Hà Nội dự kiến di dân khỏi khu vực nội đô lịch sử ra sao?

Vũ Hân
Vũ Hân
22/03/2021 19:03 GMT+7

Cùng với việc công bố quy hoạch khu vực nội đô lịch sử, Hà Nội dự kiến phải giảm 215.000 dân khỏi khu vực này. Vậy, phương án thực hiện sẽ được tính toán ra sao?

Giãn dân qua giải phóng mặt bằng và di dời trường học, bệnh viện...

Theo ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, thành phố đặt ra 8 mục tiêu với quy hoạch này, trong đó, mục tiêu đầu tiên là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân vào năm 2030, tức là phải giảm khoảng 400.000 người.
Trong hồ sơ quy hoạch, dân số “hiện trạng” theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là 887.411 người, chưa kể biến động.
Trong một số giải pháp chính để thực hiện quy hoạch, ngoài di dân ra bên ngoài khu vực nội đô lịch sử khi thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng để mở đường, đầu tư phát triển các dự án công cộng, hạ tầng xã hội của thành phố và địa phương, ông Huy cho rằng, cần triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giãn dân cơ học.
Thứ nhất, ông Huy đề nghị triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành... ra khỏi khu vực nội đô lịch sử.
Thứ hai, đẩy nhanh xây dựng “chương trình phát triển đô thị”, cân đối nguồn lực bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung và từng bước kiểm soát phát triển theo quy hoạch, kế hoạch quy hoạch; trong đó cần tập trung vào các khu vực phát triển đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các dự án tạo động lực phát triển đô thị, phát triển loại hình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ cùng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật đồng bộ tạo các cực hút dân cư ra khu vực trung tâm thành phố.

Khu vực quy hoạch

Nguồn HN

Đất di dời trụ sở ưu tiên bổ sung quỹ đất công cộng

Các đồ án quy hoạch phân khu đã đề xuất các chức năng sử dụng đất sau khi di dời các cơ quan, bộ ngành T.Ư, cơ sở giáo dục, y tế, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, trên nguyên tắc ưu tiên bổ sung quỹ đất công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phục vụ chung khu vực..., không sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Qua rà soát tại các đồ án quy hoạch, với tổng quỹ đất khoảng 176,21 ha hiện đang đề xuất chuyển đổi một phần quỹ đất bổ sung cho hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực khoảng 96,61 ha (chiếm tỷ lệ 54,8%); phần đất còn lại dành để phục vụ phát triển đô thị, với tổng diện tích khoảng 79,6 ha (chiếm tỷ lệ 45,2%).
Đối với các khu chung cư cũ (tập trung), Hà Nội sẽ cơ bản cập nhật ranh giới phạm vi khu vực nghiên cứu, quy mô dân số, chức năng sử dụng đất và chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc (tầng cao tuân thủ quy chế; giảm mật độ xây dựng công trình để bổ sung hạ tầng đô thị, không gian xanh cho khu vực; dân số cơ bản giữ nguyên theo hiện trạng); trên các nguyên tắc thực hiện theo dự án riêng.

Khu vực Q.Hoàn Kiếm có mật độ dân cư lớn

Ảnh L.Q.P

Đối với các nhà ở chung cư cũ riêng lẻ nằm xen cài trong các khu dân cư hiện có, khi cải tạo xây dựng lại, nghiên cứu theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh và chỗ đỗ xe, đảm bảo không gia tăng dân số; tầng cao tuân thủ quy định của quy chế cao tầng. Riêng tại đồ án quy hoạch phân khu H1-1 (A, B, C - Q.Hoàn Kiếm) khuyến khích chuyển đổi chức năng sử dụng đất sang loại hình thương mại, dịch vụ hoặc căn hộ cho thuê.
Về nội dung bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang (khu vực khu phố cổ và phố cũ), các công trình di tích, nhà cổ, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác có giá trị xây dựng trước năm 1954 thì được bảo tồn, tôn tạo theo quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 cùng các Quy định và Quy chế quản lý kiến trúc khác có liên quan trong khu vực,...
Về khung cấu trúc đô thị, khu vực khu phố cổ có tầng cao đặc trưng 3 - 4 tầng (12 - 16 m); tầng cao đặc trưng trên các tuyến phố xung quanh hồ Gươm không quá 16 m; khu vực khu phố cũ tầng cao đặc trưng 4 - 6 tầng (16 - 22 m); khu vực hạn chế phát triển (còn lại) có tầng cao đặc trưng 5 - 7 tầng (20 - 25 m).
Vị trí quy hoạch nằm trong khu vực nội đô lịch sử; thuộc địa giới hành chính Q.Hoàn Kiếm (H1-1), Q.Ba Đình (H1-2), Q.Đống Đa (H1-3) và Q.Hai Bà Trưng (H1-4).
Khu vực nội đô lịch sử được chia thành 7 tiểu khu để kiểm soát phát triển, trong đó khu vực Hoàn Kiếm (H1A, B, C) thuộc khu vực ký hiệu A3, 4, 5 là khu vực khu phố cổ; phố cũ và hồ Gươm phụ cận; khu vực Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa thuộc khu vực ký hiệu A7.
Đặc thù khu vực lập quy hoạch là đô thị hiện hữu cải tạo chỉnh trang, mật độ dân cư cao, không còn quỹ đất phát triển, các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.