(TNO) Hình ảnh kỳ ảo sao Kim đi qua Mặt trời đã được nhìn thấy tại VN vào khoảng 5 giờ 40 phút sáng nay (6.6) cùng lúc Mặt trời ló dạng ở phía đông. Đây là cơ hội cuối cùng của thế kỷ để chúng ta quan sát hiện tượng kỳ thú này.
* Tại TP.HCM, từ hơn 5 giờ sáng, đông đảo các bạn trẻ yêu thích thiên văn học đã tập trung tại Nhà Thiếu nhi TP để quan sát hành trình của sao Kim. Tuy nhiên, buổi quan sát gặp khó khăn vì bầu trời TP.HCM sáng nay nhiều mây che khuất Mặt trời.
Đến khoảng hơn 6 giờ 30 phút, khi Mặt trời lên cao và bắt đầu có nắng, một đóm đen nhỏ nằm trong đĩa Mặt trời đã hiện ra, trước sự háo hức của các bạn trẻ quan sát.
CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) mang theo gần như tất cả kính thiên văn của CLB để "bắt" được sao Kim trên đĩa Mặt trời. Trong đó có kính Celestron 11 inch và kính Tycho - một trong những kính thiên văn tự chế lớn nhất nước và những thiết bị hỗ trợ quan sát khác như sunspotter, màn chiếu hứng ảnh, kính lọc quan sát Mặt trời.
Có khoảng 200 lượt người đã đến tham gia quan sát hiện tượng này tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM.
Sau 7 giờ, trời bắt đầu lại nhiều mây và đến hơn 10 giờ 30 phút, TP.HCM có mưa lớn nên mọi người không thể quan sát tiếp hành trình của sao Kim.
|
* Tại Hà Nội, các bạn trẻ trong CLB Thiên văn nghiệp dư Hà Nội cũng tổ chức ngắm sao Kim đi qua Mặt trời từ 5 giờ sáng nay tại cột đồng hồ đối diện Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Tuy nhiên, thời tiết không chiều lòng người vì mây đen giăng kín. Các bạn trẻ vẫn phải chờ đợi mây tan mới có thể thấy Mặt trời.
Đến 8 giờ 15 phút, các bạn trẻ tại Hà Nội mới chiêm ngưỡng được hình ảnh sao Kim là một chấm đen di chuyển qua Mặt trời.
Thời gian quan sát thuận lợi nhất cũng chỉ kéo dài khoảng 20 phút trước khi bầu trời lại bị mây tiếp tục che phủ.
Thế nhưng, không vì thế mà nản lòng, do hiện tượng này còn kéo dài nên địa điểm quan sát này vẫn càng lúc càng thu hút đông người đến chiêm ngưỡng. Hầu hết đều hy vọng vào buổi trưa, có nắng, bầu trời sẽ trong sáng hơn.
Gần 20 bạn trẻ đã vận chuyển hàng chục chiếc kính thiên văn tự chế với đủ loại kích thước khác nhau để quan sát sự kiện thiên văn thế kỷ này.
|
* Tại Đà Nẵng, nhiều bạn trẻ tập trung tại khu F Đại học Bách khoa Đà Nẵng để cùng quan sát hiện tượng kỳ thú hiếm có này.
CLB Thiên văn Bách khoa đã chuẩn bị sẵn kính quan sát chuyên dụng cùng nhiều kính lọc và hướng dẫn các bạn trẻ theo dõi.
Khoảng 7 giờ sáng, ánh nắng Mặt trời còn dịu nhẹ nên chỉ cần sử dụng kính lọc che ngang tầm mắt, học sinh, sinh viên đã có thể thấy rõ sao Kim bắt đầu đi ngang Mặt trời.
Đến khoảng 9 giờ, Mặt trời bắt đầu gay gắt, CLB Thiên văn Bách khoa phải sử dụng kính chuyên dụng, “hứng” ánh sáng Mặt trời vào tờ giấy mới giúp mọi người thấy rõ.
Tuy sao Kim chỉ xuất hiện như một chấm đen nhỏ như “nốt ruồi” so với kích thước mặt trời, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn say sưa ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này. Bởi lẽ, nếu bỏ lỡ thì cơ hội sẽ không còn vì đến năm 2117, sao Kim mới đi qua Mặt trời một lần nữa.
|
Lần tiếp theo sẽ vào năm 2117 Theo trang Transit of Venus, sao Kim được xem là hành tinh “chị em” của Trái đất trong hệ Mặt trời. Hành tinh này có tốc độ di chuyển nhanh hơn Trái đất, mất khoảng 225 ngày để đi hết một vòng xung quanh Mặt trời. Hiện tượng sao Kim đi qua Mặt trời được quan sát thấy từ Trái đất khi trên hành trình quay quanh Mặt trời, hành tinh này “bắt kịp” và bắt đầu vượt qua Trái đất. Khi đó, chúng ta nhìn thấy sao Kim xuất hiện như một chấm nhỏ nổi bật trên đĩa bề mặt Mặt trời, di chuyển từ trái qua phải của đĩa Mặt trời. Đối với các nhà thiên văn học, việc quan sát hành trình sao Kim đi qua Mặt trời có ý nghĩa quan trọng. Dựa vào thời gian sao Kim đi qua Mặt trời từ nhiều nơi trên thế giới, các nhà khoa học có thể tính toán khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Với thông tin quý giá đó, phạm vi của toàn bộ hệ Mặt trời sẽ được tính toán. Hiện tượng sao Kim đi qua Mặt trời xảy ra theo từng cặp cách nhau tám năm nhưng sẽ chỉ diễn ra khoảng một lần trong mỗi thế kỷ. Lần sao Kim đi qua Mặt trời gần đây nhất là năm 2004. Theo tính toán của các nhà thiên văn học, sau sự kiện này thì hiện tượng sao Kim đi qua Mặt trời sẽ chỉ xảy ra lần tiếp theo vào năm… 2117. Do đó, chuyến đi của sao Kim ngang qua Mặt trời lần này là cơ hội cuối cùng cho những ai đang sống hiện nay quan sát “cuộc gặp gỡ” thú vị này. |
Kỳ thú hiện tượng thiên văn của thế kỷ Trong ngày 6.6, nhiều nước trên thế giới có cơ hội chiêm ngưỡng sao Kim đi ngang qua Mặt trời - một hiện tượng thiên văn chỉ lập lại sau 105 năm nữa. Theo AFP, các quốc gia ở Đông Á, châu Đại Dương, Thái Bình Dương và một phần khu vực Bắc Mỹ có thể quan sát được toàn phần quá trình sao Kim bắt đầu đi vào và ra khỏi đĩa Mặt trời. Hiện tượng sao Kim đi ngang qua Mặt trời (tiếng Anh gọi là Venus transit) xảy ra khi sao Kim - hành tinh song sinh và có quỹ đạo nằm trong quỹ đạo của Trái đất - đi vào giữa Trái đất và Mặt trời cũng giống như nhật thực. Hiện tượng này bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng 6.6 (giờ Việt Nam) và kéo dài trong khoảng 6 giờ. Thời điểm tốt nhất để quan sát hiện tượng này ở Việt Nam là khoảng từ 10 giờ sáng 6.6. Do khoảng cách giữa Trái đất và sao Kim khá xa nên sao Kim chỉ hiện ra như một chấm đen tròn nhỏ lướt từ từ qua đĩa sáng của Mặt trời trong khoảng 6 giờ. Dưới đây là một số hình ảnh về hiện tượng sao Kim đi qua Mặt trời, tổng hợp từ Reuters.
Phúc Duy |
Nguyên Mi - Nguyễn Tú - Phan Hậu
>> Sáng mai VN chứng kiến sự kiện thiên văn thế kỷ
>> Cơ hội cuối ngắm sao Kim đi ngang mặt trời
>> Háo hức chờ sao Kim đi ngang Mặt trời
>> Siêu bão vũ trụ từng ập xuống trái đất
Bình luận (0)