Chính phủ: Quy hoạch Hà Nội tầm nhìn đến 2050 phải tận dụng tối đa lợi thế

Lê Quân
Lê Quân
07/03/2022 19:33 GMT+7

Theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 mới được Chính phủ thông qua ngày 7.3, phạm vi quy hoạch với tổng diện tích tự nhiên là hơn 3.350 km 2 .

Phát huy tiềm lực nội tại, thu hút tốt nguồn lực từ bên ngoài

Theo quyết định, nhiệm vụ lập Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là thực hiện các quy định tại điều 27 luật Quy hoạch và điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7.5.2019 của Chính phủ.

Mật độ xây dựng dày đặc tại khu vực phía tây Hà Nội khiến nhiều người lo ngại áp lực gia tăng lên hạ tầng xã hội

lê quân

Trong đó, các nội dung chính là phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của thủ đô; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; yêu cầu về phương án phát triển các ngành quan trọng; yêu cầu về phát triển trong điều kiện kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong vùng thủ đô; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp thành phố, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Quy hoạch thủ đô Hà Nội phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư…, đồng thời hấp dẫn thu hút tốt nguồn lực từ bên ngoài.

Quy hoạch Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo phát triển bền vững

Lê quân

Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ nêu yêu cầu phải định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cấp có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng…

Phải giải quyết được xung đột không gian trên địa bàn Hà Nội

Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ cũng nêu rõ mục tiêu lập quy hoạch là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của thủ đô Hà Nội sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn Hà Nội, đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch thủ đô nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch thống nhất hệ thống thông tin quốc gia về quy hoạch đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của thành phố, vùng và quốc gia. Là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống và làm việc có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của thành phố.

Quy hoạch Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cần đảm bảo kết nối giữa các huyện và khu trung tâm

lê quân

Nhiệm vụ quy hoạch phải để xuất được phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn được các phương án tổ chức, phát triển hoạt động kinh tế - xã hội có hiệu quả, là cơ sở cho việc đề xuất: phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; phương án tổ chức phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Đồng thời, phải đề xuất được không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn Hà Nội cho các nhu cầu phát triển trong tương lai đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.

Nhiệm vụ quy hoạch phải xây dựng được phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong vùng thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng, cũng như vị thế là trung tâm đầu não của cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.