Chiến sự Ukraine đến tối 24.3: Nga tiếp tục tiến công, lãnh đạo phương Tây nhóm họp

24/03/2022 18:28 GMT+7

Các nhà lãnh đạo phương Tây đang nhóm họp tại Bỉ với một loạt hội nghị thượng đỉnh của NATO , G7 và EU trong bối cảnh Nga đang tiếp tục tiến công.

Một người đàn ông tại khu dân cư vừa bị các trận pháo kích phá hủy ở Kyiv, Ukraine ngày 23.3

reuters

Nga tiếp tục chiến dịch

Reuters dẫn lời Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 24.3 cho biết Nga đang cố gắng nối lại chiến dịch để tiếp tục giành quyền kiểm soát các thành phố Kyiv, Chernihiv, Sumy, Kharkiv và Mariupol.

Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine cũng nói để đối phó với tình trạng thiếu binh sĩ, Moscow đã đưa đến các đơn vị mới đến gần biên giới Ukraine và huy động những binh sĩ từng phục vụ ở Syria trong thời gian gần đây. Hiện Nga chưa lên tiếng về các thông tin này.

Các quan chức Ukraine cho biết lực lượng của nước này đã đẩy lùi lực lượng Nga ở các khu vực khác, bao gồm cả xung quanh thủ đô Kyiv.

Sau một tháng chiến sự, tình hình Ukraine hôm nay ra sao?

Trong khi đó, theo hãng thông tấn TASS, Bộ Quốc phòng Nga ngày 24.3 thông báo các lực lượng nước này đã phá hủy một hệ thống phòng không S-300 của Ukraine bằng đạn pháo thông minh Krasnopol.

Trước đó, Nga đã công bố hình ảnh về việc hệ thống phòng không của Ukraine bị loại bỏ và một video quay cảnh trung tâm chỉ huy hiện trường của quân đội Ukraine ở khu vực Kyiv bị trúng một quả đạn Krasnopol dẫn đường.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố máy bay tiêm kích-ném bom Su-34 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã loại bỏ các kho vũ khí và thiết bị quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine. Ukraine chưa xác nhận các thông tin này.

Phương Tây tổ chức một loạt hội nghị thượng đỉnh

Từ phải sang: Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden trò chuyện tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ vào ngày 24.3

reuters

Theo Reuters, các nhà lãnh đạo phương Tây cũng đang gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để tham gia một loạt hội nghị thượng đỉnh của NATO, nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) trong các ngày 24-25.3.

Họ dự kiến đồng ý tăng cường lực lượng ở Đông Âu, tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga sẽ phải trả giá cho việc thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các quốc gia NATO cũng sẽ đồng ý gửi thiết bị cho Kyiv để phòng thủ trước mối lo ngại các cuộc tấn công sinh học, hóa học và hạt nhân.

Nhà Trắng cho biết Mỹ đang có kế hoạch công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật chính trị và giới tài phiệt Nga. Theo đó, ông Biden và những người đồng cấp châu Âu sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới và thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có.


Bác sĩ Kharkiv lập phòng sinh dã chiến, hỗ trợ sản phụ vượt cạn

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết liên minh này sẽ tăng cường lực lượng ở Đông Âu bằng cách triển khai 4 nhóm tác chiến mới ở Bulgaria, Hungary, Romania, Slovakia.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO và EU qua video. Trước hội nghị, ông Zelensky nói mình mong đợi "những hành động nghiêm túc" từ các đồng minh phương Tây và tiếp tục kêu gọi NATO thiết lập khu vực cấm bay.

Chiến sự Ukraine bước sang tháng thứ hai

Một tháng sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu tại Ukraine, tình hình chiến sự vẫn trong thế giằng co trong khi chưa đạt bước đột phá trên bàn đàm phán để chấm dứt xung đột. Nga vẫn chưa thể kiểm soát các thành phố chủ chốt của Ukraine.

Những khoảnh khắc cảm động của cuộc chiến tại Ukraine

Cuộc xung đột đã gây nhiều tổn thất về lực lượng cho cả hai phía và một cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu. Theo Văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, 3.636.546 người Ukraine sang các nước khác để tị nạn, trong đó hơn 2,1 triệu người sang Ba Lan. Hơn 10 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa trong vòng một tháng qua.

Xem thêm: Nhìn lại cuộc chiến ở Ukraine sau một tháng

Nga cảnh báo NATO về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân

Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy trả lời cuộc phỏng vấn với Đài Sky News phát ngày 24.3, nói Nga giữ lại quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị NATO khiêu khích. Ông Polyanskiy cũng cảnh báo các nước phải tính toán kỹ khi đang đối phó với một cường quốc hạt nhân.

Điện Kremlin: chỉ khi sự tồn vong bị đe dọa, Nga mới dùng vũ khí hạt nhân

Xem thêm: Chiến sự đến trưa 24.3: Nga cảnh báo NATO, pháo từ Ukraine nổ ở Nga

Chiến sự Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.