Chiến sự hậu Mariupol

23/05/2022 06:35 GMT+7

Số phận các binh sĩ Ukraine ra hàng ở nhà máy thép Azovstal vẫn là câu hỏi lớn, trong khi Nga đang cố giành quyền kiểm soát các thành phố quan trọng ở vùng Donbass.

Số phận tù binh Ukraine

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tổng cộng 2.439 binh sĩ, bao gồm các thành viên của Tiểu đoàn Azov, đã hạ vũ khí đầu hàng tại nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol kể từ ngày 16.5. Cuộc giằng co dai dẳng ở Mariupol đã kết thúc nhưng hiện chưa có gì chắc chắn về số phận của các binh sĩ trên. Hãng RIA Novosti ngày 21.5 dẫn lời ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Vấn đề quốc tế thuộc Duma quốc gia (Hạ viện Nga), cho biết Moscow đang cân nhắc việc trao đổi các binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Azov của Ukraine với ông Viktor Medvedchuk, doanh nhân Ukraine giàu có được cho là thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Severodonetsk bị pháo kích ngày 21.5

AFP

Tuy nhiên không lâu sau đó, chính ông Slutsky đã trực tiếp bác bỏ thông tin này. “Quan điểm của tôi vẫn không thay đổi: không thể trao đổi các thành viên của [Tiểu đoàn] Azov, vốn bị Nga xem là phạm pháp. Số phận của họ nên được định đoạt bởi tòa án… Mọi cách diễn giải đang được đăng tải đều không chính xác về bản chất, tôi muốn nhấn mạnh điều này một lần nữa”, ông viết trên kênh Telegram, theo TASS. Theo lời chính trị gia là trưởng đoàn đàm phán của Nga với Ukraine, vấn đề trao đổi tù binh cần được thảo luận “bởi những người có thẩm quyền phù hợp”. Ông Slutsky đã dẫn đầu một phái đoàn nghị sĩ Nga đến khu vực Donetsk hôm 21.5 để gặp ông Denis Pushilin, lãnh đạo phe ly khai tại đây.

Xem nhanh: Ngày 88 chiến dịch quân sự Nga, Ukraine quyết không nhượng bộ lãnh thổ trong đàm phán

Ông Medvedchuk (67 tuổi) là chính trị gia và là một trong những người giàu có nhất Ukraine, từ lâu đã nổi tiếng về mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, triệu phú này đã bỏ trốn giữa lúc đang bị quản thúc tại gia, nhưng bị bắt lại vào giữa tháng 4. Trong khi đó, Tiểu đoàn Azov vốn là một nhóm bán quân sự trước khi được tích hợp vào lực lượng vũ trang Ukraine. Nga cáo buộc lực lượng này có nguồn gốc từ các nhóm cực hữu, mang tư tưởng tân phát xít.

“Ưu tiên chiến thuật” của Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy thừa nhận tình hình chiến sự ở vùng Donbass đang “vô cùng khó khăn”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh nhận định thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh Luhansk ở vùng này là một trong những “ưu tiên chiến thuật trước mắt” của Nga, theo báo cáo tình báo mới nhất hôm qua 22.5.

Tình báo quốc phòng Anh cho hay Nga có khả năng đã triển khai một đội hình “kẻ hủy diệt” BMP-T, loại xe chiến đấu bảo vệ xe tăng, tới Severodonetsk. Việc này gợi ý sự tham gia của Đội hình Lực lượng trung tâm (CGF), vốn là đội hình duy nhất có sự xuất hiện của BMP-T trong quân đội Nga. Dù vậy, với tối đa 10 xe BMP-T được triển khai, báo cáo cho rằng Nga không có khả năng thay đổi cục diện.

Nga bị đẩy lùi tại thành phố chiến lược miền đông

Văn phòng ông Zelensky sáng 22.5 cho biết lực lượng Nga đã không thành công trong việc tiến vào Severodonetsk, mặc dù đã tấn công thành phố từ bốn hướng khác nhau. Còn theo quân đội Ukraine, tấn công Severodonetsk là một phần trong chiến dịch quy mô lớn của Nga dọc theo toàn bộ đường liên lạc giữa hai bên.

Tổng thống Zelensky cũng đã kêu gọi thế giới giúp đỡ khôi phục hoạt động tại các cảng biển của Ukraine đã bị Nga phong tỏa, “nếu không khủng hoảng lương thực sẽ nối tiếp khủng hoảng năng lượng và thêm nhiều quốc gia phải đối mặt với những vấn đề này”. “Các vị có thể giúp khai thông cảng theo nhiều cách khác nhau. Một trong số đó là giải pháp quân sự. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải nhờ các đối tác cung cấp các loại vũ khí thiết thực”, ông nói.

Vài giờ trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành gói viện trợ mới nhất trị giá gần 40 tỉ USD cho Kyiv, trong đó có 11 tỉ USD dưới dạng cung cấp vũ khí và 6 tỉ USD để hỗ trợ quân đội Ukraine.

Nga đang chi hơn 300 triệu USD mỗi ngày cho quân sự

Nga thừa nhận bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt

“Các biện pháp trừng phạt thực tế đã phá vỡ toàn bộ hoạt động hậu cần trong nước”, Bộ trưởng Giao thông Nga Vitaly Savelyev nói ngày 21.5, theo The New York Times. Ông cho biết giới chức Nga đã buộc phải tìm kiếm các hành lang hậu cần mới để vận chuyển hàng hóa, bao gồm tuyến đường bắc - nam đi qua Astrakhan và hai cảng ven biển Caspi là Olya và Makhachkala.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.