12 trạm được cho "nợ"
Báo cáo mới nhất của Bộ GTVT cho hay, với dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (BOO1), cơ bản các trạm thu phí trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên và một số tuyến quốc lộ, cao tốc có lưu lượng giao thông lớn đã triển khai và vận hành hệ thống ETC (40/44 trạm).
4 trạm còn lại của giai đoạn 1 chưa triển khai thuộc về các dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang quản lý và thực hiện. Tuy nhiên, do những vướng mắc về nguồn vốn triển khai, tái cơ cấu các dự án trong giai đoạn VEC chuyển giao về Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khiến việc đầu tư, vận hành hệ thống thu phí không dừng bị chậm và không thể hoàn thành trong năm 2020. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho cơ chế riêng, với các trạm do VEC quản lý, tiến hành sẽ do Bộ GTVT và Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Với dự án BOO2 gồm 33 trạm, tuy nhiên, 8 trạm trong số đó có tính chất đặc thù kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện: gồm 2 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi và cầu Thái Hà), 3 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, trạm Bờ Đậu - QL3, trạm T2 - QL91) và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm trên QL51).
Bộ GTVT cho biết, ngoài việc triển khai ETC tại các trạm QL51 không hiệu quả do thời gian còn lại quá ngắn, 5 dự án đặc thù trên hiện phương án tài chính ở tình trạng rất xấu, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và ngân hàng cho vay. Các dự án này cũng nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc. Trong số 25 trạm dự án BOO2, sẽ có 20 trạm do Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) lắp đặt và 5 trạm do nhà đầu tư BOT lắp đặt (các dự án của tập đoàn Đèo Cả).
"Các tồn tại vướng mắc của dự án giai đoạn 2 cơ bản đã được tháo gỡ, từ công tác chuẩn bị liên quan đến nhân sự, tài chính, hồ sơ thiết kế… Nhà cung cấp dịch vụ đã bắt đầu đặt hàng mua sắm thiết bị và tổ chức lắp đặt ngoài hiện trường. Với tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án công nghệ của Tập đoàn Viettel, đến hết 31.12, các trạm thu phí đủ điều kiện triển khai thu phí không dừng thuộc giai đoạn 2 (25 trạm) sẽ được triển khai hoàn thành đáp ứng tiến độ”, đại diện Bộ GTVT cho hay.
Như vậy, tới 31.12, ngoại trừ 12 trạm được “treo” lại do các yếu tố đặc thù (gồm 4 trạm do VEC quản lý và 8 trạm không đủ điều kiện triển khai), theo Bộ GTVT, cơ bản toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai sẽ được lắp đặt, vận hành hệ thống ETC đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mới 25% số xe dán thẻ không dừng
Trên thực tế, việc lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí tự động mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là số lượng xe dán thẻ và sử dụng tài khoản thu phí tự động không dừng.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị gương mẫu thực hiện, quán triệt các đơn vị, cá nhân thuộc tổ chức mình quản lý trong việc dán thẻ, tham gia dịch vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ ETC chưa cao, chưa phát huy hết hiệu quả. Theo thống kê, mới có khoảng gần 1 triệu trên 3,8 triệu ô tô (chiếm khoảng 25% phương tiện) dán thẻ, nhưng trong số đó, mới chỉ khoảng hơn 300.000 xe sử dụng tài khoản thanh toán thường xuyên.
Hiện nhà đầu tư dự án BOO1 là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã kết nối liên thông tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân tại ngân hàng BIDV, hiện đang mở rộng dịch vụ sang các ngân hàng khác. Với giai đoạn 2, Viettel đang tổ chức thực hiện liên thông tài khoản ngân hàng thông qua việc sử dụng ví điện tử Viettelpay, dự kiến đưa dịch vụ vào khai thác trước 31.12.
Theo đại diện Bộ GTVT, việc chưa thanh toán trực tiếp từ tài khoản ngân hàng, người sử dụng vẫn phải nạp một khoản cố định vào tài khoản giao thông khiến nhiều người còn chần chừ sử dụng dịch vụ ETC. Khi việc sử dụng ví điện tử hoặc liên thông tài khoản các ngân hàng với tài khoản giao thông được mở rộng, sẽ gỡ được nút thắt về tâm lý, khi người dân không phải nạp tiền cố định vào tài khoản giao thông như hiện nay.
Với các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tại buổi làm việc với Bộ GTVT trong tháng 10, cơ bản các địa phương đều cam kết hoàn thành đúng tiến độ cuối năm nay. Trong tổng số 15 địa phương với 35 trạm thu phí, 19/35 trạm đã lắp đặt thiết bị, vận hành và kết nối với dự án của Bộ GTVT, 11/35 trạm đang lắp đặt thiết bị và đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, 5/35 trạm thuộc các dự án BOT đang trong quá trình đầu tư xây dựng, sẽ triển khai ETC khi đưa dự án BOT vào vận hành khai thác.
|
Bình luận (0)