Bà năm nay 76 tuổi, đang sống tại xã Tân Triều, H.Thanh Trì (TP.Hà Nội) với nghề bán tạp hóa ven đường.
Lo bữa ăn thời bom đạn
Vợ chồng ông bà ở căn nhà cũ trong làng Yên Xá. Phương tiện liên lạc duy nhất là cái máy điện thoại bàn được con trai cả lắp cho từ chục năm trước. Gọi mấy ngày liền, mãi ông mới nghe máy, ngắn gọn: “Bà ấy đi bán hàng từ sáng đến đêm. Nhà không ai dùng di động”, nên rút cục tôi phải chạy xe máy, lần mò hỏi người làng. Ai cũng bảo: “Không biết có phải anh hùng không, nhưng bà ấy trước ở Viện Quân y 103, giờ bán tạp hóa đối diện sân vận động”. Tôi chạy ra đó, sững người trước cửa hàng nhỏ ghi chữ “Bác Dung”.
“Tôi sinh năm 1943, khi chưa đầy 4 tuổi đã rời quê hương Ứng Hòa, Hà Tây (nay là TP.Hà Nội) theo mẹ ra Yên Xá, Tân Triều đây sinh sống”, bà Dung chậm rãi kể với tôi, lúc vắng khách mua hàng và chắp nối câu chuyện cuộc đời: Năm 1959, khi mới 16 tuổi, cô bé Dung xin vào làm công nhân tại Viện Quân y 103. Năm 1963, chính thức được tuyển vào quân đội, làm nhiệm vụ nấu ăn tại Viện 103 (nay là Bệnh viện 103 thuộc Học viện Quân y). Do mới học hết lớp 7 nên những lúc rảnh rỗi, bà lại tranh thủ học để nâng cao trình độ và nghiệp vụ. Do chăm chỉ, biết lắng nghe và kiên trì học tập, đặc biệt là tinh thần hết lòng phục vụ của mình, năm 1965, bà được cử làm quản lý bếp ăn của bệnh viện.
Nhớ lại những ngày đầu làm chị nuôi, bà Dung kể: Đầu tháng 2.1960, lớp đào tạo quân y sĩ đầu tiên cho nước bạn Lào được khai giảng tại Học viện Quân y với 23 học viên. Bà Dung được cử sang nấu ăn cho nước bạn. Cứ nghĩ người Lào ăn như người Việt, bà Dung nấu món ăn Bắc bộ, bày cùng bát đũa tinh tươm. Các học viên Lào xuống bếp ăn thấy vậy nhất loạt quay lại không ăn khiến bà hộc tốc tìm cán bộ quản lý học viên biết tiếng Lào tìm căn nguyên. Khi biết phong tục của bạn là ăn cơm nếp bốc tay và món ăn rất nhiều ớt cay, bà lại nhờ phiên dịch trao đổi để các bạn Lào dạy cho bà cách chế biến, nấu nướng. Mấy ngày thường trực trong bếp, bà thành thạo các món chính, làm thêm nhiều món phụ phù hợp khẩu vị khiến các bạn Lào cứ ăn xong là vỗ tay khen ngợi.
Khi giữ nhiệm vụ bếp trưởng, bà căn dặn chị em “bữa ăn phải ngon mới có sức làm việc” và lặn lội cùng cấp dưỡng đi mấy chục cây số mua thức ăn, mua than về nấu nướng. Thời kỳ bao cấp khó khăn phải ăn cơm độn ngô, sắn, khoai, hạt bo bo..., bếp trưởng Dung đã nghĩ ra mọi cách để cải thiện bữa ăn cho anh em như xay gạo, ngô, khoai làm bánh đúc, bánh cuốn, bánh ngô ăn đổi món cho khỏi chán. Bà cũng trực tiếp đến từng cánh đồng ở khu vực Hà Đông mua của người dân từ giỏ cua, mớ tôm cá mới bắt dưới ruộng lên, mang về xay giã nấu canh cải thiện cho bữa ăn có chất dinh dưỡng.
Nhà ở cách bệnh viện khoảng 3 km, gần 30 năm bà Dung chỉ đi bộ, khi nào cũng đến sớm trước giờ ăn 1 tiếng để kiểm tra, làm công tác chuẩn bị, và khi về cũng muộn hơn người khác. Hôm nào trực nấu bữa sáng, bà ở lại luôn đơn vị. Thời điểm Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom, bà động viên chồng đưa con đi sơ tán, mình ở lại nấu ăn phục vụ y bác sĩ và thương binh. “Có lần bom rơi vào khu vực bệnh viện, nhiều người bảo tôi đàn bà con gái sao không tránh đi. Nếu mình đi thì ai nấu ăn cho anh em, nên quyết ở lại”, bà Dung cười.
|
Đói cơm vẫn trả lại cả tấn gạo
Đại tá Nguyễn Văn Hanh, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật của Bệnh viện 103, cho biết: Ngay sau khi Đội điều trị 3 (nay là Bệnh viện Quân y 103) ra đời, bộ phận hậu cần được thành lập với 8 người và bám sát bộ đội, làm công tác bảo đảm ăn, ở, nuôi dưỡng cán bộ, nhân viên, thương bệnh binh và tù binh Pháp bị thương trong các chiến dịch.
Cuối năm 1960, bộ phận hậu cần chuyển thành ban hậu cần, biên chế thêm cán bộ, nhân viên, các bộ phận bảo đảm gồm bếp thương binh, bếp nhân viên, tổ quân nhu, tổ doanh trại. Ban hậu cần đã tổ chức tiếp nhận lương thực, thực phẩm trên cấp và tích cực khai thác thực phẩm, rau xanh từ người dân địa phương, tự tổ chức dùng bột mì chế biến ra mì sợi, bánh mì, bánh ngọt và đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăn nuôi góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn. Trong 2 lần sơ tán (năm 1965 và 1972), do điều kiện bệnh viện đóng quân tại 9 xã, ban hậu cần đã chia thành 5 bộ phận và dựa vào dân, vận động nhường cơm, sẻ áo, nơi ăn ở và cùng làm công tác bảo đảm, không để thương binh, bệnh binh bị đói, khát. Trong chống Mỹ, ban đã phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ cứu chữa 1,65 triệu lượt thương binh, bệnh binh và người dân.
“Thời gian làm quản lý, chị Dung còn trả lại mấy tấn gạo nhập dư”, đại tá Hanh kể lại vậy nên tôi tò mò câu chuyện, khiến bà Dung sôi nổi: Sau 30.4.1975, kinh tế đất nước khó khăn, nhà nào có 10 cân gạo là rất hiếm. Một lần làm sổ sách - kiểm kho, bà phát hiện 4 - 5 tấn gạo dôi dư và báo ngay cấp trên, cho dù lấy ra bán cũng chẳng ai biết. Người ta hay nói “giàu thủ kho, no nhà bếp”, nhưng với bà Dung, không bao giờ mang một miếng cháy, mẩu thịt nào về nhà, cho dù thời điểm ấy các con bà đói cơm, phải ăn độn. “Tôi vẫn nhớ PGS-TS Phan Sỹ Nhân (nguyên chủ nhiệm bộ môn - khoa tim, thận, khớp và nội tiết), ngày nào cũng xuống bếp nhăn nhó: Dung ơi có gì cho anh ăn với! Anh ấy to cao lực lưỡng ăn khỏe, suất cơm tiêu chuẩn chẳng thấm vào đâu. Từ đó tôi nhắc chị em ưu tiên thêm cơm và cháy cho những người ăn khỏe!”, bà Dung nhớ lại vậy và bùi ngùi: “Người ta học hàm học vị, lãnh đạo cao thế. Mình là người phục vụ, để những người giỏi phải vất vả từ miếng ăn, là không làm tròn nhiệm vụ và trách nhiệm nuôi quân”...
Thơm thảo vỉa hè
Năm 2001, bà Dung nghỉ hưu và năm 2003 ra thuê ki ốt vỉa hè đường qua thôn Yên Xá bán tạp hóa. Từ mắm muối mì chính cho đến bánh kẹo nước ngọt, cửa hàng của bà chả mấy chốc quen khách bởi bà bán rẻ hơn những chỗ khác. “Mình phục vụ bà con là chính. Khách ở đây chủ yếu là người lao động ngoại tỉnh, sinh viên trọ học, người nhà bệnh nhân trong mấy bệnh viện lân cận, khổ lắm…”, Anh hùng lao động, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Đinh Thị Dung thành thật vậy và khoe: “Ki ốt này giá thuê phải 10 triệu đồng, nhưng người chủ thấy hoàn cảnh tôi, bớt gần nửa. Mình trước phục vụ bộ đội, giờ là nhân dân”.
Trước khi chia tay, bà Dung mới đưa tôi xem trang báo Quân đội nhân dân số ra ngày 22.12.1989, có hình cố đại tướng Lê Đức Anh trao bằng Anh hùng lao động cho đại úy quân nhân chuyên nghiệp Đinh Thị Dung và bảo: “Công việc của tôi cũng bình thường thôi, nhưng mọi người cứ tín nhiệm và yêu quý nên mới được phong tặng danh hiệu này”. Trong ánh mắt của bà, tôi thấy lấp lánh sự bình dị và cao quý của người lính Cụ Hồ.
“Đinh Thị Dung đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công, 9 năm là Chiến sĩ thi đua, 11 năm là Chiến sĩ quyết thắng. Năm 1988 được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng danh hiệu “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
(Nguồn: Bộ Quốc phòng)
|
Bình luận (0)