Chế độ ăn ảnh hưởng xuyên thế hệ

03/08/2012 03:15 GMT+7

Một chế độ ăn quá kém ảnh hưởng đến xác suất xuất hiện thiên tài hoặc hậu duệ thông minh ở các đời sau.

Hai cuộc nghiên cứu về gien mới đây cho kết luận gây sốc: bạn chính là kết quả từ chế độ ăn của cha, mẹ, ông bà và cả ông bà cố. Theo đó, chế độ ăn, dù kém lành mạnh hoặc tốt, đều có thể thay đổi bản chất ADN ở người, và ảnh hưởng luôn con cháu nhiều đời. Trong khi xu hướng này từng bị nghi ngờ trong nhiều năm qua, hai cuộc nghiên cứu độc lập đã tìm cách phát hiện cơ chế đầy nguy hiểm trên, từ đó giúp giải thích nguy cơ di truyền gia tăng có liên quan đến tiểu đường và béo phì mà trẻ nhỏ phải đối mặt. Điều đó cũng có nghĩa là dù con cháu có cố gắng cải thiện đến mấy cũng không thay đổi được số phận hiện tại, mà phải đợi đến đời sau nữa.

 Chế độ ăn ảnh hưởng xuyên thế hệ 1
Chế độ ăn của cha mẹ ảnh hưởng sâu rộng đến con cháu - Ảnh: Shutterstock

Những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy sự tác động của dinh dưỡng đối với sức khỏe và vẻ ngoài của các cá thể chuột lẽ ra phải trông giống hệt nhau. Một nhóm dẫn đầu bởi Randy Jirtle của Đại Duke (Mỹ) đã chứng minh những chuột con được nhân bản và cấy vào dạ con của những chuột mẹ khác nhau sẽ có sự khác biệt về dòng giống như màu lông, cân nặng, nguy cơ mắc các bệnh kinh niên, phụ thuộc vào chế độ ăn của chuột mẹ trong thời kỳ thai nghén. Theo đó, ăn đủ hay thiếu chất đã làm thay đổi môi trường ADN theo cách mà ADN đồng dạng ở chuột nhân bản đã thể hiện theo nhiều cách rất khác nhau.

Dựa trên báo cáo của Đại học Duke, nhóm của chuyên gia Torsten Plösch thuộc Đại học Groningen (Hà Lan) đã phác họa nhiều tình huống chứng tỏ tình trạng dinh dưỡng can thiệp vào biểu sinh của nhiều loài, trong đó có người trưởng thành. Theo đó, chế độ ăn của người trưởng thành đã kích thích thay đổi ở mọi tế bào, thậm chí ở tế bào tinh trùng và trứng, và thế là các thay đổi đó có thể chuyển sang hậu duệ. Những ảnh hưởng trên một thế hệ đơn lẻ đã từng được chứng minh vào Thế chiến thứ hai: trẻ có mẹ là nạn nhân nạn đói ở Hà Lan dễ bị mắc nhiều loại bệnh khác nhau, từ kháng đường glucose đến bệnh tim mạch, tùy thuộc vào thời điểm và khoảng thời gian bị đói dài hay ngắn suốt thai kỳ, theo báo cáo đăng trên chuyên san Biochimie.

Còn cuộc nghiên cứu thứ hai, được đăng trên chuyên san Journal of Physiology and Pharmacology (Canada), đã nghiên cứu chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến chromatin. Chromatin giống như hỗn hợp hóa chất cho phép ADN hoạt động. Theo nhóm của chuyên gia Ram B.Singh thuộc Viện TsimTsoum (Ba Lan), ngoài việc tạo ra dấu ấn trên biểu sinh, chất dinh dưỡng còn có thể gây nên tình trạng đột biến, cả tốt lẫn xấu, nhưng chứng cứ vẫn chưa rõ ràng. Theo nghiên cứu của Đại học Stanford đăng trên chuyên san Nature, có khả năng hấp thu nhiều chất a xít béo omega-3, choline, betaine, a xít folic và vitamin B12, ở cả cha lẫn mẹ, có thể thay đổi tình trạng chromatin và khả năng đột biến, cũng như tạo ra ảnh hưởng tích cực… dẫn đến “siêu em bé” có tuổi thọ lâu dài và ít nguy cơ mắc tiểu đường và hội chứng chuyển hóa.

Giới khoa học hy vọng sẽ sớm tìm ra chứng cứ xác thực hơn cho phép hiểu rõ quá trình con người di truyền lại hậu quả của thói quen ăn uống ở đời mình đối với đời sau.

Biểu sinh học là ngành chuyên nghiên cứu những sự thay đổi về biểu hiện của gien trước tác động của các lực bên ngoài. Khác với trường hợp đột biến, sự chuyển biến của biểu sinh không nằm ở bản thân ADN và diễn ra ở môi trường xung quanh, như enzyme và những hóa chất nắm vai trò điều khiển cách một phân tử ADN triển khai các đặc tính để tạo nên protein, hoặc thậm chí tế bào mới.

Hạo Nhiên

>> Dị tật bẩm sinh và chế độ ăn uống
>> Tyra Banks với chế độ ăn uống lành mạnh
>> Chế độ ăn uống ở thai phụ
>> Bệnh tiểu đường và chế độ ăn uống
>> Chế độ ăn uống khi trẻ bị tiêu chảy
>> Thói quen giúp tăng tuổi thọ
>> Hành động theo thói quen khi căng thẳng
>> Thói quen chè chén làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức
>> Những thói quen ăn uống giúp giảm cân
>> Đột quỵ có liên quan đến di truyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.