Trong Lễ hội xuân hồng tháng 2.2022 ở thành phố Cẩm Phả, có rất đông tình nguyện viên đến đăng ký hiến máu cứu người. Phần lớn là lực lượng đoàn viên của tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng còn rất đông những người lớn tuổi tham gia. Ngoài những người đã hiến máu nhiều lần còn những người mới đăng ký hiến máu lần đầu đều được các bác sĩ khám sàng lọc. Người hiến máu thì đông, số ghế ngồi chuyên môn, bác sĩ thực hành lấy máu thì ít, phải chia làm nhiều lượt.
"Bây giờ có người cần máu, em sẵn sàng cho để cứu sống người, cho đi chính là nhận lại mà...", bác sĩ Nam nói |
tgcc |
Trong số những người vào hiến máu lượt thứ hai, người gây ấn tượng nhất với tôi là một thanh niên trắng trẻo, cao to, đẹp trai… Từ mũi kim cắm vào cánh tay phải của anh, một dòng máu theo ống dẫn nhỏ đi vào bịch chứa. Cái máy lắc máu chuyên dụng vẫn lắc lên, lắc xuống đều đặn… Một đơn vị máu đã được anh hiến. Cô bác sĩ khéo léo rút cái kim tiêm ra khỏi cánh tay, kẹp cho anh một miếng bông sát trùng, cầm máu. Sau đó dùng panh vuốt hết phần máu trong ống vào trong bịch, kẹp chặt lại, cuộn cẩn thận rồi chuyển vào thùng bảo quản. Rời ghế vừa ngồi hiến máu, anh ra bàn rót cốc nước trà gừng uống, rồi lại khoác ngay áo blouse trắng treo ở giá áo vào, cùng đồng nghiệp ra khu vực khám sàng lọc cho những người tình nguyện hiến máu. Qua tìm hiểu tôi được biết đó là bác sĩ Triệu Giang Nam, hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả.
Đi cùng với bác sĩ Triệu Giang Nam dọc hành lang khoa Y học cổ truyền trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, từ bệnh nhân đến các đồng nghiệp đều dành cho Nam những lời chào hỏi thân thiện, những ánh mắt trìu mến. Nhận thấy tình cảm của đồng nghiệp cũng như bệnh nhân, tôi hỏi Nam: - Nguyên do nào mà em lại chọn Ngành y. Vẫn bước chân nhẹ nhàng, Nam kể:
- Em sinh ra ở vùng đất chiêm trũng (Phủ Lý – Hà Nam), bố là bộ đội công tác xa nhà, mẹ là bộ đội phục viên. Từ còn nhỏ, nhìn thấy những gian lao vất vả của vùng đất nông nghiệp khắc nghiệt, nhiều người mắc bệnh do dầm nước suốt ngày. Cộng với việc bố công tác xa, mẹ lo toan quán xuyến mọi việc trong nhà nên em tự giác học tập thật tốt để không phụ lòng cha, mẹ. Nam tiếp lời và cười vui: - Nói ra không phải em khoe đâu, nhưng từ lớp một cho đến khi học hết lớp mười hai, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi. Với mong muốn được làm thầy thuốc chữa bệnh, cứu người, em đăng ký thi vào Đại học Y Thái Bình. Kết quả thi đầu vào đạt kết quả cao đã không phụ lòng mong đợi của em cũng như cả gia đình.
Xa rời mảnh đất quê hương với giấy báo nhập học của Trường Đại học y Thái Bình, bước vào một môi trường học tập mới, xa nhà cái gì cũng mới đòi hỏi sự năng động, thích nghi cao. Nam không quản ngại khó khăn, vừa học tập vừa hoạt động phong trào. Trong tất cả các phong trào do Đoàn Thanh niên nhà trường phát động Nam đều tham gia và luôn đạt kết quả cao. Theo học chuyên ngành Bác sỹ đa khoa nên ngoài việc học tập chuyên môn, trong các hoạt động phong trào, đặc biệt là phong trào Thanh niên tình nguyện, Nam luôn đi đầu, từ việc tình nguyện tiếp sức mùa thi đến việc hiến máu cứu người, giành lại sự sống cho người bệnh.
Sáu năm ngồi ghế nhà trường vừa học lý thuyết vừa làm thực tập trong các bệnh viện, Nam đã chứng kiến không ít ca bệnh chỉ cần một đơn vị máu cũng đủ hồi phục thể trạng. Ngặt một nỗi không phải lúc nào ngân hàng máu tại chỗ cũng có sẵn và không phải ai cũng hợp nhóm máu. Việc cứu người là quan trọng, Nam tình nguyện hiến máu cho bất kỳ bệnh nhân nào, chỉ cần hợp nhóm máu và điều kiện cho phép. Không kể ngày hay đêm, bất cứ lúc nào cần cấp cứu người bệnh Nam đều sẵn sàng. Sáu năm học tại trường với mười lăm lần hiến máu cứu người, Nam đã được Đoàn Thanh niên nhà trường, Hội chữ thập đỏ tỉnh Thái Bình khen thưởng; Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Y tế tặng bằng khen.
Tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa loại khá, tháng 7.2013, Nam tình nguyện về công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả. Chưa đầy hai năm công tác tại đây, phát huy những năng lực sẵn có cùng với chuyên môn đã được học, Nam được Lãnh đạo Bệnh viện tin tưởng phân công về làm việc tại Khoa nội. Bản chất của người lăn lộn hoạt động phong trào lại một lần nữa được phát huy, việc khám chữa bệnh tình nguyện tại các địa phương khó khăn được Nam tình nguyện đảm nhận, từ nơi gần nhất là khu Đồng Mỏ của phường Mông Dương đến xã Dương Huy tới nơi xa xôi hẻo lánh là bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu.
Tôi hỏi Nam về kỷ niệm sâu sắc nhất khi đi khám bệnh tình nguyện, suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời:
- Trong tất cả những lần đi khám bệnh tình nguyện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc hẻo lánh, có lẽ lần khám chữa bệnh cho đồng bào bản Phạt Chỉ để lại cho Nam một ấn tượng khó quên. Bản Phạt Chỉ có ba ba hộ dân được bộ đội Biên phòng vận động lên dựng nhà cắm bản để bảo vệ đường biên giới trên một đỉnh đồi cao, cuộc sống của đồng bào vô cùng khó khăn cả về kinh tế, giao tiếp đến chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Cơ sở y tế thì xa, khi ốm đau thuốc thang khan hiếm nhưng đồng bào vẫn bám bản.
Trong phong trào hiến máu cứu người, Nam như một ngân hàng máu sống tại Bệnh viện, chỉ cần hợp nhóm máu là Nam sẵn sàng cho người bệnh. Nam cho biết, đến hiện tại đã hai mươi lăm lần anh hiến máu tình nguyện. Không những thế Nam còn đi đầu vận động Đoàn viên thanh niên trong Bệnh viện tình nguyện hiến máu cứu người trong bất cứ tình huống nào. Bản thân anh là thành viên tích cực của Câu lạc bộ giọt hồng đất Mỏ.
Khám bệnh cho bệnh nhân bị liệt nửa người |
TGCC |
Bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện, người luôn theo sát phong trào nhận xét về Triệu Giang Nam như sau:
- Là Bác sĩ trẻ có năng lực, chịu khó học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Năm hai không mười bảy, Nam đã học xong chuyên khoa cấp một nội thần kinh. Về công tác đoàn thể, luôn nhiệt tình, gương mẫu, đi đầu các phong trào do các tổ chức phát động.
Thầy thuốc Ưu tú - Bác sĩ Ty Thị Hoàn, Trưởng khoa Y học cổ truyền, cho biết:
- Nam là người có năng lực về chuyên môn, thích hoạt động phong trào. Được Lãnh đạo tin tưởng, bệnh nhân quý trọng. Từ khi học xong chuyên khoa cấp một về, Nam vẫn làm ở Khoa nội. Nhưng thấy Nam ở Khoa nội sẽ không phát huy hết chuyên môn đã được học, nên chúng tôi xin Lãnh đạo Bệnh viện cho Nam về khoa Y học cổ truyền. Từ khi có Nam về, những ca khó về thần kinh được Nam đảm nhận. Hiện tại, Nam là người duy nhất biết kỹ thuật tiêm màng cứng. Anh cũng đang thực hiện đề án tiêm màng cứng từ một kim sang hai kim.
Tôi hỏi Nam: - Trong những năm tới, em có tiếp tục đi học chuyên khoa cấp hai không? Nếu ngay bây giờ có người cần máu, em có tiếp tục hiến máu không? Vẫn nụ cười tươi rói:
- Học chuyên khoa cấp hai để nâng cao trình độ chuyên môn, điều trị cho bệnh nhân là mục tiêu của em. Anh hỏi bây giờ có người cần máu, em sẵn sàng cho để cứu sống người, cho đi chính là nhận lại mà anh. Máu trong cơ thể mình, nếu lấy ra một đơn vị thì một thời gian sau, một đơn vị máu lại được sinh ra.
Từ khi về công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, Nam được Thành ủy Cẩm Phả khen thưởng về thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng với nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp.
Bình luận (0)