Chiêm ngưỡng bảo vật Phật giáo Việt Nam từ bản sao

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
06/08/2022 06:55 GMT+7

Triển lãm bản sao bảo vật Phật giáo Việt Nam có tên Dấu ấn thời gian - Nét cổ Kinh Bắc diễn ra tại Bắc Ninh từ cuối tháng 7.

Phục dựng lại… từ xa

KTS Đinh Việt Phương vẫn nhớ cảm giác nhẹ nhõm khi hoàn thành bản sao bảo vật quốc gia - bức tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp. “Thực sự là thiện duyên vì ngày anh em hoàn thiện pho tượng theo nguyên mẫu số hóa 3D từ pho bảo vật quốc gia chùa Bút Tháp đúng ngày vía của ngài”, ông nhớ lại. Đây cũng là một trong số các hiện vật được ông Phương thực hiện bản sao cũng như bản phỏng dựng, sau đó được trưng bày trong triển lãm Dấu ấn thời gian - Nét cổ Kinh Bắc tại Bắc Ninh.

Ông Phương cho biết ông và nhóm Pin Art của mình đã suy tính rất kỹ để chọn ra 8 pho tượng tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam để đưa vào trưng bày lần này. Các pho tượng gồm: tượng Thiên thủ Thiên nhãn Quán Thế Âm chùa Bút Tháp, tượng Tam thế Phật chùa Bút Tháp, tượng Tuyết Sơn chùa Bút Tháp, mô hình Cột đá chùa Dạm, tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn chùa Mễ Sở, tượng Quan Âm Diệu Thiện chùa Hội Hạ, và tượng Thiên thủ Thiên nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân.

KTS Đinh Việt Phương trong quá trình hoàn thành các bản sao

NVCC

KTS Đinh Việt Phương cho biết đây đều là những tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật Phật giáo nước ta, thể hiện trình độ thẩm mỹ, tạo tác vô cùng điệu nghệ của ông cha. “Các pho tượng vừa hài hòa về hình khối, tinh xảo về chi tiết, có độ mỹ cảm cao, lại vừa mang các yếu tố hàn lâm, kinh mật tôn giáo”, ông Phương nói.

Ông nhấn mạnh: “Đặc biệt, pho tượng Thiên thủ Thiên nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân hiện đang lưu lạc tại Bảo tàng Guimet (Pháp) là pho tượng nghìn mắt nghìn tay đứng duy nhất ở nước ta hiện nay”. Đây cũng là bức tượng ông phục dựng lại… từ xa vì chỉ tiếp cận hiện vật qua tư liệu ảnh.

KTS Đinh Việt Phương cũng chia sẻ để có được triển lãm này, ông đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tạo điều kiện rất nhiều. “Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ quý đại đức, thượng tọa, tăng ni, phật tử trong quá trình khảo sát, thu thập dữ liệu, scan 3D các pho tượng. Đi tới đâu chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm sát sao từ các thầy, anh chị em Giáo hội Phật giáo”, ông Phương nói.

Không những thế, ông Phương còn nhận được sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia mỹ thuật cổ. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, một người gắn bó nhiều năm với tượng cổ, đã dạy ông Phương những kỹ thuật sơn thếp xưa cũng như kỹ thuật tạo màu thời gian trên tượng. Nhờ đó, các phiên bản của ông Phương đạt được thần thái, cũng như màu sắc rất giống với bản gốc.

Lan tỏa tinh hoa mỹ thuật Phật giáo

Nhiều bảo vật quốc gia được giữ trong các ngôi chùa rất khó có thể làm bản sao. Khó vì chúng được đặt ở những vị trí khó, lại có kích thước rất lớn. Chính vì thế, việc được ngắm các bảo vật ở cùng một lúc, cùng một chỗ là không tưởng. Đấy cũng chính là một trong những lý do mà Giáo hội Phật giáo cùng nhóm của ông Phương tổ chức trưng bày này nhằm giúp công chúng có thể ngắm các tinh hoa mỹ thuật Phật giáo thuận tiện hơn.

Bản sao bảo vật quốc gia tượng Quan Âm Diệu Thiện chùa Hội Hạ

Ông Phương cho biết: “Một phần chúng tôi muốn công chúng được ngắm các bảo vật quốc gia qua bản sao, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi muốn truyền tải một thông điệp đến công chúng rằng di sản Phật giáo của dân tộc ta rất đồ sộ, tinh hoa và mỹ lệ. Thế hệ chúng ta ngày nay cần phải làm nhiều hơn nữa để gìn giữ và phát huy những di sản đó”.

Trong số các tác phẩm được trưng bày, tác phẩm khiến ông Phương tốn nhiều thời gian công sức nhất là bản sao pho tượng Thiên thủ Thiên nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân. Pho tượng đã bị lưu lạc sang đất Pháp từ thế kỷ 20. “Công đoạn nghiên cứu và chế tác kéo dài vì không thể tới tận nơi do tình hình dịch bệnh căng thẳng, họa sĩ phải dựng mô hình dựa trên ảnh chụp”, ông Phương nói.

Việc dựng mô hình trên ảnh chụp này không những đòi hỏi sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ mà còn buộc họa sĩ phải phát huy khả năng tưởng tượng, năng lực hình dung mẫu vật trong không gian 3 chiều. “Để đảm bảo tính chính xác, họa sĩ cùng 2 nhà nghiên cứu phải kết hợp, bàn bạc, thảo luận hàng trăm giờ đồng hồ, nghiên cứu từng chi tiết. Không chỉ cần đảm bảo về mặt thẩm mỹ, họa sĩ còn phải tính toán đến khả năng ghép nối các chi tiết, thiết kế các chốt, mộng cho từng bộ phận, đồng thời tính toán đến khả năng thăng bằng cho bức tượng với vòng tay rất lớn”, ông Phương chia sẻ.

Giờ đây, mong ước của ông Phương là làm một trưng bày lớn hơn về bảo vật Phật giáo Việt Nam. Ông cho biết đây là điều ông cùng cộng sự đã ấp ủ nhiều năm. Trong tương lai, nhóm của ông sẽ cố gắng số hóa và chế tác thêm những phiên bản của các bảo vật Phật giáo Việt Nam, làm phong phú thêm kho di sản phục chế của mình và khi thời cơ thuận lợi, nhóm sẽ làm một trưng bày về bảo vật Phật giáo Việt Nam. “Đó không chỉ là một nơi để triển lãm, giới thiệu mà còn là không gian để các đồng nghiệp, những người anh em cùng đau đáu với di sản có thể gặp gỡ và giao lưu. Đó cũng là một địa điểm để giáo dục, khơi gợi lòng yêu lịch sử, yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ Việt Nam”, ông Phương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.