Trước đó, cụ bà cũng đi xe ôm đến tận tòa soạn, mang những tờ báo cũ trong một chiếc túi ni lông. Tay run run, cụ bà lật mở đến trang báo hai anh em mồ côi cha ở Hải Dương, mắc bệnh máu khó đông (Hemophilia) phải cõng nhau đến bệnh viện ở Hà Nội chữa bệnh mà chúng tôi viết bài mấy tháng trước.
“Tôi không có gì nhiều, chỉ có chiếc máy khâu cũ này và năm trăm nghìn, nhờ các anh chị chuyển đến tay các cháu cho tôi. Nhờ các anh chị chuyển đến cháu sớm, kẻo bệnh tình cháu nặng thêm mà vẫn chưa có máy khâu để dùng”, bà cụ lưng còng rạp, giọng run run nhắn nhủ trước khi bước ra chiếc xe ôm đang chờ dưới bậc thềm. Cụ bà tên Trần Thị Hoài Thu. Trời rất lạnh mà sao lòng tôi ấm quá.
tin liên quan
Hai anh em mồ côi cha cõng nhau đến viện chữa bệnh hiểm nghèoCùng mắc bệnh máu khó đông (Hemophilia) bẩm sinh, cha mất sớm, mẹ bươn chải bán rau, hai anh em Phạm Văn Hùng và Phạm Quang Huy (ở Hải Dương), bao năm nay tự cõng nhau đến Viện huyết học truyền máu T.Ư chữa bệnh.
Đó là một trong số những bạn đọc thân thương của Báo Thanh Niên mà chúng tôi có duyên được gặp. Nói là có duyên, bởi không phải ai cũng cho biết tên, địa chỉ khi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà chúng tôi viết trên mặt báo. Nhiều hôm trước, chúng tôi đến Bệnh viện Bạch Mai, trao tiền bạn đọc ủng hộ một nữ sinh viên mắc bệnh hiểm nghèo mà không có bảo hiểm y tế. Ngày hôm trước nữa, chúng tôi cũng gói ghém những yêu thương của bạn đọc gần xa đến giúp đỡ mẹ và em trai nữ cử nhân bị bỏng xăng ở Bình Định, phải điều trị ở Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (nữ sinh xấu số ấy đã qua đời).
Hàng trăm triệu đồng đã đến nay những con người bất hạnh, chúng tôi hiểu, đó là tiền tiết kiệm từ bữa ăn sáng của một học sinh, tiền trích ra từ khoản tiết kiệm của một công nhân, số tiền được gom góp nhiều ngày của những người già đã nghỉ hưu.
Trong hành trình góp nhặt những câu chuyện buồn vui của cuộc đời này, có sướng, có khổ, nhưng khó có gì đánh đổi được cảm giác, một ngày chúng tôi biết rằng, những con chữ của mình đang mang lại niềm tin, sự hạnh phúc cho một người. Với nhiều người khác, đôi khi lớn hơn, đó là cả khoản tiền viện phí, là chi phí phẫu thuật, là sự sống.
|
Những ngày qua, miền Trung bão lũ liên miên, một người bạn của tôi gọi điện bảo, đọc báo thấy thương Quảng Bình quá, công ty của bạn sẽ đi cả một chiếc xe tải lớn vào ủng hộ bà con những đồ thiết yếu, “bây giờ nên mua những gì thì bà con cần nhất?”. Đó là một cô gái 30 tuổi, hai con, cuộc sống có nhiều những nỗi khổ tâm nhưng bạn lúc nào cũng bảo, đời bạn còn may mắn hơn nhiều người lắm. Tôi từng động viên bạn những lúc bạn buồn nhất, nhưng hôm nay, bạn mới là người động viên tôi.
Tôi mới gọi điện cho Hùng, bệnh nhân 22 tuổi bị bệnh máu khó đông về chiếc máy khâu mà cụ Hoài Thu đã gửi cho Hùng. Bệnh tật từ lúc mới lọt lòng làm cho vóc dáng Hùng bây giờ chỉ như một học sinh lớp 8, đang nằm mê man trên giường bệnh nhưng em cứ nhắc đi nhắc lại: “Chị phải cảm ơn cụ cho em, chị nhớ là phải nói với cụ cho em là em rất thích cái máy khâu đấy, chị hứa đi…”. Cầu trời khấn Phật cho em sống được qua mùa đông này, qua nhiều mùa đông nữa… Chiếc máy khâu kia, em còn chưa dùng được một ngày nào cả…
Bình luận (0)