Sáng 17.7, tại buổi tiếp xúc của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Hà Nội với cử tri quận Hoàn Kiếm, cử tri Nguyễn Bính (P.Phúc Tân) đã kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu và quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, điều mà thành phố đã bỏ lỡ mấy chục năm và cử tri cũng hết sức mong đợi.
Trả lời kiến nghị này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cho biết hiện 4 quận nội thành đã có quy chế liên quan đến phố cổ, phố cũ, quy chế xây dựng nhà cao tầng ở khu vực nội đô lịch sử, nhưng thành phố chưa phê duyệt được quy hoạch 4 quận lõi nội thành.
Theo đó, UBND thành phố phấn đấu quý 3 năm nay sẽ phê duyệt được quy hoạch này.
Riêng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã được TP.Hà Nội khởi động từ năm 2000. Từ thời các Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Quốc Triệu, Hà Nội đã mời các chuyên gia quy hoạch từ nước ngoài để tham vấn.
Thành phố Seoul (Hàn Quốc) cũng có dự án tặng Hà Nội 5 triệu USD để nghiên cứu quy hoạch này, nhưng quy hoạch vẫn chưa thành hiện thực vì vướng nhiều quy định.
Đến năm 2016, Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ để thực hiện quy hoạch, Thủ tướng cũng đã có Quyết định 217 định hướng lập quy hoạch phân lũ sông Hồng và sông Thái Bình, nhưng Hà Nội đã “bỏ lỡ một nhịp” khi không kịp trình quy hoạch vào đầu tháng 12.2017.
Sau đó, luật Quy hoạch mới ra đời, nên toàn bộ mọi việc bị đình lại. Hiện, Hà Nội đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt quy hoạch phân lũ trước.
Cũng theo ông Chung, năm 2016, sau khi Hà Nội đưa việc lập quy hoạch hai bên sông Hồng ra công khai để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, đã có 3 doanh nghiệp xin tài trợ toàn bộ kinh phí để lập quy hoạch là Geleximco, Sun Group và Vin Group. Rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã được mời vào nghiên cứu và ban đầu đã đưa ra được ý tưởng lập quy hoạch.
Tuy vậy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng chỉ ra những khó khăn về nguồn lực. Cụ thể, hiện có gần 1 triệu người dân sinh sống hai bên bờ sông Hồng, từ Ba Vì, Phúc Thọ, Sơn Tây đến Phú Xuyên. Vì vướng luật đê điều và quy hoạch phân lũ, nên toàn bộ công trình điện, đường, trường, trạm ngoài bờ sông thành phố đều không triển khai được.
Tại một số khu vực, người dân có sổ đỏ mà không được cấp phép xây dựng.
“Nhìn vào thực lực về tài chính của thành phố và ngân sách T.Ư thì 5 đến 10 năm tới rất khó có kinh phí làm đường và đắp đê sông Hồng qua các quận nội thành; và cũng không có kinh phí để di dời gần 1 triệu người dân vốn phải di dời theo luật. Do đó, thành phố có định hướng tạo đê kết hợp đường sát mặt nước để đảm bảo chống lũ cấp 3 và có độ bền 500 đến 700 năm.
Nếu làm được theo hướng này thì người dân sẽ được phép xây dựng như phía bên trong đê. Con đê kết hợp với đường sẽ tạo kết nối với các con cầu bắc qua sông, kết nối với các bãi nổi để thành du lịch sinh thái, vừa bảo tồn, vừa có điều kiện để cải tạo dân cư hiện hữu, có điều kiện phát triển khu đô thị mới và có điều kiện “lấy nó nuôi nó” - tức là có nguồn lực tại chỗ để làm đường”, ông Chung lý giải.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, chiều qua, 16.7, một cuộc họp cũng đã được tổ chức để nghe lại về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, thực hiện đồ án quy hoạch hai bờ sông, để thời gian tới sẽ trình ra Hội đồng Kiến trúc thành phố, Thường trực Thành ủy, Ban thường vụ Thành ủy… sau đó sớm công bố lấy ý kiến người dân về quy hoạch này.
Bình luận (0)