phải thật sự đảm bảo an toàn; đảm bảo đủ các điều kiện thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân. Trước 14 giờ hôm nay, công tác sơ tán dân phải hoàn tất.

Các lực lượng xung kích ở Đà Nẵng vừa trải qua một ngày tất bật hỗ trợ người dân ứng phó, thậm chí đến từng nhà “gõ cửa” vận động người dân thuộc diện nhà không kiên cố, không đảm bảo an toàn nên sơ tán.

Ghi nhận của PV Thanh Niên tại P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà), nơi giáp biển, từ sáng 26.9, chính quyền địa phương đã vận động 80 hộ dân sinh sống ở triền núi bán đảo Sơn Trà sơ tán đến nơi an toàn. “Được vận động, cả gia đình tôi chằng chống nhà cửa và sơ tán ngay, khi bão đi qua sẽ quay về lại. Nếu nhà hư hỏng thì sửa chữa thôi, tính mạng mới quan trọng”, chị Nguyễn Thị Hường (một trong số 80 hộ sống ở triền núi Sơn Trà), nói.

Hôm qua, Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng trao 500 túi y tế sơ cấp cứu, 1.000 áo phao cứu sinh đa năng, 100 túi hàng cho các hộ dân. Các CLB “Chuyến xe vạn tình 0 đồng”, CLB “Xuồng hơi 0 đồng” cũng bố trí tình nguyện viên túc trực 24/24, sẵn sàng hỗ trợ sơ tán người dân và sản phụ, bệnh nhân…

Từ chiều 26.9, UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học, cho đến khi có thông báo mới. Từ 12 giờ trưa 27.9, toàn TP sẽ dừng họp chợ; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp... được nghỉ làm việc để chống bão.

Sáng 26.9, 380 cán bộ, chiến sĩ và 18 phương tiện thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế được điều động đến các xã xung yếu ven biển thuộc H.Phú Lộc và H.Phú Vang. Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định tập trung lực lượng xuống những địa bàn xung yếu để giúp dân gia cố nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, sẵn sàng di dời người già và trẻ nhỏ lên vùng cao nhưng cũng phải đảm bảo 100% quân số ứng trực.

Sức mạnh khủng khiếp của bão số 4 (Noru) và những kịch bản mưa lũ

Chuẩn bị cả xe thiết giáp

Chiều qua 26.9, tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình ứng phó bão Noru do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, trung tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, cho biết theo kế hoạch đơn vị tổ chức 3 sở chỉ huy (đặt ở TP.Tam Kỳ, H.Đại Lộc và cơ động từ TX.Điện Bàn đến H.Bắc Trà My). “Cũng sẽ tổ chức 5 sở chỉ huy cơ động tại những địa phương có nguy cơ cao nhất. Toàn bộ lực lượng đã sẵn sàng, đơn vị cũng đã chuẩn bị 6 xe thiết giáp. Ngoài ra, chuẩn bị thêm 6 xe thiết giáp và 6 xuồng; về cơ bản công tác chuẩn bị đã xong, sẵn sàng làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm”, trung tá Thắng nói.

Người dân xã Bình Hải, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) dùng bao cát chằng lên mái nhà

HẢI PHONG

Theo đó, Quảng Nam phải sơ tán hơn 182.000 người dân trong trường hợp Noru là bão mạnh, hoặc phải sơ tán hơn 400.000 người trong tình huống có siêu bão. Thời gian sơ tán hoàn tất trước 9 giờ ngày 27.9.

Ngoài lương thực, nhu yếu phẩm chuẩn bị cho các điểm sơ tán, tỉnh Quảng Nam cũng tính toán dự trữ đầy đủ ở các huyện miền núi, những nơi dễ bị chia cắt. Quảng Nam đã cấp hơn 220 tấn gạo về cho các huyện vùng cao dự trữ để cấp phát cho người dân. ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng rút kinh nghiệm thảm họa sạt lở năm 2020, để ứng phó với cơn bão Noru, những điểm hay khu vực, tuyến đường nào có nguy cơ sạt lở, chia cắt cao thì Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp lực lượng cơ giới của Sở GTVT cơ động tại chỗ. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các công ty thủy điện chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện không vượt cao trình mực nước đón lũ; đảm bảo không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa vùng hạ du. Hôm nay 27.9, học sinh các cấp và trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Nam nghỉ học.

Hôm qua 26.9, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã kiểm tra công tác chỉ đạo ứng phó bão Noru ở Quảng Nam. Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu sẵn sàng mọi phương án ứng phó theo từng cấp độ rủi ro của bão Noru; đồng thời trực tiếp thị sát một số hồ chứa nước lớn và khu vực kè biển Cửa Đại. Ở các tỉnh bắc miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình, các phương án ứng phó cũng được địa phương chuẩn bị chu đáo.

Chuẩn bị những kịch bản để ứng phó

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh này dự kiến sẽ di dời, sơ tán 25.000 hộ với 84.500 khẩu trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Dự kiến, sẽ hoàn thành việc di dời, sơ tán người dân trước 18 giờ ngày 27.9, riêng huyện đảo Lý Sơn hoàn thành trước 9 giờ ngày 27.9.

Trong sáng 26.9, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã đến kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 tại cảng neo đậu Tịnh Hòa (thuộc xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi, Quảng Ngãi). Ông Hoan đề nghị Quảng Ngãi chuẩn bị những kịch bản tương đối để ứng phó như bố trí điểm tái định cư, di dời dân ở vùng xung yếu, tuy nhiên, cần phải có thêm những lực lượng thường xuyên, túc trực hằng ngày ở cạnh bà con để kiểm soát tốt tình hình.

Ngư dân Phú Yên dùng thuyền thúng di chuyển tôm hùm, đưa lồng nuôi vào bờ tránh bão

ĐỨC HUY

Cũng trong ngày 26.9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành lệnh cấm biển để phòng chống bão Noru. Theo đó, bắt đầu từ 15 giờ chiều 26.9, các địa phương: H.Tuy An, TX.Đông Hòa, TX.Sông Cầu và TP.Tuy Hòa thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản ven bờ và trên biển. Đồng thời kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, neo đậu của các địa phương và tuyệt đối không cho người ở lại trên tàu, thuyền.

Tại Bình Định, tỉnh này đã lập Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão Noru đặt tại P.Tam Quan Bắc, TX.Hoài Nhơn do ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, làm Trưởng ban. Ông Tuấn sẽ có mặt để chỉ đạo công tác phòng chống bão tại đây từ chiều 27.9. UBND TX.Hoài Nhơn cũng lên phương án sơ tán 13.000 người dân tại khu vực ven biển và các vùng thấp, có nguy cơ sạt lở...

Các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum… cũng đã quyết định cho học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học để phòng tránh bão số 4, bắt đầu từ 27.9 cho đến khi có thông báo mới.

"Điểm mặt" những trận cuồng phong ở Việt Nam 15 năm qua trước siêu bão Noru

Ít nhất 6 người thiệt mạng ở Philippines

AFP dẫn lại thông báo của nhà chức trách Philippines cho biết siêu bão Noru, cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng sau khi quét qua đảo chính Luzon của nước này tối 25.9. Trong đó, 5 nhân viên cứu hộ thiệt mạng khi đang lội qua dòng nước lũ ở TP.San Miguel thuộc tỉnh Bulacan, gần thủ đô Manila. Nạn nhân còn lại chết do lở đất ở đảo Polillo thuộc tỉnh Quezon, nơi bão đổ bộ trực tiếp.

Với sức gió duy trì 195 km/giờ, giật 240 km/giờ, bão Noru đã làm gãy đổ cây cối, cột điện, làm mất điện và gây ngập lụt nhiều khu vực canh tác cùng các khu dân cư, có nơi ngập đến 2 m. Tuy vậy, Philippines chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng.

Philippines đã sơ tán 74.542 người thuộc 19.368 gia đình trước khi bão Noru đổ bộ và hiện những người này đang cần hỗ trợ. Philippines đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học và đóng cửa các cơ quan chính phủ không khẩn cấp trong ngày 26.9 để tránh bão.

Đông A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.