Chỉ có vợ hoặc chồng để lại di chúc căn nhà, chia thừa kế cách nào?

Ngân Nga
Ngân Nga
31/03/2024 04:36 GMT+7

Căn nhà là tài sản chung của vợ chồng, nhưng chỉ có 1 người để lại di chúc, thì phần còn lại của người không có di chúc có thể bị phân chia cho các cháu bên ngoại.

Cha mẹ tôi có 1 căn nhà ở TP.HCM, được cấp sổ đỏ năm 2018, và còn nợ gần 1 tỉ đồng tiền sử dụng đất. Năm 2021 mẹ tôi chết (không để lại di chúc). Sau đó, cha tôi lập di chúc cho tôi toàn bộ căn nhà này nhưng không cho giao dịch như mua bán, tặng cho, thế chấp, góp vốn, bảo lãnh, mà chỉ để ở và làm nơi thờ cúng.

Năm 2023 cha tôi qua đời. Ba tháng sau thì ông bà ngoại tôi cũng qua đời. Ông bà ngoại có 5 người con, trong đó bác trai tôi (người con đầu lòng của ông bà ngoại) đã mất năm 2010 và người này có 2 người con.

Tôi tới văn phòng công chứng để khai nhận di sản, nhưng công chứng viên yêu cầu cung cấp rất nhiều giấy tờ liên quan nên tôi không biết phải làm sao. Tôi muốn hỏi, trong trường hợp của tôi, các người con của ông bà ngoại tôi có được chia phần căn nhà này không, nếu có thì chia thế nào? Thủ tục khai nhận di sản thừa kế ra sao?

Bạn đọc Nguyễn Ngọc.

Luật sư tư vấn

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM tư vấn, theo điều 33 luật Hôn nhân và gia đình và điều 213 bộ luật Dân sự, thì tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

Nếu như trước đây cha mẹ bạn không có sự thỏa thuận nào khác, thì căn nhà này mỗi người đều có quyền ngang nhau, tương đương mỗi người được hưởng 1/2 giá trị căn nhà. Do đó, di chúc của cha bạn lập cho bạn toàn bộ căn nhà không có giá trị đối với phần di sản của mẹ bạn trong khối tài sản chung này.

Chỉ có vợ hoặc chồng để lại di chúc căn nhà, chia thừa kế cách nào?- Ảnh 1.

Người dân thực hiện thủ tục công chứng tại một văn phòng công chứng

NGÂN NGA

Lúc còn sống mẹ bạn không lập di chúc, khi chết thì 1/2 căn nhà của mẹ bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi (theo các điều 649, 650 và 651 bộ luật Dân sự).

Do ông bà ngoại qua đời sau mẹ bạn, nên phần mà ông bà ngoại được hưởng từ mẹ bạn sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bà ngoại (tức các con của ông bà ngoại). Bác trai bạn chết trước ông bà ngoại, nên 2 con của bác sẽ được hưởng thừa kế thế vị theo điều 652 bộ luật Dân sự. Nghĩa là, 2 người con này sẽ hưởng phần thừa kế từ bác trai bạn để lại.

Như vậy, bạn cần phải cung cấp các giấy tờ chứng minh nhân thân (CCCD, giấy khai sinh, giấy xác nhận (nếu không có giấy khai sinh), hoặc các loại giấy tờ khác chứng minh sự liên quan cha mẹ con với nhau của những người được thừa kế.

Nếu các bên thỏa thuận được với nhau thì việc phân chia sẽ thực hiện tại cơ quan công chứng. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa án để phân chia.

Lưu ý thêm với bạn, do di chúc của cha bạn chỉ định căn nhà để làm nơi thờ cúng, nên khi phân chia nếu căn nhà không đủ điều kiện chia tách (tách thửa, tách sổ), thì những người khác được hưởng thừa kế chỉ được nhận phần giá trị, hoặc đứng tên chung trong sổ đỏ. Còn phần của bạn nếu muốn đứng tên riêng (toàn bộ căn nhà) thì phải thanh toán tiền cho những người còn lại.

Ngoài ra, căn nhà còn nợ tiền sử dụng đất cho nhà nước nên việc khai nhận di sản chỉ được thực hiện khi đóng đủ (điều 168 luật Đất đai).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.