Chính phủ dự kiến cắt giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ

Mai Hà
Mai Hà
19/10/2022 12:25 GMT+7

Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến sắp xếp sẽ giúp giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục; giảm 145 vụ và tương đương; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Sáng 19.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp sáng 19.10

nhật bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, thách thức này, cần khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính, chi phí không chính thức; mọi nơi, mọi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải cố gắng, nỗ lực, góp phần vào nhiệm vụ này.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong 9 tháng qua, công tác cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...

Đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh

Về công bố, công khai thủ tục hành chính, tính từ 1.7 đến ngày 22.9, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 470 quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý.

Thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tại thời điểm ngày 22.9 có 3.869 thủ tục hành chính thực hiện tại bộ, cơ quan T.Ư, 1.398 thủ tục hành chính thực hiện tại địa phương và 1.763 thủ tục hành chính thực hiện ở các cơ quan ngành dọc tại địa phương.

Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9, bộ, cơ quan.

Đáng chú ý, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính đến ngày 15.10, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 11 bộ, cơ quan.

Kết quả dự kiến sắp xếp, sẽ giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 145 vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ. Đã có 16/19 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Tại địa phương, hiện 58 địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; cấp huyện theo các tiêu chí của Chính phủ. Theo đó, đã giảm 7 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 1.649 phòng thuộc sở; 273 chi cục thuộc sở; 638 cơ quan chuyên môn và tương đương cấp huyện.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

nhật bắc

Về biên chế, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương giao biên chế giai đoạn 2022 - 2026 của cả hệ thống chính trị. Theo đó, đến năm 2026 thực hiện giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đồng thời, bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022 - 2026, trong đó, năm học 2022 - 2023 đã giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc giao biên chế công chức, viên chức và tuyển dụng viên chức giáo dục bảo đảm kịp thời cho năm học mới.

Tăng 20% lương để giữ chân công chức

Để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngày 14.9, Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Hội nghị T.Ư 6 Khóa XIII về điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%).

Về phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong 9 tháng năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tính đến ngày 26.9, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 đạt 97,3% (chiếm 54,67% tổng số thủ tục hành chính).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.