Chính phủ ‘lỡ’ kế hoạch 5 chỉ tiêu tái cơ cấu nền kinh tế

Anh Vũ
Anh Vũ
29/10/2021 16:13 GMT+7

5/22 mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 không hoàn thành. Đây đều là những mục tiêu quan trọng và liên quan tới hoạt động của khu vực công, đặc biệt tại các doanh nghiệp nhà nước .

Chiều 29.10, Quốc hội nghe báo cáo và thẩm tra về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày, ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8.11.2016 của Quốc hội.

Trong đó, hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,3% tổng số mục tiêu đề ra tại kế hoạch, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với mục tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
gia hân

Tuy nhiên, 5 mục tiêu chưa hoàn thành gồm: thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần nhà nước sở hữu trên 50% vốn; thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư; nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất; đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (thực tế mới đạt khoảng 812.000 doanh nghiệp); đến năm 2020, tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 25% (thực tế mới đạt 24,5%).

Theo Ủy ban Kinh tế, việc không hoàn thành 5 mục tiêu, chiếm 22,7% tổng số mục tiêu đề ra tại kế hoạch cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Ủy ban Kinh tế đặc biệt lưu ý, việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại 3 trọng tâm không hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 là “Hoàn thành cơ cấu lại 3 trọng tâm trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác”.

Trong đó, cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm, chi phí vốn còn cao.

Sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước tiến độ còn chậm, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực được giao; một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm, yếu kém trong công tác định giá doanh nghiệp, triển khai phương án sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát vốn, tài sản công...

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế
Gia hân

Xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào FDI

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Động lực của tăng trưởng là xuất khẩu nhưng còn phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI. Cơ cấu, năng lực thị trường vốn còn hạn chế, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Hiệu quả, tính bền vững và khả năng thích ứng của nền kinh tế chưa cao, chưa tận dụng được cơ hội chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, làm rõ một số nội dung như tác động của dịch Covid-19 năm cuối nhiệm kỳ; kết quả khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư dàn trải, manh mún, nợ đọng xây dựng cơ bản, tham nhũng, lãng phí.

Nguyên nhân chuyển biến chậm và chưa đáp ứng yêu cầu trong đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập; nguyên nhân một số doanh nghiệp, dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm. Công tác quản lý, sử dụng vốn vay, kiểm soát khoản vay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nguyên nhân thu từ 3 khối doanh nghiệp liên tiếp nhiều năm không đạt dự toán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.