Chiêu 'thần dược' của bác sĩ tâm thần cứu những bà mẹ trầm cảm

Huy Đạt
Huy Đạt
28/02/2019 19:05 GMT+7

Mang nặng đẻ đau rồi lại bị người thân "đẩy" đến trầm cảm, những bà mẹ thấy mình là "kẻ vô dụng" ấy khiến các bác sĩ tâm thần kiên quyết kéo họ... quay về. Bởi không ai đành lòng nhìn những đứa trẻ mồ côi mẹ.

Vượt cạn là một biến động lớn đối với cuộc đời của người phụ nữ. Chuyển dạ, sinh con khiến sức khỏe người phụ nữ giảm sút rất nhiều, ngay sau đó họ lại phải đối mặt với câu chuyện dài chăm sóc đứa con mới lọt lòng. Họ tự đặt nhiều câu hỏi trong tâm thế rất nặng nề. Những đêm trắng thức cùng con khiến họ mất ngủ triền miên kéo dài. Rồi sự thiếu quan tâm của mọi người xung quanh khiến người mẹ rơi vào trạng thái trầm cảm.
Với các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, đó là những bệnh nhân đặc biệt bởi sau lưng họ là những đứa trẻ đang chờ mẹ... trở về.
[VIDEO] Chuyện ở bệnh viện tâm thần: Tình người ở "cõi điên"

Đau lòng cảnh mẹ gây hại đứa con đứt ruột sinh ra

Bác sĩ CKII Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết không có một nguyên nhân duy nhất nào gây nên bệnh trầm cảm sau sinh. Các vấn đề về thể chất và cảm xúc chính là chính là “sát thủ thầm lặng” khiến người mẹ có hành vi nguy hiểm cho bản thân và con cái. Nhiều triệu chứng biểu hiện trầm cảm sau sinh với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhẹ thì buồn chán, bồn chồn, trì trệ, ít nói, không muốn tiếp xúc, tránh xa bạn bè và người thân, bỏ ăn uống vì lo lắng con nhỏ quá nhiều...
Bệng nặng thì triệu chứng sẽ kinh khủng hơn nhiều, chẳng hạn họ sẽ vô cùng buồn chán, cảm giác trống rỗng hoặc tuyệt vọng; chỉ muốn ở một mình, khóc lóc mọi lúc, có cảm giác mình là kẻ vô dụng; đặc biệt thấy có tội lỗi, cuộc sống không còn đáng sống dẫn đến ý định tự tử, sát hại chính đứa con của mình…
Bác sĩ CKII Trần Nguyên Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng ẢNH: HUY ĐẠT
“Người thân phải chú ý, quan tâm nhiều hơn và đặc biệt khi các sản phụ có triệu chứng như thường buồn bã, cảm xúc luôn thất thường, cáu giận vô cớ, dễ khóc… thì buộc phải can thiệp ngay, càng phát hiện sớm thì bệnh sẽ dễ điều trị. Tránh gây nên những điều đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Ngọc nói.
“Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoảng sợ, có hành vi kích động, tấn công người
Ngày trước thuốc men thiếu thốn và việc nhận thức về bệnh trầm cảm sau sinh của người nhà bệnh nhân chưa cao, khiến bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Bệnh trầm cảm nặng thành bệnh tâm thần phân liệt, nhiều trường hợp bị "điên" vĩnh viễn.

BS Nguyên Ngọc

khác bởi vì họ luôn thấy bất an. Chính vì thế, đã có nhiều sự việc đau lòng xảy ra như mẹ giết con”, bác sĩ Ngọc khyến cáo.
Từng có hơn 15 năm giữ chức Phó Trưởng khoa Nữ của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, bác sĩ Lê Thị Thu Nga (hiện là Trưởng khoa Phục hồi chức năng) đã tư vấn, chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Bác sĩ Nga chia sẻ, đã trực tiếp tư vấn, chữa trị cho các bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Cũng là phụ nữ, cũng làm dâu, làm vợ và làm mẹ, điều khiến bác sĩ Nga trăn trở là bệnh trầm cảm phát sinh do những áp lực mà những người thân gây ra với người phụ nữ sau khi sinh con mà có thể họ... vô tình không biết.
Bác sĩ Nga nhớ lại, một trường hợp người phụ nữ ngoài 30 tuổi, sống ở TP.Đà Nẵng được chồng đưa đến bệnh viện trong tình trạnh buồn chán, không chịu giao tiếp với những người xung quanh. Với gương mặt không có sức sống, khoé mắt thâm đen vì nhiều đêm thức trắng ngồi thẩn thờ, người phụ nữ đã bậc khóc khi chồng chở đến cổng Bệnh viện Tâm thần.
Bác sĩ Lê Thị Thu Nga, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng ẢNH: HUY ĐẠT

“Tôi không bị điên, tôi muốn chết…”

 
“Tôi không bị điên, tôi muốn chết…”, người phụ nữ thét lên trong nước mắt. Bệnh nhân nhanh chóng được nhập viện điều trị tại Khoa Nữ. Bác sĩ Nga dành nhiều thời gian để tâm sự riêng với bệnh nhân. Lấy thân phận là những người phụ nữ, sau khoảng thời gian dài trò chuyện, bác sĩ Nga biết được câu chuyện rằng người chồng đi làm xa, phải đứng lớp giảng dạy ở một trường THPT ở huyện miền núi Quảng Nam. Nữ bệnh nhân vừa sinh con đã vắng chồng, vừa làm mẹ lại phải vừa làm dâu… nên rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, mắc bệnh trầm cảm kéo dài.
“Cô ấy nói với tôi, cô ấy muốn được ra ở riêng, muốn có thời gian chăm sóc con nhỏ…”, bác sĩ Nga kể. Biết được nguyên nhân, bác sĩ Nga yêu cầu người chồng cho bệnh nhân được ở riêng. Và đó là liều thuốc đặc hiệu nhất lúc bấy giờ, bệnh nhân được thực hiện điều trị ngoại trú. Sau khoảng thời gian 1 tháng điều trị thuốc kết hợp với kế hoạch điều trị cảm xúc từ người thân, bệnh nhân đã hoàn toàn khỏi bệnh.
“Tôi nghĩ vai trò quan tâm, chăm sóc, yêu thương đối với người phụ nữ sau sinh từ người thân là đặc biệt quan trọng. Thuốc sẽ hỗ trợ cho người bệnh, nhưng liều thuốc từ tình thương là liều thuốc đặc hiệu trong đơn thuốc chung đó. Thậm chí đó còn là liều văc-xin vô giá đối với bệnh trầm cảm sau sinh”, bác sĩ Nga nhấn mạnh.
Bác sĩ Nga chia sẻ thêm về kỷ niệm đẹp này: "Tôi đã ôm người phụ nữ có chồng dạy học ở miền núi rất lâu khi anh chồng chở cô ấy đến cảm ơn các y bác sĩ của khoa". "Nhìn 2 vợ chồng dắt tay bước ra cổng bệnh viện, tôi mới nghĩ "chỉ một chút nữa thôi, nếu anh chồng không quyết liệt cho vợ "uống" liều thuốc đặc dụng như tôi đã nói không thể thiếu trong đơn thuốc ấy thì ảnh đã mất một người vợ, con ảnh đã thành đứa trẻ mồ côi rồi," bác sĩ Nga nói. 
Trầm cảm sau sinh là câu chuyện cần cảnh báo đối với từng gia đình ẢNH: HUY ĐẠT
Thực tế đã có nhiều trường hợp phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh đã tự làm đau chính mình, tự tìm lối thoát bản thân bằng việc giết mình, giết con… Với thâm niên hơn 30 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần, và là người trực tiếp chữa trị cho rất nhiều sản phụ mắc bệnh trầm cảm sau sinh, bác sĩ Ngọc chia sẻ, sự biến đổi tâm sinh lý của phu nữ trong lúc thai kỳ và sau khi sinh là vô cùng phức tạp. Đặc biệt, việc phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, hay áp lực, thậm chí là bạo lực gia đình… khiến người phụ nữ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý, dẫn đến trầm cảm và nặng hơn là rối loạn tâm thần. 
Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, có đến 11 - 20% phụ nữ sinh con mỗi năm có triệu chứng mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Trong thực tế, số lượng phụ nữ bị trầm cảm sau sinh và các bệnh liên quan trong một năm nhiều hơn tổng các trường hợp phụ nữ mắc bệnh lao, bệnh bạch cầu, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, bệnh lupus và bệnh động kinh (ở cả nam và nữ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.