Thông tin từ Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết đến chiều 17.12, 3 người tình nguyện được tiêm vắc xin đầu tiên có sức khỏe bình thường.
Đây là giai đoạn 1 của chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 mang tên Nano Covax, do Đơn vị thử nghiệm lâm sàng thuộc Viện Nghiên cứu y dược quân sự, Học viện Quân y, tại Hà Nội thực hiện. Vắc xin Nano Covax do Công ty Nanogen (TP.HCM) nghiên cứu, phát triển.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), khẳng định trong giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu chỉ đánh giá về tính an toàn của vắc xin và an toàn của người tình nguyện là chú trọng trước hết. Trong năm 2021, giai đoạn 2 của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thực hiện trên 500 người tình nguyện và giai đoạn 3 sẽ tiêm trên 10.000 người tình nguyện để đánh giá về tính sinh miễn dịch cũng như hiệu quả bảo vệ.
TS Nguyễn Ngô Quang cho hay các tình nguyện viên đầu tiên tiêm vắc xin Nano Covax được theo dõi sức khỏe ngay tại đơn vị thử nghiệm lâm sàng trong 72 giờ. Sau đó, khi về lại gia đình, các tình nguyện viên sẽ có nhân viên y tế tại nơi sinh sống tiếp tục hỗ trợ theo dõi sức khỏe.
Trong buổi tiêm đầu tiên, 3 người tình nguyện đã tiêm vắc xin. Trong giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng sẽ có 60 người tiêm (dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 3), với các liều khác nhau nhằm xác định được liều tiêm phù hợp trên người.
Cũng theo ông Quang, Bộ Y tế đã thành lập 3 đoàn giám sát trong suốt quá trình nghiên cứu lâm sàng cả 3 giai đoạn, chú trọng giám sát các phản ứng bất lợi sau tiêm vắc xin (nếu có), trong tình huống có biến cố nghiêm trọng với người được tiêm, mà nguyên nhân được xác định do vắc xin, sẽ phải tạm dừng nghiên cứu. Ngoài ra, Bộ Y tế còn giám sát chặt việc tuân thủ các quy trình về nghiên cứu, đảm bảo số liệu nghiên cứu khách quan và chính xác. Đây là những điều kiện quan trọng cho quá trình đánh giá thẩm định trước khi cho phép lưu hành.
“Sau Nano Covax, dự kiến tháng 2.2021, vắc xin Covid-19 của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (tại Nha Trang) cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. VN hiện là một trong hơn 40 nước trên thế giới làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin. Trong nước, hiện đã sản xuất 11/12 vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia với cả triệu mũi tiêm được thực hiện mỗi năm”, TS Quang cho biết.
Bình luận (0)