'Sếu đầu đàn' giữ phong độ

13/10/2022 11:08 GMT+7

Việc "giữ phong độ" của những con "sếu đầu đàn" trong cộng đồng gần 900.000 doanh nghiệp là động lực quan trọng góp phần phục hồi kinh tế đất nước.

Giữ công ty tồn tại và phục hồi trong bão giá 2022 đã khó. Thế nhưng vẫn có nhiều “thuyền trưởng” đã lèo lái doanh nghiệp thu về lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước và có nguồn lực để thực hiện các hoạt động xã hội, thiện nguyện.

Những “thuyền trưởng” giong buồm vượt bão

“Trong nhiều lần họp Hội đồng quản trị, tôi từng phát biểu nếu dừng lại thì chúng ta sẽ chết, đối thủ cạnh tranh sẽ vượt qua. Ý nghĩa của từ "không dừng lại" còn được hiểu là ngoài những gì chúng ta đã có, chúng ta sẽ vươn tầm khu vực, sẽ làm dự án Dung Quất 2 đạt 14,5 triệu tấn thép. Hiện nay, Ban Nghiên cứu phát triển tập đoàn đang nghiên cứu các dự án thép nữa. Đắk Nông là một trong những dự án chúng tôi nghiên cứu. Hòa Phát sẽ không dừng lại" - đó là tuyên bố của "vua thép" Trần Đình Long tại đại hội cổ đông hồi cuối tháng 5 trước áp lực cổ phiếu giảm giá không phanh do ngành thép gặp khó khăn kép. Năm 2022 có thể nói là năm khó khăn đỉnh điểm của ngành thép, vốn là biểu tượng của ngành công nghiệp của nhiều nước trên thế giới. Đầu tiên là nhu cầu giảm mạnh ở thị trường toàn cầu do khó khăn hậu Covid-19, trong đó có thị trường lớn nhất Trung Quốc thực hiện chính sách Zero - Covid. Thứ 2 là giá than - nguyên nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao trong quá trình sản xuất gang thép tăng chóng mặt do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, chi phí logistics đội gấp 3 - 4 lần khiến ngành thép rơi vào cơn bĩ cực. Được mệnh danh là cổ phiếu quốc dân vì sở hữu lượng cổ đông lớn nhất trên sàn, Hòa Phát đối mặt với áp lực rất lớn. Thế nhưng bản lĩnh của "vua thép" Trần Đình Long đã được tôi rèn. 3 tháng sau đó, tính đến hết tháng 8, Tập đoàn Hòa Phát đã bán ra thị trường hơn 5,5 triệu tấn thép thô, tăng 2% so với cùng kỳ 2021 nhờ thị trường nội địa ấm lại. Thép xây dựng và ống thép của Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam, lần lượt là 36,4% và 29%. Bên cạnh phục vụ thị trường trong nước, tập đoàn còn xuất khẩu các sản phẩm thép tới hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Dự kiến đến cuối năm thị trường tiêu thụ thép sẽ khả quan khi vào mùa cao điểm xây dựng.

Dự kiến thị trường tiêu thụ thép sẽ khả quan khi vào mùa cao điểm xây dựng cuối năm

Hòa Phát

"Không dừng lại" giúp "Vua thép" đạt hơn 12.229 tỉ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm nay, bình quân mỗi tháng bỏ túi hơn 2.000 tỉ đồng lợi nhuận. "Ông lớn" ngành thép cũng nộp vào ngân sách Nhà nước gần 7.400 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021 và thậm chí vượt xa số nộp của cả năm 2020. Cuối năm là giai đoạn cao điểm xây dựng và tiêu thụ thép tại thị trường nội địa, Trung Quốc - thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng... là những yếu tố có thể giúp Tập đoàn Hòa Phát tăng tốc kinh doanh, hướng tới mục tiêu lợi nhuận 1 tỉ USD.

Các công ty sữa cũng nằm trong “gọng kìm” của bão giá nguyên liệu và chi phí logistics tăng cao kỷ lục. Là doanh nghiệp (DN) đầu ngành, xuất khẩu từ sớm và tới nhiều nước, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) còn bị ảnh hưởng từ sức mua thị trường nước ngoài sụt giảm. Thế nhưng, nhờ tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh của người cầm lái dày dạn kinh nghiệm, tập đoàn này vẫn đút túi 4.368 tỉ lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, khi thị trường thế giới gặp khó khăn, Vinamilk đã tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa, mở rộng kênh bán hàng để hỗ trợ sức mua, giúp doanh thu từ nội địa đã vượt lên. Động lực tăng trưởng của "ông lớn" ngành sữa còn đến từ cả 2 công ty con tại nước ngoài là Driftwood và Angkormilk với mức tăng trưởng lần lượt 40% và 20%. Việc sở hữu nhà máy sản xuất tại các nước sở tại giúp công ty tiết kiệm chi phí vận chuyển. Do đó giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng như sức mua ổn định hơn so với xuất khẩu trực tiếp. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy, việc tìm kiếm các cơ hội M&A tại các quốc gia khác để mở rộng thị trường và tăng doanh số của lãnh đạo Vinamilk là đúng đắn và mang lại hiệu quả rõ rệt. Chiến lược này không những giúp công ty vượt qua khó khăn mà hướng đến trở thành 1 trong 30 công ty sữa lớn nhất thế giới trong thời gian tới.

Trong gian khó vẫn vươn lên phải kể đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ - những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất vì đại dịch thế kỷ nhưng đã có bước phục hồi ấn tượng. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam kinh doanh khởi sắc với doanh thu nửa đầu năm 2022 tăng gần 62%, lợi nhuận tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 4.269 tỉ đồng. "Ông lớn" Vingroup cũng hồi phục toàn diện khi các lĩnh vực kinh doanh đều ghi nhận tăng trưởng mạnh. Cụ thể, kinh doanh khách sạn và vui chơi giải trí tăng 80%; y tế và giáo dục tăng lần lượt 43,6% và 14% chủ yếu do các cơ sở đã hoạt động bình thường và khởi sắc so với cùng kỳ năm 2021. Kinh doanh tăng tốc đã góp phần đưa lợi nhuận trước thuế những tháng đầu năm của Vingroup tăng mạnh, lên đến 3.487 tỉ đồng và lãi ròng 1.065 tỉ đồng. Đặc biệt, các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng và sẽ được bàn giao nhiều trong nửa sau của năm nay sẽ mang lại doanh thu lớn cho tập đoàn. Điều này giúp tổng tài sản của Tập đoàn Vingroup tăng thêm 23%, lên khoảng 22 tỉ USD. Một con số quá ấn tượng cho DN tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Sự hồi phục và trở lại đường đua lợi nhuận của các “sếu đầu đàn” trong nền kinh tế không chỉ tạo hiệu ứng lan tỏa mà còn góp phần giúp các "chim sẻ" trụ lại thị trường.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại các nhà máy của Vinamilk

Vinamilk

Phát triển các Tập đoàn kinh tế quy mô lớn

Lần đầu tiên, chủ trương hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Văn kiện nhấn mạnh đến cơ cấu lại hệ thống DN nói chung để phát triển lực lượng DN Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa với DN có vốn đầu tư nước ngoài để khắc phục sự thiếu gắn kết giữa 2 khối, dẫn đến chưa tạo ra được sự chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển DN trong nước. Văn kiện nêu rõ: "Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế". Vậy tại sao "sếu đầu đàn" lại quan trọng như vậy? Về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định phải có những “đại bàng quốc tịch Việt”. Đó là những tập đoàn kinh tế Việt Nam thực sự hùng mạnh, đủ năng lực lôi kéo và dẫn dắt đàn chim Việt trong cuộc đua tranh quốc tế. "Tôi chưa thấy nền kinh tế nào trở thành hùng mạnh, mà không dựa vào những “con đại bàng” dẫn dắt của chính mình" - ông Thiên khẳng định.

Nhìn vào những đóng góp mà các "sếu đầu đàn" đóng góp cho nền kinh tế ở hầu hết các góc độ sẽ thấy rõ tầm quan trọng này. Đơn cử trong lĩnh vực bán lẻ, hơn 1 thập niên trước chúng ta từng lo ngại thị trường phân phối nội địa sẽ rơi vào tay các ông lớn ngoại vốn lớn, kinh nghiệm nhiều và điều đó sẽ trở thành hiện thực nếu Vingroup, Co.op mart... không nỗ lực mở rộng mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi của mình khắp mọi miền đất nước. Tính đến thời điểm hiện tại, dù hầu hết các đại gia trong ngành bán lẻ thế giới đã có mặt tại Việt Nam nhưng DN nội vẫn sở hữu hệ thống lớn nhất, hàng hóa Việt vẫn có kênh bán hàng quy mô rộng nhất. Tương tự trong lĩnh vực dịch vụ, khách sạn 5 sao tại Việt Nam trước đây là "độc quyền" của khối ngoại thì giờ đây, DN nội đã sở hữu những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới...

Trong bối cảnh các nước đang quay cuồng với lạm phát, giá cả hàng hóa tăng vọt, đồng nội tệ mất giá thì Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về ổn định vĩ mô. Nhờ đó, trong gần 3 năm từ khi xảy ra đại dịch thế kỷ, Việt Nam thu hút rất nhiều đại bàng trong làng công nghệ đến làm tổ. Khát vọng trở thành cứ điểm sản xuất thay thế Trung Quốc cũng được dấy lên. Thế nhưng, bên cạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống logistics tốt, môi trường kinh doanh thông thoáng, nếu chúng ta không có lực lượng doanh nghiệp bản địa đủ năng lực - những yếu tố chủ chốt cấu thành nên cái gọi là “tổ đại bàng” đích thực thì khó đón được luồng vốn đầu tư đang dịch chuyển trên thế giới. Và doanh nghiệp nội sẽ lại vẫn chỉ làm vệ tinh ngay chính tại sân nhà. Nên đây là thời điểm chín muồi để bắt đầu gây dựng “sếu đầu đàn” đông hơn, mạnh hơn theo Nghị quyết của Đảng.

Nguồn: FiinPro Platform - Đồ họa: phúc Hải

Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ngày càng nhiều

Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội, nhấn mạnh: Cần ghi nhận sự nỗ lực của các DN, doanh nhân trong thời buổi kinh doanh đầy khó khăn như hiện nay. Từ khi đổi mới, lực lượng DN Việt có sự phát triển nhanh, đặc biệt các DN tư nhân với sự linh hoạt và năng động nên đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế. Đơn cử, trước năm 2000, số thu của khối DN cho ngân sách chiếm khoảng 70 - 75% nhưng từ năm 2000 trở đi, tỷ lệ này đã tăng lên, chiếm 95%. Số thu từ khối này có thể đủ chi tiêu cho ngân sách, ngoài ra còn tái đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, khôi phục kinh tế. Ngay trong năm 2022 đầy khó khăn này thì chỉ trong 8 tháng đầu vừa qua, số thu ngân sách Nhà nước đã đi hơn 4/5 đoạn đường, cơ quan thuế thu hơn 1 triệu tỉ đồng tiền thuế, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chủ yếu là thu nội địa, đạt 951.789 tỉ đồng. Kinh tế phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đã trở lại trạng thái bình thường. Đáng chú ý một số ngành chịu tác động của dịch Covid-19 đã tăng trưởng mạnh trở lại như vận tải hành khách tăng gấp 4,4 lần và luân chuyển hành khách gấp 7,5 lần cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 58,6% về sản lượng, tăng 68,8% về luân chuyển hàng hóa so cùng kỳ… “DN, doanh nhân là lực lượng tham gia vào khôi phục kinh tế, góp ý xây dựng chính sách phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng nhà nước hoàn thiện chính sách, hướng đến thông lệ quốc tế. Chính vì vậy họ cần có môi trường đầu tư thông thoáng hơn, bình đẳng hơn. Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nhân đầu tư, tiếp cận đất đai, tín dụng… để từ đó có thể nâng đỡ DN khôi phục và mở rộng quy mô", ông Nguyễn Ngọc Tú nói.

Bên cạnh đó, không thể không nói đến sự đóng góp của cộng đồng DN với các hoạt động xã hội trong 3 năm dịch vừa qua. Hàng ngàn, hàng vạn DN chắt chiu từng đồng, kể cả chủ DN không nhận lương để hỗ trợ DN, người lao động. Họ xông pha trên khắp các mặt trận, đồng hành cùng Chính phủ chống dịch, làm thiện nguyện, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, vì đất nước...

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận xét: “Khoảng 810.000 DN hoạt động, được chia thành 3 khối DN tư nhân, nhà nước và nước ngoài đã phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Có nhiều DN đã về trạng thái trước dịch, kinh doanh hiệu quả góp phần rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động; đóng góp cho ngân sách Nhà nước. DN kinh doanh hiệu quả thì đóng góp càng lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế". Dù vậy, ông Lực cũng lưu ý, trong bối cảnh hiện tại, DN phải đối diện với nhiều khó khăn về lao động, chi phí nguyên vật liệu, chi phí vốn, biến động tỷ giá... Để giữ lợi nhuận, kinh doanh hiệu quả trong thời gian tới, DN cần phải tái cấu trúc, tiết giảm chi phí, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số. Đối với DN xuất khẩu, cần đa dạng hóa thị trường, đối tác và cả đồng tiền thanh toán. DN cần quan tâm hơn đến kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro tỷ giá, lãi suất. Tương tự, các chính sách hỗ trợ cũng phải được đẩy nhanh để họ vượt qua khó khăn, duy trì phong độ và tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Dữ liệu Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022 của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) ghi nhận sự phục hồi rất tích cực của DN. Trên 2/3 số DN cho biết doanh thu đã quay trở lại hoặc vượt mức trước khi đại dịch bùng phát. Điều này cho thấy cộng đồng DN Việt đã và đang thể hiện bản lĩnh vững vàng trên con đường phục hồi kinh tế sau đại dịch. Gần 74% số DN tham gia khảo sát trong tháng 8 cho biết họ đã hoàn thành trên 50% kế hoạch lợi nhuận của năm tài chính 2022, trong số đó, 2/5 số DN đã đạt trên 80% kế hoạch lợi nhuận. Với kết quả tích cực trên, hoàn toàn có cơ sở lạc quan về triển vọng kinh tế và khả năng sinh lời cả năm 2022.

Những ông chủ nhận lương 0 đồng

Dù lợi nhuận DN lên hàng ngàn tỉ đồng, nhưng những ông chủ của nhiều tập đoàn lại nhận lương 0 đồng. Tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup 2 năm gần đây không nhận thù lao. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng còn có bà Nguyễn Diệu Linh (Phó chủ tịch) và ông Yoo Ji Han (người vừa trở thành thành viên HĐQT độc lập) cũng nhận thù lao 0 đồng. Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) cũng không nhận lương dù lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát tăng hơn 345% so với cùng kỳ, đạt 2.577 tỉ đồng. Tương tự, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cùng 6 thành viên còn lại của HĐQT tập đoàn không nhận thù lao trong nửa đầu năm 2022. Trong khi năm 2021, thù lao cho HĐQT là 117,7 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.