Chiến sự đến tối 29.6: Kherson chuẩn bị trưng cầu dân ý, Tổng thống Indonesia tới Ukraine

29/06/2022 18:00 GMT+7

Chính quyền được Moscow hậu thuẫn ở thành phố miền nam Ukraine cho biết họ đang chuẩn bị trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga, giữa lúc Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến Kyiv.

Kherson chuẩn bị trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga

Chính quyền quân sự - dân sự do Moscow dựng lên ở tỉnh Kherson của Ukraine cho biết họ đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga, một quan chức trong chính quyền nói với Reuters ngày 29.6.

Theo ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo chính quyền, ngày tổ chức trưng cầu dân ý vẫn chưa được chọn, nhưng ông dự kiến ​​cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong "nửa năm tới".

Trước đó, chính quyền cho biết lực lượng an ninh đã bắt giữ Thị trưởng Kherson Ihor Kolykhayev hôm 28.6, sau khi ông này từ chối làm theo yêu cầu của Moscow, theo Reuters.

Người Mỹ có tin tưởng Ukraine sẽ giành lại lãnh thổ?

Kherson nằm ở phía tây bắc bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga từ 2014. Thành phố này bị chiếm đóng ngay trong tuần đầu tiên của cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến một phần lớn dân cư địa phương phải sơ tán.

Tổng thống Indonesia đến Kyiv

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến Kyiv sáng nay và dự kiến gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, theo The Guardian. Ông Widodo và phu nhân đã đến Ukraine bằng tàu hỏa, và điểm dừng chân tiếp theo của ông trong chuyến công du sẽ tới Moscow, nơi ông dự kiến ​​gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Widodo đến Kyiv bằng tàu hỏa ngày 29.6

reuters

Tổng thống Indonesia hiện là chủ tịch nhóm G20 và là một trong 6 nhà lãnh đạo thế giới được Liên Hiệp Quốc trao vai trò chủ chốt trong nhóm ứng phó khủng hoảng toàn cầu, được thành lập để giải quyết mối đe dọa về đói nghèo do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.

Reuters lưu ý rằng trước chiến sự, Ukraine là một trong những nhà cung cấp lúa mì lớn nhất của Indonesia.

Mỹ tăng cường lực lượng ở châu Âu

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29.6 thông báo về các cuộc triển khai mới của Mỹ ở châu Âu. "Tại thời điểm này, [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã phá vỡ hòa bình ở châu Âu… Mỹ và các đồng minh đang củng cố sức mạnh, chứng tỏ NATO là cần thiết hơn bao giờ hết và quan trọng hơn bao giờ hết", ông nói trong hội nghị của NATO tại Tây Ban Nha, theo The Guardian.

Ông Biden tại hội nghị của NATO tại Tây Ban Nha ngày 29.6

Theo Reuters, ông Biden cho biết Washington sẽ làm việc với Tây Ban Nha để nâng số tàu khu trục của Mỹ đóng tại Rota, Tây Ban Nha từ 4 chiếc lên 6 chiếc, đồng thời gửi thêm 2 phi đội F-35 tới Anh.

Ông cũng công bố những kế hoạch sẽ tiếp tục giúp tăng cường số lượng quân nhân, hệ thống phòng không và vũ khí khác của Mỹ ở Ba Lan, Romania, các nước Baltic và các căn cứ khác trên khắp châu Âu.

Nga nói cần gì để kết thúc chiến tranh "ngay hôm nay"?

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố sẽ gia tăng các cuộc tấn công vào Ukraine nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho nước này.

“Càng thêm vũ khí được bơm vào Ukraine, cuộc xung đột và cơn hấp hối của chế độ phát xít được các thủ đô phương Tây ủng hộ sẽ càng kéo dài hơn”, ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo ngày 28.6, theo đài RT. Ông cho rằng quan điểm của phương Tây về tình hình tại Ukraine là tuyệt đối phản xây dựng và gây hại.

Xem thêm: Nga dọa sẽ gia tăng tấn công nếu vũ khí được bơm vào Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Sau nhiều tuần nỗ lực ngoại giao, lãnh đạo Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28.6 đã ký một thỏa thuận chung nhằm giải quyết những điều kiện của Ankara để hai nước Bắc Âu có thể gia nhập NATO, AP đưa tin.

Thổ Nhĩ Kỳ ca ngợi thỏa thuận này là một chiến thắng, nói rằng Thụy Điển và Phần Lan đã đồng ý trấn áp các nhóm mà Ankara coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, bao gồm đảng Lao động người Kurd, hay PKK, và một nhánh của nhóm này ở Syria, tức YPG.

Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Phản ứng trước việc này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 29.6 cho biết Moscow nhìn nhận kế hoạch gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan "một cách tiêu cực", theo hãng tin Interfax. Ông Ryabkov cũng nói sự mở rộng của NATO "gây mất ổn định" và không có lợi cho an ninh của các thành viên.

Xem thêm: Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Xem thêm diễn biến chiến sự Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.