Chảy về nơi thương nhớ!

13/11/2020 10:00 GMT+7

Năm 18 tuổi, má đi lấy chồng. Ba là một nông dân chính hiệu, trồng hành, trồng tỏi giỏi lắm, nhưng giỏi nhất là trồng nho.

Vào mùa, vườn nho của ba tít tắp một màu chín đỏ, căng mọng hương đưa, níu lòng lữ khách nỏ muốn rời xa. Với mảnh vườn gần 3 sào, chị em chúng tôi lớn lên theo những mùa nho cho trái bằng sự cần cù làm lụng và cả tình yêu với trái nho Ninh Thuận của ba má.
Gia tài con chữ mà tôi có được bởi sự chắt chiu từ những đồng tiền bán nho. Nho đến tay người tiêu dùng, giá cao ngất ngưởng, lắm khi giá tăng gấp năm lần giá thương lái thu mua tại vườn; còn chưa kể việc nho Trung Quốc đội lốt nho Ninh Thuận, được bày bán tràn lan, trông y như thiệt. Đó là chuyện được mùa, được giá; chứ năm nào mưa bão trái mùa kéo dài, gặp lúc nho đang ra hoa, hay cắt cành, tỉa ngọn, là xem như thua. Những hôm trời đổ mưa như trút nước, nhìn vườn nho, ba thở dài rồi nói với má “đợt này, bị nấm bị bệnh thán thư ăn cành… là cái chắc…”, nghe xót dạ làm sao! Nhưng, tôi lại khuyên ba, buồn làm chi khi mình còn da, còn chồi, tất cả xem như một thử thách cho người chồng nho ở Ninh Thuận như gia đình mình, rồi ba vỗ đầu tôi, mắng yêu trong tình thương vô bờ bến.
Quê tôi, mỗi mùa nắng đi qua, nắng kèm theo gió như thiêu rụi tất cả mọi thứ. Nhưng với cây nho, vẫn với một màu xanh chung thủy, mượt mà và luyến nhớ. Nho cũng nặng lòng với đất đai Ninh Thuận, dù đi qua bão giông, nhưng vẫn oằn sai trĩu quả và đậm đà vị ngọt đất miền Trung khúc ruột. Mỗi khi thu hoạch nho, má chọn những chùm nho ngon nhất, đóng thùng, rồi gửi xe đò vào tận mãi Cần Thơ, cho tôi cùng với bạn bè ăn lấy thảo thơm món quà quê xanh sạch. Các bạn học cùng lớp Đại học với tôi, hồi ấy, bọn nó vui lắm, cứ tíu tít khi cầm trên tay những chùm nho má gửi, rồi nói sẽ về quê tôi chơi một chuyến cho đã đời. Nhìn đám bạn vui vẻ, tôi bắt chước giọng miền Tây, “ở ngoải nắng gió lắm, à nghen! Mấy chế miền Tây, da mịn màng, trắng bóc, hổng chịu nổi đâu hén”, nhưng rồi tôi lại nở nụ cười mời gọi, ấm áp tình người Ninh Thuận.
Ngày tôi theo chồng, chẳng có chi làm hồi môn, má chỉ tặng tôi một xấp vải màu nho chín mọng. Đêm xuất giá, má nhìn tôi, rồi chỉ tay vào xấp vải, má nói “dù làm dâu miệt miền Tây, nhưng miền Trung nắng gió, bão bùng, máu vẫn chảy trong trái tim con”, nghe sao đòi đoạn. Mười hai bến nước, phúc phần của tôi khi chọn tấm chồng tận miệt vườn Hậu Giang bên dòng sông Xà No tít tắp, nhưng gốc gác cũng rặt vùng Cà Ná - Ninh Thuận. Nhà chồng tôi, ai cũng nặng tình với vị muối Cà Ná quê hương! Cha chồng, bây giờ đã về hưu, những lúc sum vầy gia đình, ông hay kể về cách làm ra hạt muối của quê mình cho mọi người nghe. Những diêm dân như ông nội chồng tôi, cả ngày mồ hôi nhễ nhại, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để cho ra những hạt muối trắng tinh, phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày của mọi người. Những hạt muối mặn mòi vị biển cũng đã nuôi cha chồng tôi no cơm ấm áo, cái chữ căng đầy một bụng như thiên hạ, chẳng thua ai. Và có lẽ vị mặn mòi của muối đã giúp chồng tôi có ánh nhìn đồng cảm khi những mùa nho thương nhớ chốn quê nhà cứ hiện về trong tôi quay quắt.
Bố chồng tôi, mỗi bận về quê, khi trở vào, ông thường mang theo những túi muối to đùng làm quà cho người thân. Biết con dâu quê xứ nho, ông cũng không quên mua những chùm nho làm quà, để giúp vơi đi nỗi nhớ quê vì công việc mưu sinh, con cái bận bịu, lâu lắm chưa có dịp trở về xứ. Muối Cà Ná trắng tinh, mặn đậm đà mà thanh vị, đâm nhuyễn với mấy trái ớt hiểm chín đỏ trồng sau nhà, ăn cùng với trái ổi, trái cóc hay trái bần chua được trồng ở xứ miền Tây, thì còn gì bằng. Sự hòa quyện đậm đà giữa hai miền đất Trung - Nam, làm cho món ăn sắc vị hơn bao giờ hết, và hơn nữa là tình người, ba miền Bắc - Trung - Nam, chỉ vỏn vẹn trong hai chữ Việt Nam đầy kiêu hãnh.
Bây giờ công nghệ làm muối đã tiên tiến, diêm dân không còn dãi dầu nắng mưa như xưa nữa. Nho Ninh Thuận ở quê tôi cũng thế, người dân giờ đã biết trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap. Bởi thế, sản phẩm từ nho đã vươn mình ra được những thị trường khó tánh, nên giá cả cũng không còn bấp bênh; kết hợp với việc tổ chức tham quan du lịch, nên người trồng nho đã có thu nhập ổn định từ cây nho. Mừng thay cho quê hương Ninh Thuận - nơi “nắng như phang, gió như rang” ngân bản nhạc đàn giao hưởng ấm no.
… “Ầu ờ, ầu ơ…/ Ươm cây cũng muốn cây xanh/ có cái duyên với bạn/ có cái duyên với bạn thề trung thành phu thê...” - Chiều chiều, có tiếng hát ru con chảy theo dòng Xà No về nơi thương nhớ!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.