Tổng thống Trump đã bị chỉ trích gay gắt vì cảnh sát dùng hơi cay và đạn cao su giải tán đám đông người biểu tình khỏi ở Quảng trường Lafayette, dọn đường cho ông đi bộ đến Nhà thờ St. John tại Washington D.C, cầm một cuốn Kinh thánh và chụp ảnh hôm 1.6.
Lúc bấy giờ, các cuộc biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố ở Mỹ, bao gồm thủ đô Washington D.C sau vụ cảnh sát giết chết người đàn ông da màu George Floyd ở thành phố Minneapolis (bang Minnesota).
|
Một ủy ban của Hạ viện Mỹ đang điều tra cáo buộc cho rằng cảnh sát dùng vũ lực chống lại những người biểu tình ở Quảng trường Lafayette.
Đài NPR và tờ The Washington Post ngày 16.9 đồng loại dẫn lại bản tường trình của thiếu tá Adam DeMarco thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ gửi cho ủy ban của Hạ viện.
Trong bản tường trình, ông DeMarco cho biết một sĩ quan quân cảnh cấp cao phụ trách khu vực Washington D.C đã gửi email cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia vào khoảng 11 giờ 35 phút sáng ngày 1.6, để hỏi họ có các loại vũ khí kiểm soát đám đông hay không.
|
Cụ thể là Thiết bị Âm thanh Tầm xa (LRAD) và Hệ thống Chống tiếp cận Chủ động (ADS, còn gọi là tia nhiệt). Ông DeMarco cho biết ông đã trả lời email ngay sau buổi trưa với nội dung Vệ binh Quốc gia không có thiết bị kiểm soát đám đông nào.
LRAD được sử dụng để phát đi thông điệp, lời cảnh báo hoặc chùm âm thanh gây hại hay gây đau đớn ở khoảng cách xa hơn so với các loại loa thông thường. Trong khi đó, ADS phát ra tia vô hình khiến con người cảm thấy nóng trên da như bị phỏng, dẫn đến những quan ngại về an toàn và đạo đức khi sử dụng loại vũ khí này. Lầu Năm Góc từng từ chối triển khai ADS ở Iraq và đã triển khai đến Afghanistan nhưng không sử dụng.
Hồi tháng rồi, tờ New York Times từng đưa tin chính phủ Tổng thống Trump đã cân nhắc sử dụng ADS để chống lại những người di cư bất hợp pháp ở biên giới Mỹ-Mexico vài ngày trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018. Tuy nhiên, Bộ trưởng An ninh Nội địa lúc bấy giờ Kirstjen Nielsen đã từ chối ý tưởng này.
Bình luận (0)