Chiến trường Ukraine giữa 'bóng ma' vũ khí hạt nhân

11/10/2022 14:15 GMT+7

Những diễn biến căng thẳng liên tục trên chiến trường Ukraine một lần nữa khiến dư luận lo ngại nguy cơ Nga sử dụng đến vũ khí hạt nhân.

Reuters ngày 2.10 đưa tin ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, vừa lên tiếng đề nghị Moscow cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp ở Ukraine. Đề nghị này của ông Kadyrov được đưa ra sau khi Nga thừa nhận đã rút quân khỏi TP.Lyman thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông Ukraine và Kyiv cũng tuyên bố đã tái chiếm Lyman.

Trên thực tế, cuối tháng 9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra một số tuyên bố ám chỉ nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong đó, ông khẳng định Nga chuẩn bị mọi phương tiện hiện có để bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ”. Tuyên bố được đưa ra giữa lúc Nga thúc đẩy việc sáp nhập 4 tỉnh Donetsk và Luhansk cùng ở miền đông Ukraine, Kherson và Zaporizhzhia cùng ở miền nam của Ukraine. Đến đêm 30.9, Tổng thống Putin đã ký hiệp ước để sáp nhập 4 tỉnh trên vào Nga.

Quân đội Ukraine đăng tải hình ảnh được chụp ở Lyman

reuters

Răn đe hạt nhân của Moscow cũng trở thành nguy cơ rõ ràng hơn khi ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và hiện giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cuối tháng 9 tự tin tuyên bố liên minh NATO sẽ chẳng dám tham chiến và chẳng làm được gì nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Trả lời báo Thanh Niên, một chuyên gia quân sự, là cựu đại tá quân đội Mỹ và từng điều hành một bộ phận tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan, cho rằng việc Tổng thống Putin đe dọa có thể sử dụng vũ khí hạt nhân có thể không phải là mới, nhưng cũng sẽ tạo một áp lực trong nội bộ nước Nga lẫn áp lực đối với Ukraine. Vị chuyên gia này nhận định rằng Ukraine đủ khôn khéo để không tiến hành tấn công vào lãnh thổ của Nga.

Cựu đại tá quân đội Mỹ này cho rằng việc đe dọa dùng vũ khí hạt nhân nhằm răn đe để Ukraine không tấn công vào khu vực thuộc 4 tỉnh trên.

Tuy nhiên, phía Ukraine vẫn liên tục tấn công vào các khu vực thuộc 4 tỉnh trên và đến ngày 1.10 đã tái chiếm Lyman. Vì thế, giới quan sát lo ngại nguy cơ Moscow sẽ dùng vũ khí hạt nhân.

Mặc dù vậy, vị cựu đại tá quân đội Mỹ cho rằng: “Tôi không nghĩ ông Putin sẽ chọn giải pháp sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, thiệt hại và bức xạ sẽ ảnh hưởng đến Belarus và cả một phần của chính nước Nga”.

Liên quan nhận định này, trong báo cáo công bố vào sáng 2.10 (theo giờ VN), các nhà phân tích của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) đánh giá quân đội Nga hiện đang gặp nhiều khó khăn nên không đủ sức tham chiến ở một trận địa hạt nhân dù đã được huấn luyện.

Vị cựu đại tá quân đội Mỹ nói thêm với Thanh Niên rằng “vũ khí hạt nhân gây ra hậu quả vượt xa một cuộc tấn công thông thường. Ngay cả khi Tổng thống Putin dùng đến vũ khí hạt nhân thì chưa hẳn đã được phía quân đội đồng thuận. Vì thế, việc Moscow đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ nhằm gây áp lực đối với hoạt động quân sự của Kyiv”.

Thiếu điện, thiếu nước, người dân Kharkiv sẽ cầm cự thế nào trong mùa đông sắp tới?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.