Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom VCCA (Hà Nội) luôn trong tình trạng đông khách từ khi triển lãm Điêu khắc Hà Nội Sài Gòn 2020 diễn ra
(10 - 20 giờ mỗi ngày và kéo dài tới 18.10). Tại không gian với những dàn đèn đắt tiền được thiết kế cho nhiều chương trình chiếu sáng khác nhau, ánh sáng lúc nào cũng linh hoạt. Nếu ở sân giữa là ánh sáng trời chan hòa thì các vùng trưng bày khác lại được thiết kế ánh sáng tùy theo từng tác phẩm. Nền tường trắng được nhiều bạn trẻ đánh giá là “siêu đỉnh” để chụp ảnh. Điều này cũng giúp họ có thể “check in” cùng các tác phẩm điêu khắc tốt hơn, mặc dù không phải ai trong số họ cũng hiểu về giá trị của dàn đèn. Hiện tại, không một phòng trưng bày nào tại Hà Nội có không gian và thiết kế ánh sáng chuyên nghiệp như vậy.
“Cuối tuần thì không nói làm gì, đông nghịt. Nhưng mọi người đều thấy, ngay cả ngày thường cũng đông, và đều là người trẻ. Trong khi đó, nhiều người vẫn nghĩ chỉ có người lớn tuổi mới đi xem triển lãm, mới đi ngắm tác phẩm điêu khắc”, nhà điêu khắc Nguyễn Thái Bình, giảng viên Khoa Điêu khắc (ĐH Kiến trúc Hà Nội), nói. Tác phẩm giàu chất dân gian, cũng giàu màu sắc nhất, cao lớn nhất của ông được bày ngay tại sân ở vị trí trung tâm, nơi ánh sáng đều và trong trẻo nhất.
“Dù chỉ đến để “check in”, rõ ràng các bạn trẻ đã thấy “check in” với một tác phẩm điêu khắc “có giá” hơn nhiều nơi khác”, một kiến trúc sư chia sẻ. Trong những ngày diễn ra triển lãm, các nhóm trẻ tới đây ngắm tác phẩm, chụp ảnh trong không gian điêu khắc khá đa dạng: có nhóm 2 người; có nhóm cả chục người cùng tới sau khi rời lớp học; có nhóm mặc trang phục rất “ngầu” tới đây chụp ảnh thời trang. Họ đều giữ trật tự cho không gian và không hề sờ vào hiện vật. Nói cách khác, họ là những công chúng tôn trọng văn hóa của một triển lãm nghệ thuật.
“Tôi nghĩ, thoạt tiên họ sẽ chỉ tới chụp ảnh. Trong quá trình đó, họ sẽ ngắm tác phẩm dù ít dù nhiều, và tiếp tới sẽ là thói quen đến với các triển lãm”, nhà điêu khắc Nguyễn Thái Bình nhận định.
Rất nhiều người trẻ chia sẻ về những triển lãm họ đã từng đến, từng chụp ảnh “check in” ở VCCA trên mạng xã hội. Và họ bắt đầu so sánh tác phẩm, so sánh gam màu, so sánh sự biểu cảm, với những hình dung, góc nhìn rất khác. Có bạn chú ý các tượng nhỏ và dễ thương như một người đang được chùm bóng bay kéo lên; có bạn thích tác phẩm nhiều màu mô tả các khu tập thể; bạn khác thích những hình người đan bằng sợi kim loại mảnh và mềm như đan giỏ tre...
Sự đa dạng của từng góc tác phẩm đó dần dà sẽ giúp họ cảm nhận điêu khắc dễ hơn, gần gũi hơn. Lớn hơn một cuộc “check in” trên mạng xã hội, đã có những cuộc “check in” với điêu khắc trong cảm xúc của mỗi người.
Bình luận (0)