Chia sẻ lợi ích

11/01/2014 01:29 GMT+7

Một số liệu hầu như không thay đổi trong suốt khoảng 15 năm qua cho tới nay là khiếu kiện của dân về đất đai chiếm khoảng 70% tới 80% tổng lượng khiếu kiện của dân, trong đó có tới 70% tới 80% là khiếu kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Làm gì để giảm tỷ lệ này đã được đặt ra như một trọng điểm cần tập trung giải quyết, nhưng vẫn chưa giải quyết được gì đáng kể. Mọi giải pháp đưa ra trong những năm qua chỉ là cắt tỉa phần ngọn, cái gốc của vấn đề là chia sẻ lợi ích trong quá trình đầu tư phát triển đất nước lại chưa được đụng chạm đến. Kinh tế đất nước dù phát triển đến đâu nhưng thiếu bền vững xã hội thì cũng chỉ như một lâu đài đẹp được xây trên móng bằng cát.

Hiện nay, đoàn người nông dân TP.Phủ Lý, Hà Nam khiếu kiện về việc bị thu hồi đất để cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy nhưng bồi thường không thỏa đáng đã đi bộ về Hà Nội để thỉnh nguyện lên các cơ quan ở trung ương. Cũng trong thời điểm hiện tại, nhiều người dân huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc sử dụng gỗ chắn ngang đường làm cản trở giao thông trên đoạn Hà Nội - Tam Dương (Vĩnh Phúc) trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai không phải vì đất đai mà vì nhà cửa bị hư hỏng do thi công đường. Kể ra về trước nữa thì còn rất nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, dài ngày, phức tạp như Văn Giang, Dương Nội, Vụ Bản, Tiên Lãng, Lai Vu... Những vụ việc này đều gắn với nước mắt, và có vụ việc đã gắn với cả máu...   

Quốc hội đã thông qua luật Đất đai 2013 tại kỳ họp vừa rồi. Các quy định về nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và định giá đất đã thu hút lượng ý kiến thảo luận nhiều nhất trên nghị trường. Vào thời điểm trước khi thông qua, Dự thảo Hiến pháp đã có một bước tiến khá lớn trong hiến định về quyền thu hồi đất của nhà nước với tiêu chí "Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Thừa số chung "vì lợi ích quốc gia, công cộng" là một bước tiến đáng kể về dân chủ, công bằng, văn minh. Nhưng rất tiếc, luật Đất đai 2013 cũng không có thay đổi gì nhiều về các trường hợp bị nhà nước thu hồi đất so với pháp luật hiện hành, ngoài việc rút bỏ khỏi danh sách các dự án có vốn đầu tư lớn thuộc nhóm "A" và dự án FDI.

Người dân quan tâm hơn tới cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sao cho bảo đảm được "người bị thu hồi đất có điều kiện phát triển tốt hơn hoặc ít nhất là bằng trước khi bị thu hồi đất". Luật Đất đai 2013 chỉ làm được việc luật hóa một số quy định của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP. Theo đó, giá trị bồi thường vẫn thấp do giá đất thấp nên phải bù bằng hỗ trợ về giá đất. Hỗ trợ về mất sinh kế lại chỉ được tính theo một giá trị nhất định. Người nông dân ở Lai Vu, Vụ Bản hay ở các nơi khác đều nói rằng sau dăm năm tiêu hết tiền hỗ trợ là rơi vào nghèo đói.           

Định giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chính là cốt lõi về sự không hài lòng của người dân. Luật cần bảo đảm tính độc lập và khách quan trong quyết định giá đất. Luật Đất đai 2013 đưa ra cơ chế Hội đồng thẩm định giá đất mà chủ tịch hội đồng lại là chủ tịch UBND cấp tỉnh. E rằng hội đồng không có cửa nào cho tính độc lập và khách quan.

Chuyển dịch đất đai để có đất sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển là một yêu cầu cấp thiết. Vấn đề chính được đặt ra là tính đồng thuận trong chuyển dịch đất đai và sự chia sẻ lợi ích giữa người có vốn đầu tư và người có đất. Đó là giải pháp gốc để không còn khiếu kiện của người dân bị thu hồi đất.     

GS-TSKH Đặng Hùng Võ

 >> Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chấm dứt tình trạng thu hồi đất chỉ có lợi cho doanh nghiệp
>> Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn cho phép thu hồi đất để xây khu đô thị mới
>> Quy định rõ về thu hồi đất để tránh gây bất bình xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.