Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ liệu có trật bánh?

09/04/2022 10:00 GMT+7

Giới chức Mỹ tự tin nước này có thể "chân đạp hai thuyền", giữa lúc tình hình Ukraine làm gia tăng lo ngại rằng những cam kết của Tổng thống Joe Biden tại châu Á sẽ bị ảnh hưởng.

Chỉ ít ngày sau khi Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Chiến sự ở Đông Âu, không nghi ngờ gì nữa, đang là mối quan tâm hàng đầu về đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nếu không nói là mối quan tâm lớn nhất lúc này. Điều khiến giới quan sát suy đoán là liệu cuộc chiến này có khiến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ bị "trật bánh".

Châu Á vẫn là "sân khấu" chủ đạo

Trong một phát biểu mới đây, ông Kurt Campbell, điều phối viên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, khẳng định rằng khu vực này vẫn sẽ là sân khấu chủ đạo cho sự can dự của Mỹ trong thế kỷ 21 và "chúng tôi nhất quyết sẽ không đi chệch hướng".

"Hiện tại, chúng tôi cần phải can dự sâu ở cả châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng lúc, tìm ra những mối liên hệ giữa hai chính sách này, nhưng nhận ra rằng chúng tôi không được phép rời mắt khỏi các lĩnh vực tối quan trọng bao gồm công nghệ, thương mại, an ninh, chính trị, ngoại giao mà chúng tôi đã thấy ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Campbell nói trong một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC tổ chức hôm 5.4.

Tàu USS Ralph Johnson của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hôm 26.2

Hải quân mỹ

Chính quyền Biden hy vọng sẽ có dịp nhấn mạnh các cam kết của mình với khu vực bằng một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước ASEAN tại Washington D.C trong những tháng tới. Hội nghị vốn được lên kế hoạch tổ chức vào cuối tháng 3, nhưng đã bị hoãn lại vì các vấn đề về lịch trình.

Washington đã tìm cách tăng cường mối quan hệ với khu vực bằng nỗ lực phân phối vaccine Covid-19 thông qua nhóm Bộ Tứ - gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, cũng như bằng việc thúc đẩy các sáng kiến về ​​giáo dục, thương mại và quản trị.

Bên cạnh Bộ Tứ, sự ra đời của liên minh AUKUS (gồm Mỹ, Anh và Úc) cũng được xem là nỗ lực để đối phó với thách thức từ Trung Quốc. Đã có một số ý kiến cho rằng những cơ chế "tiểu đa phương" (minilateral) như Bộ Tứ và AUKUS ngày càng được Mỹ coi trọng hơn trong chính sách của họ với châu Á.

Mỹ vẫn tiếp tục cho tàu đi qua eo biển Đài Loan cũng như hiện diện quân sự ở Biển Đông. Chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đáng lẽ diễn ra cuối tuần qua, song đã bị hoãn lại vì bà Pelosi mắc Covid-19. Việc một nhân vật cấp cao như vậy của Mỹ đến Đài Bắc đã bị Trung Quốc cảnh báo là vượt qua "lằn ranh đỏ" của nước này. Lần gần nhất một chủ tịch hạ viện Mỹ thăm Đài Loan là vào năm 1997.

Tuy nhiên, kinh tế vẫn là điểm yếu trong toàn bộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Cho đến nay, chính quyền Biden vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút ra. Trong khi đó, Trung Quốc đã là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cũng như đã ngỏ ý gia nhập CPTPP. Đây là hai thỏa thuận thương mại tự do có quy mô hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới. Washington cũng chưa công bố chi tiết của sáng kiến kinh tế trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Tôi nghĩ bất kỳ ai ngồi ở đây đều biết rằng kinh tế và thương mại vẫn là những vấn đề gây tranh cãi", ông Campbell nói tại hội thảo của CSIS.

Dù vậy, chiến lược gia của Nhà Trắng cũng nhấn mạnh Mỹ vẫn duy trì cam kết về việc "xoay trục sang châu Á", bất chấp cuộc chiến tại Ukraine hay những sự kiện khác có thể làm phân tán sự chú ý của Washington.

"Chân đạp hai thuyền"

Giới quan sát đã bày tỏ lo ngại về việc Mỹ không thể "chân đạp hai thuyền" trong lúc chiến sự Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong một bài viết được xuất bản hồi đầu tháng 3, hai nhà phân tích Ian Storey và William Choong thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định rằng, trong ngắn hạn, châu Âu sẽ chiếm phần lớn sự chú ý chiến lược của Mỹ.

"Điều này sẽ củng cố những lo ngại lâu nay ở châu Á rằng mặc dù Mỹ có ý định 'xoay trục' sang khu vực, nhưng sẽ thường xuyên bị phân tâm bởi các sự kiện ở châu Âu", hai tác giả viết.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Úc hồi tháng 2.

reuters

Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Hudson ở Washington DC, chuyên gia về Đông Á và Thái Bình Dương), cho rằng kết quả của chiến sự tại Ukraine sẽ quyết định đường hướng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

"Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn là mối đe dọa chính đối với Mỹ, Mỹ sẽ không thể điều chuyển lực lượng quân sự của mình từ châu Âu sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu Nga không còn là mối đe dọa với Mỹ sau cuộc chiến này, Mỹ có thể tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông nói với Thanh Niên.

Chiến lược châu Á của Mỹ được công bố hôm 11.2, giữa lúc những suy đoán về việc Nga sắp có hành động quân sự lớn ở Ukraine ngày càng dồn dập. Khi đó, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden đã nói rằng "chúng tôi tự tin chúng tôi có thể vừa đi vừa nhai kẹo cao su", ám chỉ rằng Mỹ có khả năng triển khai hiệu quả các chính sách ở cả hai khu vực cùng lúc.

Theo các chuyên gia, chính quyền Biden nhận thức rằng Trung Quốc vẫn là thách thức dài hạn quan trọng nhất đối với Mỹ. Trong bối cảnh chiến sự ở châu Âu, quan hệ ngày càng gần gũi giữa Moscow và Bắc Kinh có thể buộc Mỹ càng phải tăng cường can dự ở cả châu Âu và châu Á cùng lúc.

"Nếu Mỹ giảm can dự ở bất cứ khu vực nào, sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực còn lại sẽ bị suy yếu", ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales - Úc, nói với Thanh Niên. "Miễn là chiến sự không lan ra ngoài Ukraine, cam kết của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ không thay đổi", ông nói thêm.

Trong khi đó, theo ông Greg Poling, Giám đốc chương trình AMTI và chuyên gia về Đông Nam Á tại CSIS, chính quyền Biden tin rằng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, điều quan trọng nhất Mỹ có thể làm là đầu tư vào các đồng minh và đối tác tại khu vực. Do vậy, Washington sẽ quyết tâm theo đuổi nghị trình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dù tình hình ở Ukraine ra sao.

Quyết tâm đó, ít nhất, có thể sẽ được nhìn thấy tại các diễn đàn quan trọng mà các nước trong khu vực sẽ tổ chức năm nay, bao gồm hội nghị G20 tại Indonesia vào tháng 10, hội nghị APEC tại Thái Lan vào tháng 11, cũng như Cấp cao Đông Á (EAS) do Campuchia chủ trì. Cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều là những "vị khách" quan trọng ở ba diễn đàn này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.