Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Hợp tác nhiều mảng
Về kinh tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ bày tỏ mong muốn đầu tư hoặc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Hợp tác quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải, chứng kiến nhiều điểm sáng. Sau chuyến thăm lịch sử năm 2018 của tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiếp tục đến thăm Việt Nam vào tháng 3.2020. Mỹ cũng đồng ý chuyển giao tàu tuần tra cho Cảnh sát Biển Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á.
Các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên cũng gia tăng. Tháng 5.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Mỹ sau khi Tổng thống Trump nhậm chức. Tổng thống Trump cũng đến thăm Việt Nam để dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, và quay trở lại vào năm 2019 để gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.
Cần đa dạng hóa
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam sẽ có hiệu quả hơn nữa nếu Mỹ đa dạng hóa Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo hướng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phi quân sự, như thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nước sông Mekong và an ninh năng lượng. Đây là những lĩnh vực then chốt đối với sự phát triển của Việt Nam và các quốc gia khác trong Đông Nam Á.
Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao để phục vụ phát triển kinh tế. Dù gia nhập cuộc chơi muộn hơn so với Nhật Bản và Trung Quốc, Mỹ cũng đã giới thiệu sáng kiến Mạng lưới điểm xanh (Blue Dot Network), một dự án hợp tác đa phương với Nhật Bản và Úc để chứng nhận các công trình cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí về minh bạch tài chính và phát triển bền vững.
Tuy vậy, để cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc, Mỹ nên tăng cường tài trợ và hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản, nhà đầu tư hàng đầu của khu vực trong lĩnh vực này. Công nghệ đô thị thông minh là một lĩnh vực hợp tác đầy triển vọng khi các đô thị của Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề như ngập lụt và tắc nghẽn giao thông.
An ninh năng lượng cũng là một mối quan tâm lớn của Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm qua đang gây sức ép lên an ninh năng lượng. Công ty tư vấn Fitch Solutions dự báo nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ tăng bình quân 9%/năm từ năm 2021. Do vậy, các thỏa thuận mới ký kết giữa hai nước về cung cấp điện khí hóa lỏng (LNG) và hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một bước tiến quan trọng. Mỹ nên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này để giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu năng lượng sạch trong tương lai.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy thương mại song phương, Mỹ có thể xem xét tái tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút khỏi vào đầu năm 2017. Một mối quan hệ kinh tế sâu rộng giữa Mỹ và Việt Nam sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa các đối tác thương mại, tránh lệ thuộc vào một đối tác duy nhất. Tuy nhiên, việc tái tham gia CPTPP có thể vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong công luận Mỹ.
Hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mekong cũng là một lĩnh vực đáng chú ý. Đầu năm 2020, đồng bằng sông Cửu Long vừa trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng do thiếu nước từ đầu nguồn và nước biển xâm nhập. Mỹ có thể tăng cường tài trợ và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quản lý nguồn nước sông Mekong thông qua chương trình Quan hệ đối tác Mỹ - Mekong, tiền thân của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong.
Không chỉ với Việt Nam, bằng cách mở rộng khuôn khổ hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á và kêu gọi sự tham gia của các đồng minh truyền thống, Mỹ sẽ tiến xa hơn để duy trì và bảo vệ tầm ảnh hưởng của mình tại châu Á.
Bình luận (0)