Chiến lược xây dựng những 'đại bàng quốc tịch Việt'

05/12/2022 06:22 GMT+7

Với mục tiêu “hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn”, Nghị quyết 29 đang biến khát vọng tạo ra một thế hệ những “đại bàng quốc tịch Việt” dẫn dắt nền kinh tế thành hiện thực.

Kinh tế hùng mạnh, phải dựa vào “đại bàng” của chính mình

Trong thực tế, giấc mơ về những doanh nghiệp (DN) “đầu đàn” để dẫn dắt nền kinh tế hình thành từ hơn 10 năm trước, trong Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập do Bộ Chính trị ban hành cuối năm 2011. Nghị quyết 09 đặt ra việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, bảo đảm độc lập và tự chủ của nền kinh tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… Vì thế, Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII được đánh giá là bước đi biến mục tiêu hình thành được tập đoàn, DN có quy mô đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế và là các trụ cột để thúc đẩy nền kinh tế thành hiện thực.

Nền kinh tế cần những doanh nghiệp dẫn đầu làm trụ cột phát triển

Ngọc Thắng

Bảo lưu quan điểm xuyên suốt nhiều năm qua rằng phải có những “đại bàng quốc tịch Việt”, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, khẳng định: Muốn có nền kinh tế mạnh trong thời đại này, mỗi quốc gia phải có những tập đoàn kinh tế mạnh của mình, phải xây dựng được một số chuỗi sản xuất có sức cạnh tranh toàn cầu. Không có nền kinh tế nào trở thành hùng mạnh mà không dựa vào những “con đại bàng” dẫn dắt của chính mình. Chủ trương này càng trở nên cấp bách, quan trọng bởi sau đại dịch Covi-19, VN đang có nhiều cơ hội thúc đẩy hoạt động đổi mới - khởi nghiệp - sáng tạo, giúp nền kinh tế bắt đầu quá trình “thay máu”, để có thể đứng dậy với thế và lực mới. Xây dựng được đội ngũ DN Việt hùng mạnh sẽ giúp VN tận dụng tốt cơ hội để chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu thiết kế, phát triển các ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, từ đó xây dựng nền kinh tế vững mạnh, tự chủ. “Vì thế, Phát triển lực lượng DN Việt và Phát triển khoa học - công nghệ là 2 chương trình phải đưa vào trọng tâm Chiến lược phát triển đất nước”, TS Trần Đình Thiên nói.

Nhấn mạnh khái niệm “lực lượng DN Việt”, TS Trần Đình Thiên nhận xét thực tế đến nay VN vẫn chưa có chiến lược phát triển lực lượng DN quốc gia đúng nghĩa. Về căn bản, chúng ta mới có nỗ lực phát triển DN, chủ yếu thiên về số lượng, dựa trên nền tảng “xin - cho” và phân biệt đối xử. Kết cục là sức mạnh của lực lượng chủ công - DN nhà nước - bị bào mòn, trong khi khối DN tư nhân Việt thì yếu kém kéo dài, thiếu động lực vươn lên. Chính sách phát triển lực lượng DN Việt như vậy kéo dài nhiều năm dẫn đến nền kinh tế phồng to về quy mô nhưng chất lượng không tăng tương xứng. Minh chứng rõ nhất là sự phụ thuộc vào khối ngoại đang khá cao, phần lợi ích được hưởng cho thị trường nội địa chậm, ít. “Ngân sách có thể ổn, con số GDP có thể tốt, nhưng đời sống người dân và sức khỏe của DN Việt không cải thiện nhiều. Thế nên việc đặt ra mục tiêu hình thành được một số tập đoàn, DN công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của Nghị quyết 29 là hết sức đúng đắn và cần thiết”, ông Thiên đánh giá.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét điểm mới của Nghị quyết 29 là không phân biệt những DN đầu đàn là nhà nước hay tư nhân để dẫn dắt nền kinh tế. “Tôi đánh giá cao điểm mới, tư duy cởi mở này của Nghị quyết mới. Các chính sách hỗ trợ không phân biệt DN tư nhân hay nhà nước, hỗ trợ để DN lớn mạnh hơn, chú trọng chất hơn lượng là điều cực kỳ cần thiết. Chúng ta đang thay đổi quá nhanh trong nền kinh tế số, đối mặt với nạn biến đổi khí hậu, trình độ nhân lực thấp… Thế nên những tập đoàn dẫn đầu phải đóng góp nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách cũng như khắc phục điểm yếu nói trên”, ông Lê Đăng Doanh đề xuất.

Có dẫn đầu, các DN khác sẽ lớn mạnh theo

Thực tế, nhiều quốc gia từ lạc hậu vươn ra thế giới nhờ phát triển được những DN dẫn đầu, tạo động lực cho nền kinh tế. Hàn Quốc là minh chứng rõ nhất. Quốc gia này trong những năm 60 của thế kỷ trước còn nghèo nàn lạc hậu. Thế nhưng, nhờ chính sách khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các DN lớn được tổng thống đương nhiệm thời đó là ông Park Chung-hee ban hành đã cải tổ gần như toàn bộ nền kinh tế. Thu nhập bình quân hằng năm của người Hàn Quốc đã tăng từ 120 USD (khoảng năm 1961) lên đến 30.000 USD vào năm 2021. Cho đến cuối thập niên 1980, các tập đoàn khổng lồ như Hyundai, Samsung, Posco, LG… gần như đã chế ngự hầu hết các lĩnh vực, trong đó mạnh nhất phải kể đến công nghiệp, đặc biệt về sản xuất, thương mại và các ngành công nghiệp nặng.

Dẫn câu chuyện thay đổi chính sách mạnh mẽ, ủng hộ kinh tế tư nhân của Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội nhựa - cao su TP.HCM, cho rằng nhờ cải cách mạnh, các tập đoàn tư nhân của Hàn Quốc không những dẫn dắt cả nền kinh tế nước này mà còn mở rộng, tạo nên nhiều công ty lớn mạnh khác. Trong giai đoạn này, sự phát triển của Tập đoàn Samsung là một ví dụ điển hình. Năm 1997, doanh thu của Samsung chiếm khoảng 10% tổng GDP cả nước, đến năm 2012 tăng lên 20%. Trong số 5 tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc, hiện Samsung nắm gần 1/2 tổng doanh thu của cả 5 tập đoàn.

“Một đàn chim bay đi phải có con chim đầu đàn, đi theo đúng hướng và lớn mạnh. VN rất cần những con chim đầu đàn đó. Ngành nhựa - cao su của chúng tôi không thể phát triển thành những con chim đầu đàn nhưng chỉ cần có DN ngành ô tô, điện tử gia dụng lớn mạnh, dẫn đầu ngành thì các ngành khác có thể đi theo và phát triển bền vững được. Đơn cử sẽ có DN làm lốp xe, kính xe, miếng đệm cao su”, ông Nguyễn Quốc Anh nói và cho rằng Nghị quyết 29 sẽ tạo động lực để DN vươn lên, lớn mạnh. Đưa Nghị quyết vào thực tế một cách bài bản, chắc chắn nền kinh tế sẽ phát triển bền vững hơn. Làm xuất khẩu bao năm qua, đặc biệt là sau đại dịch, ông Anh thừa nhận nếu không đổi mới cạnh tranh thì rất khó vươn lên trong thế giới thay đổi quá nhanh ngày nay. “Hiện chúng tôi sản xuất phụ kiện phục vụ các ngành công nghiệp điện tử gia dụng cho Hàn Quốc, Nhật Bản…, nếu VN có DN dẫn dắt các ngành này thì quá tuyệt vời, DN có thể mở rộng thị phần ngay trong nước. Vì vậy, các chính sách lúc này phải tạo điều kiện để có những tập đoàn công nghiệp lớn mạnh. Trong khó khăn hiện tại, nới lỏng quy định quản lý tín dụng là cần thiết, đó cũng là cách Hàn Quốc làm thành công sau khủng khoảng tài chính châu Á”, ông Anh kỳ vọng.

Nghị quyết 29 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt chỉ tiêu đến năm 2030 là GDP phải tăng bình quân khoảng 7%/năm, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của VN phải thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP… Muốn vậy, Nghị quyết 29 đề ra mục tiêu phải sớm hình thành được một số tập đoàn, DN công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp…

Ý kiến

“Nếu không có những DN, tập đoàn kinh tế mạnh, khó có thể có sức mạnh khoa học - công nghệ hiện đại, mà như vậy sẽ thiếu nền tảng cho các chương trình khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo quốc gia. Trong thời đại mà thế giới đang thay đổi cấu trúc rất mạnh như hiện nay, không có những năng lực đó thì VN sẽ ngày càng tụt hậu, thậm chí khó tránh khỏi bị đặt ra ngoài lề cuộc đua tranh phát triển hiện đại”.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.