Đón 'đại bàng' đến làm tổ

Nguyên Nga
Nguyên Nga
13/10/2022 22:29 GMT+7

Nhiều đại gia công nghệ thế giới đã chọn Việt Nam làm bến đỗ trong chiến lược mở rộng quy mô đầu tư.

Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và sự càn quét của bão giá, một loạt “đại bàng” trong ngành công nghệ, công nghiệp vẫn đổ vốn mở rộng đầu tư tại VN là minh chứng cho những cải cách về chính sách, chuẩn bị hạ tầng của Chính phủ đã có kết quả rõ rệt.

Những dự án hàng tỉ USD

“Chốt hạ” từ cuối năm 2021, đến tháng 3 vừa qua, Tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em LEGO của Đan Mạch chính thức nhận giấy phép đầu tư dự án 1 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương. LEGO dự kiến khởi công xây nhà máy vào tháng 11 tới, bắt đầu hoạt động từ năm 2024 và có kế hoạch tuyển 4.000 nhân công có trình độ từ trung cấp tới cao cấp. Đây là nhà máy lớn thứ 2 của tập đoàn tại khu vực châu Á, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu cho thị trường châu Á -

Thái Bình Dương. Lý giải về quyết định đặt nhà máy thứ 2 của LEGO ở châu Á tại VN, Đại sứ Đan Mạch tại VN, ông Christensen cho rằng đây là quyết định đầu tư chiến lược rất quan trọng, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, ông cũng tiết lộ dự án này đã “nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các lãnh đạo Chính phủ VN”.

VN đã trở thành trung tâm sản xuất điện thoại, máy tính bảng và đang tiến tới công nghiệp bán dẫn

Ngọc Thắng

Trên thực tế, đây là dự án đích thân Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh trao đổi qua điện thoại trước với phía nhà đầu tư khi nghe ý định muốn vào VN. Kế đó là cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ và vị lãnh đạo cao cấp của tập đoàn tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Dịp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ để xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm đưa mức phát thải ròng của VN về 0 vào năm 2050. Thế nên, nếu nói về “nốt son” trong cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư, đây cũng là dự án được đánh giá “thần tốc” về thời gian từ khi ký kết biên bản ghi nhớ đến cấp giấy phép chỉ vỏn vẹn hơn 3 tháng. Đáng lưu ý, đây là dự án có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra bước ngoặt quan trọng về xu hướng thu hút đầu tư thế hệ mới, thời của kinh tế và tăng trưởng xanh. Dự án sử dụng năng lượng mặt trời mái nhà, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn.

Ở trong nước, nhiều “đại bàng” cũng liên tục mở rộng quy mô, tăng vốn lên hàng trăm triệu USD. Trong chuyến viếng thăm VN, ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung, tuyên bố sẽ đầu tư thêm 3,3 tỉ USD vào VN trong năm nay, đồng thời chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7.2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics VN (Thái Nguyên). Thực ra, một phần của khoản cam kết đầu tư 3,3 tỉ USD này đã được hiện thực hóa nhưng thông tin Samsung làm chíp bán dẫn tại VN gây sự chú ý đặc biệt cho giới đầu tư công nghệ. Nhiều hãng tin quốc tế cho rằng, ngành công nghệ “thời thượng” chíp bán dẫn đang tìm đến vùng đất nằm ven biển Thái Bình Dương. Trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp khó khăn lớn về chuỗi cung ứng, giá cả tăng, xuất khẩu của Samsung tại VN tăng 18% so cùng kỳ năm trước với 34,3 tỉ USD, đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 69 tỉ USD trong năm nay. Kết quả khả quan này là lý do “ông lớn” Samsung đã tập trung đầu tư mạnh vào VN nhiều năm nay.

Ngoài ra, những tên tuổi như Pegatron, Foxconn của Đài Loan từng được nhắc đến trong làn sóng các ông lớn chuỗi sản xuất toàn cầu rời Trung Quốc vài năm trước để tìm tổ mới tại khu vực Đông Nam Á cũng liên tục mở rộng tại VN. Năm nay, Pegatron đang rục rịch làm dự án thứ 2, sau dự án đầu tiên vừa được cấp giấy phép đầu tư tại Hải Phòng hồi tháng 3, tổng đầu tư 2 dự án lên đến 500 triệu USD. Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo… Còn Tập đoàn Foxconn - đối tác hàng đầu của Apple - sau khi đầu tư 1,5 tỉ USD vào các nhà máy ở Bắc Ninh, Bắc Giang, trong tháng 9 công bố thêm khoản đầu tư cơ sở sản xuất mới trị giá 300 triệu USD tại Bắc Giang.

“Bến đỗ” mới cho công nghiệp bán dẫn

Một số diễn tiến gần đây cho thấy, tham vọng xây dựng VN thành cứ điểm sản xuất hàng công nghệ của thế giới, “bến đỗ” mới cho ngành bán dẫn... là có cơ sở. Sau sự kiện Samsung sắp làm các linh kiện bán dẫn tại VN, Tập đoàn Intel, một trong ba nhà sản xuất chíp lớn nhất thế giới hiện nay (gồm TSMC, Samsung và Intel), từ đầu năm ngoái đã công bố thêm khoản đầu tư gần 500 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư của tập đoàn lên 1,5 tỉ USD vào đầu tư sản xuất chíp tại VN. Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5 vừa rồi, Giám đốc điều hành Tập đoàn Intel khẳng định sẽ mở rộng đầu tư tại VN với khoản đầu tư gấp nhiều lần so với trước.

VN trong tương lai sẽ thay đổi, không còn là nước sản xuất giá rẻ mà tập trung vào làm hàng hóa chất lượng cao, nguồn vốn FDI trong thời gian gần đây đang chứng kiến sự chuyển đổi đó.

Chuyên gia Vũ Quốc Chinh

Sự ổn định chính trị, môi trường đầu tư thuận lợi giúp VN ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ngọc Thắng

Đáng lưu ý, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) không chỉ đến VN làm các sản phẩm điện tử, linh kiện và lắp ráp để xuất khẩu mà xu hướng mở rộng đầu tư của các “sếu đầu đàn” này cho thấy chiến lược gắn kết bền vững đúng xu hướng thế giới. Đó là xây dựng những trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá hàng trăm triệu USD để bắt đầu những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Công ty LG Electronics Việt Nam Hải Phòng cũng cho biết thành lập 1 trung tâm R&D công nghệ thông tin tại Đà Nẵng. Trước đó, Qualcomm cũng khai trương phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm tra, nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn đầu tiên tại Hà Nội. Ngoài 3 dự án sản xuất linh kiện và các sản phẩm điện tử, Pegatron đang có ý định chuyển trung tâm R&D từ Trung Quốc sang VN. Đặc biệt, Samsung có kế hoạch đến cuối năm nay, đầu năm sau sẽ hoàn thành ngôi nhà R&D lớn nhất Đông Nam Á. Như vậy, bên cạnh 6 nhà máy được đầu tư vận hành tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, trung tâm R&D tại Hà Nội này chính là mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh đầu tư chiến lược lớn của Samsung, đưa VN trở thành cứ điểm chiến lược toàn cầu của tập đoàn, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu và phát triển.

Cuối tháng 8 vừa qua, hãng tin Nikkei Asia cũng đưa tin Công ty Synopsys (Mỹ) sẽ đào tạo kỹ sư điện tử tại VN và hỗ trợ Khu công nghệ cao TP.HCM để thành lập trung tâm thiết kế chíp thông qua chương trình tài trợ phần mềm. Đây là một trong số ít các công ty Mỹ thống trị thị trường toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử, hoặc phần mềm thiết kế chíp. Nikkei Asia nhấn mạnh đây là thông tin quan trọng và “đáng hoan nghênh” đối với VN. Theo nhận định của một lãnh đạo cao cấp Synopsys, thông qua mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, VN có thể bắt đầu thiết kế các vi mạch tích hợp (IC), chẳng hạn như IC cho tủ lạnh, máy điều hòa không khí, và sau đó nâng cao chuỗi giá trị của toàn ngành.

Trước đó, đã có một số doanh nghiệp FDI có liên quan trong sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn đã đặt chân vào VN như Công ty Amkor Technology (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh) với vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỉ USD. Amkor đã sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn, cung cấp cho các đối tác chiến lược là những công ty điện tử hàng đầu như Qualcomm, Samsung, NVIDIA, Foxconn, Broadcom, LG, SK Hynix. Dự án dự kiến vận hành vào cuối năm 2023. Hay Công ty thiết kế Renesas VN thuộc Tập đoàn Renesas Electronics (Nhật Bản) đã có mặt từ nhiều năm qua, chuyên về lĩnh vực thiết kế, nghiên cứu và phát triển LSI chíp và phần mềm nhúng cho điện thoại di động, xe hơi, máy chụp ảnh, quay phim phục vụ thị trường toàn cầu. Đây là một trong những trung tâm thiết kế quan trọng nhất của Tập đoàn Renesas Electronics…

Tất nhiên, không dễ để xây dựng VN thành “bến đỗ” mới cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, từ 20 năm trước, chúng ta chưa dám nghĩ có thể trở thành “cứ điểm” sản xuất cho ngành thiết bị di động. Xuất khẩu của khối FDI vẫn tập trung vào gia công trong các ngành thâm dụng lao động lớn, điện tử cũng dừng lại ở khâu lắp ráp… thì nay như nói ở trên, VN đã trở thành trung tâm sản xuất điện thoại, máy tính bảng và đang tiến tới công nghiệp bán dẫn, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cứ điểm hàng chất lượng cao

Chuyên gia Vũ Quốc Chinh (Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing, Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định: Dòng vốn dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang VN vẫn tiếp tục chảy một cách âm thầm và liên tục. Chính sách zero-Covid kéo dài tại nước này đã và đang khiến doanh nghiệp vệ tinh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu mệt mỏi, mất kiên nhẫn. Sau Trung Quốc, VN nổi lên trở thành thị trường thay thế với những yếu tố thuận lợi. Đó là tương đồng với Trung Quốc về địa chính trị, thuận lợi về logistics, có mối quan hệ thương mại tốt với các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và kể cả Nga. Thế nên, vị trí VN trong mắt nhà đầu tư được nâng điểm hơn trong một thế giới đang hàm chứa nhiều rủi ro, bất ổn.

“Cơ hội cho VN hiện nay rất lớn. Nhiều người nhìn thấy, nhưng liệu chúng ta có biết cách khôn khéo và nhanh nhạy để nắm bắt không mới quan trọng. Chung quy của câu chuyện thu hút đầu tư tại VN bây giờ là 2 chữ ổn định. Bão giá không làm chậm chân nhà đầu tư bởi nó trở thành vấn đề của thế giới, và VN kiểm soát vấn đề lạm phát khá tốt. VN có thể tự cung tự cấp về một số hàng hóa mà giá cả những hàng hóa đó là yếu tố gây ra lạm phát ở các nước khác. Thứ nữa, VN ở sát Trung Quốc, trong khi Trung Quốc căng thẳng với chính sách phòng chống Covid-19 bằng những đợt phong tỏa, xét nghiệm kéo dài, người Việt nay ra đường, đi làm, hội họp đã bình thường. Nói gì thì nói, Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp nguyên liệu lớn nhất thế giới, với vị trí địa lý sát bên thì VN vẫn chiếm ưu thế để dịch chuyển mảng sản xuất của các tập đoàn. Cuối cùng, trong khi thế giới bất ổn, chính trị - xã hội tại VN ổn định là điểm cộng trong mắt các nhà đầu tư như chúng ta đã thấy”, ông Vũ Quốc Chinh nhận xét.

Không chỉ với ngành thiết bị, điện tử; giày dép xuất khẩu của VN hiện đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. “Dù đây là những ngành thâm dụng lao động lớn, nhưng không thể phủ nhận VN có sức hút lớn cho công nghiệp gia công hàng tiêu dùng. Có thể rất dễ dàng để tìm thấy 1 đôi giày “made in Vietnam” trong bất kỳ siêu thị nào tại Pháp, Đức, Anh, Mỹ và cả Nhật Bản. Điều này cũng hơi lạ bởi trước đây tôi nghĩ Indonesia, Bangladesh mới có lợi thế hơn VN. Thực tế, chiến lược “Trung Quốc + 1” có thể tác động đến tất cả những phần còn lại của các lĩnh vực sản xuất khác, không chỉ lĩnh vực công nghệ. VN trong tương lai sẽ thay đổi, không còn là nước sản xuất giá rẻ mà tập trung vào làm hàng hóa chất lượng cao, nguồn vốn FDI trong thời gian gần đây đang chứng kiến sự chuyển đổi đó và ngày càng có nhiều hàng hóa có giá trị cao được sản xuất tại VN ra thế giới nhiều hơn”, ông Chinh nói.

Đánh giá về triển vọng thu hút vốn FDI trong giai đoạn cuối năm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết vốn FDI vẫn sẽ tiếp tục tốt vì một số lý do sau: Các tổ chức quốc tế đánh giá VN là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. Trong bối cảnh tình hình thế giới bất ổn, VN được đánh giá là một trong những môi trường đầu tư tương đối thuận lợi, là một trong những quốc gia ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia trên thế giới nên vốn đầu tư vào VN sẽ nhiều hơn. Cuối cùng, đồng tiền VN tương đối ổn định so với các đồng tiền khác, đặc biệt đồng USD đang lên giá mạnh. Những điều trên cho thấy triển vọng phát triển dòng vốn FDI vẫn rất cao.

VN đang trở thành điểm đến quan trọng đối với lĩnh vực công nghệ và không có lý do gì để nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi. Chính sự kết hợp giữa logistics và công nghệ diễn ra với tốc độ nhanh, một số công ty hoặc nhà sản xuất công nghệ hàng đầu đã thiết lập những vị trí rất quan trọng tại VN. Điều đó cho thấy lĩnh vực này đang có nhiều bước phát triển mạnh mẽ hơn so với trước. Bên cạnh đó, nhiều công ty khác cũng đang xem xét và cân nhắc việc đầu tư vào VN.

Ông Bill Winters,
Tổng giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered

Giấc mơ làm được con chíp bán dẫn đã có từ thời ông Trần Đại Nghĩa trước những năm 1975 nhưng chúng ta chưa có điều kiện. Nay một khi Samsung đã khởi động, Intel tăng tốc đầu tư thì cơ hội thu hút những “đại bàng” khác vào VN là rất lớn. Đây là cơ hội tốt để VN nắm bắt. Chính sự ổn định chính trị, môi trường đầu tư thuận lợi, cởi mở và cầu thị sẽ giúp VN ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hãy biến cơ hội thành hiện thực để đưa VN vào bản đồ ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng của thế giới.

GS Đặng Lương Mô,
nhà khoa học người Việt trong lĩnh vực vi mạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.