Hãng AFP ngày 2.1 dẫn lời Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny cho hay phía Nga phóng đến 99 tên lửa vào các tỉnh của Ukraine trong ngày 2.1, trong đó có 72 tên lửa bị bắn hạ.
"Đối phương dùng 99 vũ khí tấn công từ trên không, gồm nhiều loại tên lửa", ông viết trên mạng xã hội và cho hay Không quân Ukraine đã "phá hủy 72 mục tiêu trên không".
Kyiv, Kharkiv lại bị Nga không kích ồ ạt
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay các tên lửa nhằm vào tỉnh Kyiv và Kharkiv khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 92 người bị thương, đồng thời tuyên bố rằng "Nga sẽ phải trả lời cho mỗi mạng người mất đi".
Nga chưa lên tiếng về những thông tin trên của Ukraine nhưng trước nay luôn bác bỏ cáo buộc nhằm vào dân thường tại Ukraine.
Trang tin The Kyiv Independent dẫn thông tin từ Không quân Ukraine cho hay lực lượng này đã bắn hạ 59 tên lửa hành trình Kh-101/555/55 và 3 tên lửa hành trình Kalibr. Ngoài ra, lực lượng này còn bắn hạ tất cả 10 tên lửa đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal của Nga trong cuộc tấn công sáng 2.1.
Đáng chú ý, ông Zaluzhny cho hay lực lượng Ukraine đã bắn rơi các tên lửa Kinzhal của Nga bằng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, theo AFP.
Phía Nga còn phóng 4 tên lửa chống radar Kh-31P từ các máy bay Su-35 và các tên lửa khác, theo Không quân Ukraine. Đợt tấn công ngày 2.1. khiến khoảng 260.000 người dân tại Kyiv bị mất điện, theo Bộ Năng lượng Ukraine.
Trước đó, phía Ukraine cho biết Nga ồ ạt tấn công bằng các máy bay không người lái (UAV) cảm tử trong ngày 1.1.
Điểm xung đột: Tổng thống Zelensky nói Nga tổn thất nặng; Tổng thống Putin: Ukraine không phải kẻ thù
Nga ném bom nhầm?
Cùng ngày khi Ukraine tố Nga tấn công với gần 100 tên lửa, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận một máy bay chiến đấu của nước này đã "thả đạn dược khẩn cấp" khi bay qua vùng Voronezh thuộc lãnh thổ Nga gần biên giới Ukraine.
Theo TASS, Bộ Quốc phòng Nga cho hay một máy bay chiến đấu của nước này đã thả đạn dược khẩn cấp khi bay qua vùng Voronezh và không gây thương vong.
"Việc thả đạn dược khẩn cấp từ máy bay xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 2.1 (giờ địa phương) khi một máy bay của Không quân Nga đang bay qua khu vực Petropavlovka thuộc vùng Voronezh. Không có thương vong", theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga.
Thông cáo cho hay có 6 ngôi nhà thuộc sở hữu tư nhân bị thiệt hại và cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra vụ việc.
Ông Alexander Gusev, Thống đốc vùng Voronezh, cho hay người dân tại một số tuyến đường ở Petropavlovka đã được sơ tán đến một trung tâm tạm cư. Nhà chức trách sẽ đánh giá thiệt hại để bồi thường, ông cho biết.
Ukraine lại tấn công đất Nga, bị tố dùng vũ khí cấm
Khu vực Petropavlovka nằm cách biên giới Ukraine khoảng 150 km. Vào tháng 4 năm ngoái, quân đội Nga thừa nhận rằng một máy bay chiến đấu đã thả nhầm một quả bom xuống thành phố Belgorod gần biên giới Ukraine, gây nên một vụ nổ.
Nga tố Ukraine tấn công tại Belgorod
Hãng Reuters ngày 2.1 dẫn lời Thống đốc vùng Belgorod (Nga) Vyacheslav Gladkov cho hay một người đàn ông bị thương nặng trong cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào thành phố Belgorod, thủ phủ của vùng này.
Ông cho biết các hệ thống phòng không của Nga đã bắn rơi 4 "mục tiêu trên không" tiến đến thành phố, nhưng không nói rõ về các mục tiêu.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo xác nhận đã phá hủy 17 quả rốc két Olkha do phía Ukraine bắn đến vùng Belgorod. Theo đó, lực lượng phòng không Nga phá hủy 4 quả rốc két trong đợt đầu tiên, trước khi ngăn chặn 2 đợt tiếp theo gồm 5 quả và 8 quả rốc két Olkha.
Tổng thống Putin: Nga sẽ tăng cường tấn công Ukraine
Thông cáo còn cho biết phía Nga đã chặn 11 quả rốc két HIMARS và Olkha trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại vùng Zaporizhzhia, Luhansk và Donetsk trong vòng 24 giờ trước đó.
Ukraine chưa bình luận về diễn biến trên.
Thổ Nhĩ Kỳ chặn các tàu dò mìn Anh
Hãng Reuters ngày 2.1 dẫn lời giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không cho phép 2 tàu dò mìn của Anh đi qua hải phận của mình để đến biển Đen nhằm cung cấp cho Ukraine.
Theo đó, Ankara cho rằng điều này vi phạm một thỏa thuận quốc tế liên quan việc đi lại ở các eo biển trong thời chiến.
Tháng trước, Anh thông báo sẽ chuyển 2 tàu dò mìn của hải quân nước này cho phía Ukraine nhằm hỗ trợ hoạt động trên biển của Kyiv. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ không để các tàu này sử dụng các eo biển Bosphorus và Dardanelles của mình nếu chiến sự vẫn đang diễn ra ở Ukraine.
Khi Nga đưa quân sang Ukraine vào tháng 2.2022, Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt Công ước Montreux 1936 về các chế độ eo biển, ngăn các tàu quân sự đi lại giúp các bên trong xung đột. Hiệp ước này không áp dụng đối với các tàu trở về căn cứ thường trú.
Ankara vốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow cũng như Kyiv và cho biết việc áp dụng công ước nhằm đề phòng tình trạng leo thang ở biển Đen.
Bình luận (0)