Việc Trung Quốc gây dựng và tăng cường cả sự hiện diện trực tiếp cũng như ảnh hưởng nói chung trên nhiều phương diện ở các đảo quốc nam Thái Bình Dương đã khiến cho Úc phải chủ động và sáng tạo hơn để ứng phó. Một trong những chiêu thức mới đây nhất của chính phủ nước này là thực thi loại hình ngoại giao thể thao. Thực chất, đó là việc sử dụng sức mạnh mềm phục vụ cho chính sách và mục tiêu đối ngoại.
Một vận động viên bóng gậy của Úc |
Reuters |
Thật ra, ngoại giao thể thao đã được chính phủ Úc thực thi từ trước đấy với chương trình thể thao PacificAus với bóng chày, bóng đá và bóng lưới. Động thái mới của Trung Quốc khiến Úc phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn và hướng tới hiệu quả thiết thực hơn với chương trình này. Cho nên bây giờ có thêm ngoại giao bóng gậy.
Úc là một trong những cường quốc thế giới về môn này và bóng gậy cũng rất được ưa chuộng ở các đảo quốc khu vực nam Thái Bình Dương. Đó là lĩnh vực mà Trung Quốc không có lợi thế nổi bật để có thể ganh đua với Úc. Papua New Guinea và Vanuatu là hai đối tác đầu tiên trong khu vực được Úc nhằm đến với loại hình ngoại giao bóng gậy. Cách làm đơn giản nhưng chắc chắn sẽ rất công hiệu: Úc trợ giúp về tài chính và kỹ thuật để phát triển môn bóng gậy ở hai đảo quốc kia, trực tiếp giúp huấn luyện các đội bóng hàng đầu ở đó, để cho các đội bóng gậy của hai đảo quốc tham gia thi đấu ở Úc như các đội bóng chuyên nghiệp của Úc, tổ chức thi đấu giao lưu và các giải thi đấu chung.
Sức mạnh mềm này có thể giúp Úc tác động trực tiếp tới người dân trên hai đảo quốc, tạo dựng bản sắc thể thao chung để gắn kết họ với Úc, phân rẽ họ với các đối tác bên ngoài khu vực. Đương nhiên, phía Úc không nêu rõ chủ ý đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cả hình thức ngoại giao đặc thù này nhưng không nói ra không có nghĩa là hoàn toàn không có chủ ý.
Bình luận (0)