Đầu tháng 8 vừa qua, báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 - 2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố đã chỉ ra một thực tế đáng suy ngẫm rằng chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay.
Cụ thể, theo báo cáo trên, chi phí học thêm đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%. Nội dung này phản ánh phù hợp, thậm chí nhẹ nhàng hơn khá nhiều với thực tế đang diễn ra hiện nay.
Công hay tư, giàu hay nghèo đều phải học thêm
Anh L.Đ.N ngụ Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) có hai con đang học phổ thông, cháu lớn học ở một trường THPT danh tiếng tốp đầu Hà Nội, cháu thứ hai học trường tư (2 buổi/ngày ở trường), học phí khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng chưa kể phụ phí. Tuy nhiên, cả hai đều phải học thêm “quần quật” những môn như: tiếng Anh, toán, văn; chưa kể kinh phí cho những môn học theo năng khiếu mà trường THPT chưa đáp ứng như môn vẽ, nhạc…
Anh N. tính toán, riêng tiền tiếng Anh của hai con đã hơn 4 triệu đồng/tháng, tiền học 2 môn toán, văn cũng tầm như vậy, chưa kể cháu lớn thì học vẽ, cháu nhỏ thì học đàn…; tổng chi phí cho học thêm ít nhất là hơn 12 triệu đồng.
Học sinh chờ phụ huynh đến đón sau buổi học thêm |
NGỌC DƯƠNG |
Gia đình chị V.H.N ngụ Q.Hoàng Mai (Hà Nội) thì còn căng hơn vì hai con của chị ngoài học thêm các lớp bên ngoài do gia đình tự tìm kiếm thì còn phải viết đơn “tự nguyện” học thêm chính các thầy cô trên lớp, nên phải chi gấp đôi số tiền bình thường cho học thêm. Chị cho biết chấp nhận ghi danh cho con học thêm do giáo viên (GV) ở trường tổ chức chỉ để yên chuyện. Do con liên tục bị thầy cô “nhắc nhở”, chê bai trước lớp về kết quả học tập nên gia đình quyết định cho con học thêm ở lớp thầy cô chính khóa. “Tiền học thì đóng đủ, nhưng học thì tôi cho cháu nghỉ nhiều do trùng lịch với các lớp học thêm thực sự theo nhu cầu của cháu. Thế nhưng lại được cô khen tiến bộ hơn hẳn”, chị H.N cho biết.
Việc cho con học thêm vì nể, sợ GV không chỉ làm gánh nặng việc học ở nhiều gia đình nặng thêm mà còn khiến chính học sinh (HS) bị dành quá nhiều thời gian cho việc học kiến thức, căng thẳng áp lực.
Không chỉ HS cấp trung học, lâu nay HS tiểu học dù Bộ GD-ĐT yêu cầu cấm dạy thêm nhưng nhiều GV vẫn tổ chức dạy.
Nỗi niềm… phụ phí
Nhiều ý kiến của phụ huynh đang có con học THCS cho rằng, việc Bộ có đề xuất miễn học phí cho tất cả HS cấp THCS kể từ năm học 2022 - 2023 là một tín hiệu rất đáng mừng. Nhưng thực tế số tiền này chẳng thấm tháp gì với các khoản tiền học thêm mà phụ huynh có con học ở cấp này đang phải bỏ ra hằng năm.
Cũng giống ở cấp tiểu học, miễn học phí nhưng phụ huynh vẫn phải đóng rất nhiều tiền học buổi 2, tiền học thêm, học câu lạc bộ ngoài giờ…
Chính vì vậy, phụ huynh THCS mong muốn nên tính đúng tính đủ nếu cần thu, thay vì mập mờ các khoản phụ phí. Ví dụ, vùng thành thị vẫn phải đóng một mức phí phù hợp nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp quản lý chặt vấn nạn dạy thêm, học thêm hiện nay.
Thầy cô có lạc lối vì dạy thêm?
Bố mẹ tốn kém, con bị “đánh cắp” thời gian
Với gia đình thu nhập chỉ có lương công chức, viên chức hiện nay thì tiền học thêm đang là gánh nặng rất lớn cho phụ huynh, nhất là phụ huynh nghèo, vì khi đã học thêm thì đa phần HS phải đóng góp đầy đủ, rất hiếm khi GV chú ý đến HS nào nghèo, khó khăn để miễn giảm tiền học thêm.
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trăn trở: “Chúng ta sẽ nói gì khi trong cuộc phỏng vấn, không ít HS nói: em đến trường chủ yếu để gặp các bạn, còn học để thi ở chỗ khác. Hoặc, một kết quả thi lại được lấy làm minh chứng cho vô số lớp học thêm, và cả nhà trường?”.
Cũng theo PGS Thơ, vấn nạn của việc học nhồi nhét cào bằng tất cả HS như nhau là một trong những nguyên nhân khiến HS phải học thêm quá nhiều. Tình trạng này không chỉ gây tốn kém về tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện ở trẻ.
Bà Thơ cho rằng: “Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu để giải thích hiện tượng: có những nước nền kinh tế chưa thực sự phát triển như Việt Nam, nhưng xếp thứ hạng cao trong các kỳ đánh giá HS quốc tế. Chúng ta có thể tự hào về thành tích đó, nhưng cũng có thể giật mình khi biết những thông tin sau: số giờ học thực tế của HS Việt Nam rất nhiều, số tiền đầu tư cho việc học (so với GDP đầu người) cũng không hề nhỏ; trong khi những hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, hay kỹ năng/năng suất lao động của giới trẻ thì chưa cao… Không ít nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng dành quá nhiều thời gian học tập chỉ để đáp ứng các kỳ thi và bỏ lỡ những cơ hội rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm cuộc sống là điều rất đáng tiếc cho người học nói riêng và cho quốc gia trong tương lai nói chung”.
Chi phí cho con học năng khiếu, học thêm gấp nhiều lần tiền học chính quy
Có con học lớp 3, chị Trần Thị Mỹ Linh, phụ huynh HS Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM), cho hay tiền học, tiền ăn, tiền bán trú ở trường tiểu học… trung bình mỗi tháng chưa đến 2 triệu đồng. Nhưng các khoản chi khác cho học thêm, năng khiếu, kỹ năng thì có khi gấp 3 lần tiền học ở trường. “Mỗi tháng tiền học tiếng Anh ở trung tâm, trung bình khoảng 2 triệu đồng; tiền học đàn 1,2 triệu đồng, học vẽ 800.000 đồng. Cuối tuần 2 buổi đi bơi để tăng cường vận động thêm khoản phí 800.000 đồng”, chị nói.
Còn anh Nguyễn Duy Tùng, có con đang học Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), cho biết chỉ cần con gặp hạn chế môn gì thì cha mẹ liền cho con theo học các lớp bổ sung. “Mỗi tháng tiền học thêm 2 môn tổng cộng 1,6 triệu đồng. Trong khi tiền học tiếng Anh, học bóng rổ, bơi lội, vẽ hết gần 8 triệu đồng”, anh Tùng cho hay.
Bích Thanh
Bình luận (0)