Chiến sự ngày 231: Ukraine khoe bắn 4 trực thăng Nga trong 18 phút, đề nghị NATO cấp thêm vũ khí

13/10/2022 06:30 GMT+7

Danh sách ưu tiên đề nghị viện trợ vũ khí của Ukraine bao gồm các hệ thống phản lực phóng loạt, pháo và hệ thống phòng không, trong bối cảnh Kyiv thông báo giải phóng thêm các khu vực ở miền nam.

Lính xe tăng Ukraine ở Kherson

afp/getty

Ukraine tiếp tục phản công ở miền nam

Hôm 12.10, Ukraine thông báo đã tiếp tục tiến quân ở tỉnh miền nam Kherson, giải phóng thêm 5 làng trong lúc di chuyển đà tiến về hướng tây nam.

Đài CNN dẫn thông tin từ ông Yaroslav Yanushevych, người đứng đầu chính quyền quân sự Kherson, cho hay 5 làng được giải phóng bao gồm Novovasylivka, Novohryhorivka, Nova Kamynka, Tryfonivka và Chervone.

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 230, G7, NATO cam kết 'Ukraine còn cần thì còn hỗ trợ'

Các đơn vị tên lửa phòng không Ukraine cũng cho biết chỉ mất 18 phút để bắn hạ 4 trực thăng, và con số tiếp tục gia tăng. Đồng thời, tỉnh trưởng Vinnytsia Serhiy Borzov cho biết lực lượng Ukraine đã vô hiệu hoá 2 máy bay không người lái cảm tử của đối phương.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga cập nhập đã phá huỷ 4 xe tăng, 3 xe bọc thép bộ binh và 3 xe bọc thép chở quân gần Kupiansk, tỉnh Kharkiv. Các lực lượng vũ trang Nga cũng vô hiệu hoá xe chiến đấu, xe thiết giáp ở Lyman (Donetsk), Zaporizhzhia (Zaporizhzhia), Mykolaiv (Mykolaiv)…

Ukraine liệt kê danh sách vũ khí cần viện trợ

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thúc giục các đồng minh cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine, gọi đây là ưu tiên của những nước tham dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO và Nhóm Tiếp xúc vì Ukraine ở Brussels (Bỉ) từ ngày 12-13.10.

NATO thắt chặt an ninh, tiếp tục hỗ trợ Ukraine

Tại cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc vì Ukraine do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì, Ukraine liệt kê ưu tiên số một là Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (MLRS) và đạn dược liên quan. Kế đến là siêu lựu pháo tự hành, lựu pháo kéo và lựu pháo lắp bánh phi truyền thống và pháo 155mm, 152mm, 122mm.

Ưu tiên thứ ba là hệ thống phòng không, bao gồm các tên lửa cho các hệ thống tầm trung của Ukraine hiện tại như S-300 và SA-11. Các ưu tiên khác lần lượt là radar, hệ thống phòng thủ bờ biển, xe tăng và thiết bị chiến tranh điện tử.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc vì Ukraine hôm 12.10

afp/getty

Nga ổn định sản xuất dầu

Nga dự kiến sẽ duy trì sản lượng dầu ở mức 9,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10, theo Sputnik News dẫn lời Phó thủ tướng Alexander Novak, trong lúc phương Tây triển khai áp trần giá dầu Nga.

Phát biểu tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12.10 cam kết duy trì mức sản lượng hiện tại cho đến năm 2025. Chủ nhân Điện Kremlin khẳng định Nga sẽ không nhường vị trí dẫn đầu trong thị trường năng lượng toàn cầu bất chấp lệnh cấm vận từ phương Tây.

Xem thêm: Giá dầu thế giới biến động, Nga trấn an vẫn duy trì sản lượng dầu ổn định

Nga cũng không chấp nhận bị đổ lỗi trong cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu. Thay vào đó, ông Putin cho rằng EU nên tự trách chính mình.

“Người dân châu Âu đang phải chịu đựng. Năm nay, hoá đơn năng lượng và khí đốt của họ tăng hơn gấp đôi. Như thời Trung Cổ, dân châu Âu bắt đầu phải tồn trữ củi để sưởi ấm vào mùa đông. Thế thì Nga có liên quan gì trong chuyện này”, ông Putin đặt câu hỏi.

Tổng thống Vladimir Putin nói EU nên tự đổ lỗi cho chính bản thân về cuộc khủng hoảng năng lượng

afp

Nga truy cứu trách nhiệm vụ nổ cầu Crimea

Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) ngày 12.10 thông báo đã bắt giữ 5 người Nga, 3 người Ukraine và Armenia đã tham gia vào việc chuẩn bị cho cuộc tấn công cầu Crimea, theo TASS.

Đến nay, ít nhất 12 người tham gia chuẩn bị cho cuộc tấn công đã được xác định. Theo đó, trong số này có 3 người Ukraine, 2 người Georgia và một người Armenia đã sắp xếp việc vận chuyển thuốc nổ từ Bulgaria sang Georgia và sau đó là sang Armenia.

Nga bắt 8 người để điều tra vụ nổ phá hoại cầu Crimea

Một người Ukraine và 5 người Nga đã chuẩn bị giấy tờ cho một doanh nghiệp“ma” tại Crimea để nhận số thuốc nổ.

Trong thông báo mới, FSB cho rằng Tổng cục tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau vụ việc, trong đó chủ mưu là Tổng cục trưởng Kyrylo Budanov và các nhân viên, đặc vụ.

Xem thêm: Nga bắt 8 người liên quan vụ nổ cầu Crimea

Nga bác tin tỉ phú Musk thảo luận với ông Putin về Ukraine

Tổng giám đốc điều hành Tesla Elon Musk không hề có cuộc trao đổi nào với Tổng thống Putin trước khi công bố “kế hoạch hoà bình” cho Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ hôm 12.10.

“Không, đó là điều không đúng”, ông Peskov trả lời câu hỏi về việc liệu ông Musk có trao đổi với ông Putin trước khi lên Twitter công khai “kế hoạch hoà bình”.

Tỉ phú Elon Musk bác thông tin về liên hệ với Tổng thống Putin

Nhà sáng lập hãng SpaceX và Tesla ở Mỹ viết trên Twitter đề xuất thỏa thuận hòa bình bao gồm việc tổ chức lại trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga với sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, thừa nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea và trao cho Ukraine vị thế trung lập.

Tỉ phú này còn lập một khảo sát để 107 triệu người theo dõi tài khoản Twitter của ông có thể bỏ phiếu về ý tưởng trên.

Đáp trả, Tổng thống Zelensky cũng tạo một khảo sát trên tài khoản Twitter của mình với câu hỏi “bạn thích Elon Musk nào hơn?”, kèm 2 lựa chọn gồm “Người ủng hộ Ukraine” và “Người ủng hộ Nga”.

Xem thêm tình hình Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.