Chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân Hoàng Nam Hải: Tự hào với tên gọi thiêng liêng

17/12/2021 06:30 GMT+7

Không có tên trong danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên, nhưng trọn cuộc đời 80 năm của ông Hoàng Nam Hải (1923 - 2003) - chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn tự hào với tên gọi thiêng liêng này.

Theo nghiệp đao cung

Một số người hỏi: Không được ghi tên trong danh sách những chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ), ông có thắc mắc gì không? Ông Nam Hải trả lời: “Tôi không có mặt trong 34 người nên người ta không ghi tên. Nhưng số chiến sĩ VNTTGPQ đầu tiên không chỉ còn tôi mà còn một số người nữa. Tôi nghĩ rằng ghi tên hay không ghi tên, không quan trọng, cách mạng hàng triệu người tham gia, làm sao ghi tên hết được. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận tôi là chiến sĩ VNTTGPQ, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, cũng là vẻ vang rồi”.

Tư liệu của Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) ghi nhận: “Việc xác định ai nằm trong danh sách 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đội VNTTGPQ rất khó, bởi hôm thành lập, số người được triệu tập từ các địa phương về khá đông. Bên cạnh đó, còn có đại biểu và nhân dân địa phương quanh vùng.

Ông Hoàng Nam Hải (thứ 2, từ trái sang) cùng các tướng lĩnh Quân đội nhân dân VN

Tư liệu gia đình

Nhiều nhân chứng được hỏi chuyện đều nói hôm 22.12.1944 có khá đông, phải đến gần 100 người, nhưng chủ yếu là đứng xung quanh, còn 34 đội viên đứng thành hàng ở giữa và làm lễ thành lập, tuyên thệ. Khi làm lễ, lúc đó khoảng 5 giờ chiều, lại ở trong rừng, mùa đông nên trời tối, không nhìn mặt hết tất cả mọi người, chưa kể nhiều người chỉ mang bí danh để hoạt động”.

Ông Hoàng Nam Hải sinh tại bản Sóc Giang, xã Sóc Hà, H.Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Năm 1941, để chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang sau này, một số thanh niên Cao Bằng giác ngộ cách mạng, trong đó có Nam Hải được đưa sang Trung Quốc học quân sự tại phân hiệu Võ bị Hoàng Phố. Khóa học kéo dài 3 năm, đến tháng 10.1944, ông về nước tham gia huấn luyện tự vệ H.Hà Quảng. Giữa lúc huấn luyện, Hoàng Nam Hải nhận được chỉ thị về tham gia Đội VNTTGPQ do đồng chí Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) chỉ huy.

Năm 2012, người con trai của ông Hoàng Nam Hải lúc này đang công tác tại Quân chủng Phòng không Không quân, được gặp ông Hà Hưng Long, một trong số 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ, tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Ông Hà Hưng Long xác nhận: “Đồng chí Hoàng Nam Hải đã cùng tôi tham gia cách mạng từ trước tháng 12.1944. Đồng chí Hoàng Nam Hải cùng với tôi và một số đồng chí khác: Hoàng Văn Thái, Thu Sơn, Xuân Trường, Quang Trung... là một trong số các thanh niên năm 1941 đã được Đảng cử sang Trung Quốc học tập tại Trường võ bị Hoàng Phố và sau đó đã về nước tham gia thành lập Đội VNTTGPQ…”.

Trên Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 17.12.1979, trong bài Ngày lịch sử ấy, đại tướng Hoàng Văn Thái kể lại ngày thành lập Đội VNTTGPQ như sau:

“... Nói đến thành lập Quân Giải phóng là trong bụng tôi như mở cờ. Điều đó tôi mong mỏi từ khi tham gia cách mạng, từ khi là chiến sĩ tự vệ bí mật cầm gậy tre thay cho súng, từ ngày có Đội Du kích Bắc Sơn cho đến những ngày học tập quân sự ở nước ngoài, không giấu nổi nỗi vui sướng, tôi cầm chặt tay anh Văn và hỏi:

- Đồng chí ghi tên anh em ngay bây giờ chứ?

Anh Văn cười gật đầu và mở sổ tay trong đó đã ghi tên những đồng chí cán bộ và chiến sĩ trung kiên đã hoạt động lâu năm ở Cao - Bắc - Lạng mà đã được anh Văn cùng liên tỉnh ủy lựa chọn: đồng chí Xích Thắng, Hoàng Sâm, Mậu, Thư, Hậu, Hữu Ích, Long Quân, Hoàng Thịnh, Nam.

Theo tôi đọc, anh ghi thêm các đồng chí Quang Trung, Nam Long, Quốc Chủng, Xuân Trường, Thu Sơn, Lâm Kính, Văn Quyển, Hưng Long, Long Xuyên, Nam Hải”.

Đầu tháng 12.2021, sắp bước sang tuổi 106, đại tá Hoàng Long Xuyên - người chiến sĩ Đội VNTTGPQ, gặp lại con trai trung tá Hoàng Nam Hải. Người lính già như bước ra từ cổ tích đã xúc động nhớ lại rồi chia sẻ những kỷ niệm học tập và chiến đấu cùng người đồng đội năm xưa.

Sau hai trận chiến thắng mở màn tại Phai Khắt và Nà Ngần, đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5.2.1945, Đội VNTTGPQ đánh trận thứ ba tại Đồng Mu (nay thuộc xã Xuân Trường, H.Bảo Lạc, Cao Bằng). Trận này, một chiến sĩ hy sinh là Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường). Đây là liệt sĩ đầu tiên của QĐND Việt Nam. Nhiều năm sau, thân nhân của liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng về Hà Nội gặp ông Nam Hải, ông đã viết giấy chứng nhận để họ được hưởng tiêu chuẩn chính sách của nhà nước dành cho thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Ngày 15.4.1945, Hoàng Nam Hải trở thành cán bộ huấn luyện quân sự cho học viên Trường Quân chính kháng Nhật (nay là Trường Sĩ quan Lục quân I). Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông được điều về làm Giám đốc Trường Quân chính Quân khu II, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La nhận nhiệm vụ tây tiến sang Lào chặn bước thực dân Pháp trở lại xâm lược.

“Bao công” thời hiện đại

Năm 1958, trong đợt kiểm tra sức khỏe, ông không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ trong quân đội mà phải chuyển ngành về công tác tại Ban Nông thôn T.Ư, rồi về công tác tại TAND tối cao từ năm 1960. Trước khi nghỉ hưu, ông Hoàng Nam Hải là Chánh tòa Hình sự - TAND tối cao (cố vấn bậc 2).

Nhà giáo Ưu tú Đặng Hiển, em vợ của ông, viết: “Khi trả lại quân hàm, quân hiệu cho quân đội, anh đã khóc và thầm hứa sẽ cho một đứa con phục vụ lâu dài trong quân ngũ”. Lời hứa này được ông thực hiện khi con trai lớn học hết bậc phổ thông đã thi vào Đại học Kỹ thuật quân sự và trở thành quân nhân, khi nghỉ hưu là đại tá ở Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân.

“Trong hơn hai chục năm làm công tác tư pháp, anh đã nghiên cứu làm việc, xét xử đúng người đúng tội, không phạm một sai lầm nào” - tròn 10 năm trước (2011), nhà giáo Đặng Hiển đã viết kỷ niệm về người anh của mình - “Đặc biệt anh kiên quyết giữ gìn phẩm chất liêm chính của một người cán bộ, đảng viên. Anh đặt ra một quy tắc bất di bất dịch cho mình là không bao giờ tiếp người thân của phạm nhân ở nhà riêng và cũng cấm những người thân của mình không được can dự vào các việc xét xử”.

Khi ông Hoàng Nam Hải qua đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chia buồn tới gia đình như sau:

“Thân gửi gia đình đồng chí Hoàng Nam Hải,

Tôi vừa được tin khá đột ngột đồng chí Hoàng Nam Hải từ trần. Trong giờ phút đau thương, tôi có lời chia buồn thống thiết với gia đình, mong gia đình nhất là các con cháu vượt qua đau thương và gương mẫu trên mọi cương vị công tác, xứng đáng với lòng mong mỏi của đồng chí Nam Hải, người cán bộ ưu tú đã làm tốt nhiệm vụ đối với Quân đội, đối với Đảng và nhân dân.

Hà Nội, 9.10.2003

Võ Nguyên Giáp”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.