Sáng 20.9, Ban Chỉ đạo quốc gia về chính phủ điện tử đã họp lần thứ nhất, chỉ ra các tồn tại cố hữu trong hệ thống dịch vụ công, như ngại minh bạch, còn nhũng nhiễu và nhấn mạnh quyết tâm hoàn thiện chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Báo cáo về thực trạng chính phủ điện tử (CPĐT), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, VN đã có những tiến bộ trong xếp hạng về CPĐT, năm 2018 tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan, Philippines). Tuy nhiên, mức xếp hạng này là thấp so với cả khu vực và thế giới.
tin liên quan
Sẽ có KPI để “đo” chính phủ điện tửNhiều người không muốn làm vì sợ minh bạch
Một số tồn tại được chỉ ra như nền tảng kỹ thuật chia sẻ dữ liệu triển khai chậm, đặc biệt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì gần như giậm chân tại chỗ; dịch vụ công trực tuyến thiết kế rời rạc, chưa lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, dẫn đến số lượng hồ sơ trực tuyến rất thấp, thậm chí một số dịch vụ không phát sinh hồ sơ. Dịch vụ lẫn lộn giữa giấy tờ và trực tuyến gây phiền hà cho người dân và công chức thực hiện. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) mỏng và có xu hướng dịch chuyển sang khu vực tư. Bảo mật thấp. Có tình trạng cát cứ, không sẵn sàng chia sẻ, liên thông dữ liệu. Chưa có trách nhiệm giải trình của người đứng đầu...
Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc DN viễn thông, CNTT xếp hạng cao (top 30 thế giới) mà CPĐT xếp hạng thấp (88) là do chúng ta không làm, chứ không phải vì năng lực không thể làm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ quan điểm này và lấy ví dụ ngay trong bộ ông quản lý cũng có những người không muốn làm, không chịu làm vì những tư duy “thâm căn cố đế”. Do đó, ông nhiều lần nhấn mạnh “phải kiên quyết”, “phải có quyết tâm chính trị lớn” mới làm được.
Tương tự, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng thừa nhận thực tế có “một số không muốn làm, vì đưa công nghệ vào thì minh bạch hóa toàn bộ quá trình làm thủ tục và rõ trách nhiệm; bất kỳ lúc nào cũng biết lỗi ở đâu, chậm trễ ở đâu”. Do vấn đề này mà thực tế ứng dụng công nghệ ở các cơ quan, địa phương là rất khác nhau, phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực của người đứng đầu. “Vĩnh Long, Long An đã tiến rất nhanh, ngang với Hà Nội, dịch vụ công trực tuyến đã thu được chi phí thừa để tăng cường cơ sở vật chất”, ông Hà cho biết.
Nhấn mạnh việc phải quyết liệt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tập trung nguồn lực cho một số hạng mục chính, đơn cử là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Nội dung thu thập và quản lý dữ liệu chính tôi đã chỉ đạo 3, 4 năm nay mà không làm. Cứ bộ nọ hất sang bộ kia... Chậm trễ nhất và tắc nhất của CPĐT là cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Lần này tôi thấy rất đúng là giao cho Bộ Công an làm, đề nghị làm cấp tập xong dữ liệu ấy trong vòng nửa năm”, Phó thủ tướng yêu cầu.
tin liên quan
Thành lập Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tửPhải có “kỷ luật sắt”
Mặc dù có nhiều quan điểm lo lắng về an toàn thông tin khi đẩy mạnh CPĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất quán cho rằng trong thời đại này VN phải hội nhập, số hóa. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ thể hiện quyết tâm chính trị cao, quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc, tiến tới xây dựng thành công CPĐT để phục vụ người dân, DN; phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc tốt nhất. Phải có một kỷ luật sắt trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài đổ qua đổ lại”.
Nhắc lại những “kết quả còn khiêm tốn” của CPĐT như thứ hạng thấp dưới mức trung bình ASEAN; thiếu khung pháp lý; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chậm; hạ tầng CNTT, an ninh bảo mật thấp; chưa phát triển CPĐT ở mức cao nhưng lộ lọt thông tin lại rất lớn; một số địa phương còn nhũng nhiễu, tiêu cực... Thủ tướng nhấn mạnh tồn tại trên là do người đứng đầu. Thủ tướng đơn cử việc mình muốn biết vì sao container phế liệu vào trong nước nhiều như vậy, trách nhiệm thuộc về ai cũng phải chờ báo cáo, tổng hợp thủ công, chứ chưa thể kiểm soát trên hệ thống.
Nhất trí quan điểm giao một đầu mối chỉ đạo, một người chỉ huy thống nhất, không để nhà nhà, ngành ngành làm CNTT, Thủ tướng lưu ý các cơ quan “đừng để tốn kém tiền bạc, đừng để “năm cha bảy mẹ” mà không kết nối được hệ thống”. “Xây dựng CPĐT quyết liệt hơn, phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, phải gắn chặt với cải cách hành chính, thay đổi lề lối làm việc; lấy người dân, DN làm trung tâm; lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm trung tâm. Đừng để tình trạng đưa chủ trương sớm nhưng mãi không thực hiện được. Tôi nhắc lại là phải kỷ luật sắt, để tất cả cùng xắn tay áo vào với Chính phủ thực hiện thành công việc này, chứ không phải mạnh ai nấy làm”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu “vừa phát triển vừa phải quản lý tốt, không lộ lọt thông tin”.
“Thế lực thù địch đang tập trung lật đổ chúng ta rất quyết liệt. Tôi nói vậy để phát triển CPĐT không phải không quan tâm đến an ninh, an toàn”, Thủ tướng nhắc nhở.
Để chuẩn bị nhân lực cho công việc này, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ cấp bách triển khai xây dựng các cơ chế đặc thù, ưu đãi về chế độ, chính sách, kể cả việc bổ nhiệm, đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho cán bộ biệt phái, chuyên gia làm việc trong dự án.
Bình luận (0)