Tiếp tục bán vé số ở Sài Gòn nếu còn khỏe
Trưa ngày 26.7, ông Lê Sỹ (72 tuổi) đóng gói đồ đạc, tạm biệt những người dân ở lại trong con hẻm trên đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM) rồi đạp xe đạp đến bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Ông Sỹ vào Sài Gòn hơn 21 năm, làm đủ nghề để nuôi con ở quê ăn học khôn lớn. Đến tuổi xế chiều, ông đạp xe đạp màu vàng cũ kỹ bán vé số ở Sài Gòn để kiếm tiền tự nuôi bản thân và tích góp gửi về quê cho vợ.
|
Ông Sỹ được tạo điều kiện cho chỗ ăn chỗ ở cùng với một số những người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn khác ngay tại đại lý vé số. Kể từ khi Sài Gòn áp dụng Chỉ thị 16 toàn thành phố, ông Sỹ thất nghiệp và phải ở trong nhà gần 1 tháng nay. Bế tắc, nhiều lần ông nghĩ đến việc đạp xe đạp về quê.
|
Dắt chiếc xe đạp ra, ông cho biết vì không có ai đưa ông ra bến xe nên ông đành phải đạp xe đạp. "Chiếc xe đạp là của con gái cho lại, tôi đạp đi bán vé số ở Sài Gòn cũng 10 năm rồi. Giờ đạp ra bến xe, nếu cho để xe thì đem về luôn nếu không thì bỏ lại luôn. Miễn tôi về được là mừng lắm rồi", ông nói.
|
Cách đây mấy ngày, ông Sỹ đi kiểm tra Covid-19 lấy giấy chứng nhận âm tính. Hơn 70 tuổi, ông Sỹ bị đau răng, tai nghe không rõ, được mạnh thường quân cho 3 triệu đồng tiền lộ phí, khóe mắt đỏ hoe ông liên tục nói cảm ơn.
Với ông Sỹ, Sài Gòn là mảnh đất giúp cho ông kiếm tiền nuôi gia đình, giờ không thể trụ nổi nữa mới về quê. Ông Sỹ tâm sự, về quê hai vợ chồng có rau ăn rau, có cháo ăn cháo qua ngày bình yên tuổi già. "Nếu sau này Sài Gòn ổn định hơn tôi có thể sẽ vào lại tiếp tục đi bán vé số nếu còn sức khỏe. Không thì tôi ở quê luôn", ông nói.
“Sài Gòn mau bình yên!”
14 giờ ngày 26.7, người dân trong danh sách về quê lần lượt được gọi tên vào bên trong bến xe. Người dân khai báo y tế, mặc đồ bảo hộ, trình giấy test âm tính Covid-19 và đợi lên xe. Những người chưa có giấy xét nghiệm được xếp hàng giãn cách để test nhanh. Trời nắng nóng nhưng không ai thấy khó chịu vì tất cả đều có chung một niềm vui sắp được trở về quê hương, được đoàn tụ với người thân.
|
Chị Nguyễn Thị Kim Chiên (27 tuổi) cùng hai người con nhỏ và mẹ chồng về quê. Chị chia sẻ cả gia đình chị vào Sài Gòn mưu sinh nhiều năm nay. Chị làm công nhân tại nhà máy tại TP.Thủ Đức, chồng làm nhân viên Bách Hóa Xanh nên vẫn có thể đi làm bình thường.
Cách đây vài tháng, vợ chồng chị đón mẹ chồng ở quê Phú Yên vào TP.HCM để chăm hai cháu. Chưa được bao lâu thì dịch bùng phát mạnh, chị Chiên thất nghiệp, bà nội hai đứa nhỏ cũng bị kẹt lại Sài Gòn. Một người đi làm không lo nổi cho gia đình 5 người nên khi có thông báo về quê liền đăng ký cho 4 người về nhà, một mình chồng chị Chiên ở lại Sài Gòn tiếp tục làm việc.
|
Về quê trước, chị Chiên không quên gửi gắm lời động viên đến Sài Gòn. “Để ba mấy đứa nhỏ lại Sài Gòn cũng hơi lo lắng nhưng anh ấy là trụ cột chính của gia đình. Sài Gòn cố lên, mong Sài Gòn sẽ hết dịch sớm để gia đình lại được đoàn tụ”, chị bày tỏ.
Đẩy cô là bà Nguyễn Thị Điệp (70 tuổi) ra bến xe, bà Hoàng Thị Lan (46 tuổi) không giấu nổi vui mừng. Bà chia sẻ ở Sài Gòn 4 năm, hàng ngày đẩy bà Điệp đi bán vé số, bà Điệp bị mù một bên mắt, vẹo cột sống nên phải ngồi xe lăn. Hai cô cháu bà Lan thuê nhà trọ tại Q.Bình Thạnh, số tiền bán được hàng ngày bà Lan dùng để đóng tiền nhà trọ và gửi về quê cho chồng nuôi con. Thất nghiệp hơn 1 tháng nay, bà Lan không có đủ tiền để trả các loại chi phí nên đăng ký để về quê, bà đăng ký cho bà Điệp trước còn mình thì về đợt sau.
|
|
|
Loay hoay tìm xe khách số 13, vợ chồng chị Ralan Hnha (27 tuổi) người xách phích nước nóng, đồ đạc, người bế con. Chị Hnha tâm sự hai vợ chồng vào Sài Gòn cách đây hai tháng để đến bệnh viện chữa bệnh cho con. Vì không có nhiều tiền, vợ chồng chị Hnha ở nhờ tại nhà thờ, ăn uống cũng tại đây.
|
Dịch bùng phát khiến việc đi khám tại bệnh viện cũng khó khăn, muốn về quê nhưng không biết làm sao, hai anh chị mừng rỡ khi biết thông tin có chuyến xe miễn phí để về quê. Chị bộc bạch: “Trong người tôi chỉ còn ít tiền để dành mua sữa cho con, hai vợ chồng nhịn ăn cũng được nhưng không để con đói sữa được. Có xe miễn phí về quê là mừng lắm, nhưng nếu người ta thu phí thì mình cũng sẵn sàng gửi lại”.
Ngồi ổn định vị trí trên xe, nhiều người dân Phú Yên nhìn ra khung cửa kính. Giây phút này khiến nhiều người không khỏi xúc động khi tạm biệt mảnh đất Sài Gòn hoa lệ mà họ bám trụ bao nhiêu năm để trở về quê hương, không biết bao giờ mới có dịp quay trở lại...
Ông Thẩm Văn Hương (Trưởng Ban điều phối và hỗ trợ của Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM) cho biết thông tin về việc đón người dân đã được công bố trên trang Facebook chính thức của Hội.
Mỗi chuyến xe chở tối đa 20 người cùng địa phương (thành phố, thị xã, huyện). Người dân trước lên xe phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 24 giờ. Các chuyến xe đầu sẽ ưu tiên cho người già, khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ em và người lao động mất việc do Covid-19. Thông tin chuyến xe sẽ thông báo đến bà con trước ít nhất 2 ngày.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở LĐTB-XH cùng với Sở GTVT, Sở Y tế phối hợp với Hội đồng hương Phú Yên tại TPHCM khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết để đón người dân tại TP.HCM có nhu cầu về quê, Trang Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM trên Facebook thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách đưa người dân từ TP.HCM về quê nhà tránh dịch đồng thời "chia lửa" với TP.HCM trong "cuộc chiến" chống dịch cam go này.
Trịnh Thanh
|
Bình luận (0)