Tiến bộ nhanh chóng về kỹ thuật ghép tạng
Theo báo cáo của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Việt Nam triển khai ghép tạng muộn hơn thế giới 40 năm và các nước trong khu vực Đông Nam Á 20 năm nhưng đã đạt tiến bộ nhanh chóng về kỹ thuật ghép tạng. Trong hai năm 2022 và 2023, mỗi năm Việt Nam đã ghép hơn 1.000 ca và trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất tại Đông Nam Á.
Việt Nam hiện có hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm khoảng 0,086% dân số. Tỷ lệ người chết não hiến mô tạng còn thấp, dù đã tăng trong các năm gần đây (năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm nay, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023) nhưng số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của bệnh nhân.
Cũng theo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, trong nước đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ và tổ chức điều phối thực hiện ghép tạng. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người khác, giúp giảm gánh nặng cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội. Tuy nhiên, nếu không đủ nguồn mô, tạng của người hiến thì hàng chục ngàn bệnh nhân vẫn phải tiếp tục chờ đợi và hằng ngày, hằng giờ giành giật sự sống với bệnh tật hiểm nghèo.
Hơn 10 năm qua, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện kỹ thuật ghép tạng đồng thời có chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đây là một lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người còn rất thấp tại Việt Nam.
Sau Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện E là đơn vị thứ hai chưa từng ghép tạng nhưng đã triển khai thành công mô hình chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến tạng thành công với sự trợ giúp của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia. Việc phát triển mạng lưới các bệnh viện thực hiện chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người trên toàn quốc theo hình mẫu triển khai tại nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ đang trở thành định hướng của Bộ Y tế trong thời gian tới.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - cho đi là còn mãi". Tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế hãy tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời, cùng nhau lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của việc đăng ký hiến mô, tạng tới mọi người trong cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Kết quả ghép tạng tại Việt Nam không khác biệt, chỉ khác về số lượng được ghép thấp hơn các nước do chúng ta ít tạng hiến, ít người hiến chết não. Chúng tôi mong có thêm nhiều tạng được hiến từ người hiến chết não để bác sĩ có cơ hội cứu các bệnh nhân nặng. Trong nước, hàng ngàn người đang chờ hiến tạng (thận, gan, tim). Riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn có khoảng 30 người trong danh sách chờ ghép gan.
TS-BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Liêu Châu (ghi)
Theo PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, hơn 30 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép tạng đầu tiên năm 1992, chúng ta đã ghép được hầu hết các tạng như tim, gan, phổi, thận, tụy…, với trình độ không thua kém các nước phát triển. Tuy nhiên, phần lớn nguồn hiến tạng tại Việt Nam tiếp nhận từ người sống, ngược lại với của các nước trên thế giới. Chính vì vậy, việc phát triển nguồn hiến tạng, đặc biệt là nguồn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim, phát triển bệnh viện hiến tạng trên toàn quốc là việc làm thiết thực.
Nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng
Là người đã đăng ký hiến tạng và hiện là Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ ghép tạng là phương cách cuối cùng để giành lại sự sống cho những bệnh nhân không còn lựa chọn nào khác. Nhu cầu ghép tạng trên thế giới và ở Việt Nam ngày càng tăng. Thế giới có dân số khoảng 7,6 tỉ người, hằng năm có 59 triệu người chết do mọi nguyên nhân. Nhu cầu cần có ít nhất 1 triệu người hiến tạng/năm. Năm 2023, toàn thế giới có gần 40.000 người hiến tạng, chỉ đạt 3,9% nhu cầu và đã có 164.840 người được ghép tạng và cứu sống.
Theo bà Kim Tiến, ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, luật pháp quy định khi công dân làm căn cước thì đồng thời cũng là đăng ký hiến tạng, trừ một số lý do đặc biệt mới có đơn xin không đăng ký. Ngoài quy định hiến tạng sau chết não, luật còn quy định hiến tạng sau chết tim và tuổi hiến tạng của nhiều nước là trên 60 tuổi. Nhiều trường hợp hiến tạng trên 80 tuổi. Vì thế, số người hiến tạng sau chết não ở châu Âu, châu Mỹ là cao nhất. Ở Mỹ, 1 năm khoảng hơn 40.000 người được ghép tạng, có nghĩa là hơn 40.000 người đã được cứu sống.
Ở Việt Nam, số người đăng ký hiến tạng và số người hiến tạng sau chết não vào loại thấp nhất trên thế giới, và hiện chỉ đạt 0,1 người/triệu dân, trong khi ở Tây Ban Nha là 50 người/triệu dân.
Trăn trở trước thực tế tạng hiến chưa đáp ứng được nhu cầu do số đăng ký hiến còn thấp, bà Kim Tiến chia sẻ: "Chúng ta nên đăng ký hiến tạng với trách nhiệm và hơn hết là lòng trắc ẩn đối với người bệnh, bởi vì thật là lãng phí khi hằng ngày chúng ta chôn vùi vào lòng đất hoặc thiêu đốt thành tro bụi nguồn mô tạng quý giá có thể cứu sống người. Gia đình của người hiến tạng vẫn nghe thấy tiếng tim đập đầy yêu thương lan tỏa năng lượng từ bi của người thân đã qua đời trên cơ thể và sự sống hồi sinh của người được ghép tạng".
Vẫn theo nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, việc có nhiều người hiến tạng lúc qua đời giúp tăng thêm nguồn tạng cứu người cũng là góp phần hạn chế tình trạng buôn bán tạng trái phép, giảm nỗi đau về thể xác, tinh thần và những mảnh đời bất hạnh phải bán nội tạng quý giá của mình vì mưu sinh. "Người hiến tạng đã làm được việc có ích nhất sau khi từ giã cõi đời là cứu sống người khác", bà nhìn nhận.
Về hiệu quả tài chính từ ghép tạng, bà Kim Tiến phân tích chi phí 1 ca ghép thận để người bệnh kéo dài tuổi thọ với chất lượng sống tốt hơn chỉ bằng 1/4 chi phí để lọc máu và điều trị các nguyên nhân do suy thận.
Hãy nghĩ đến người bệnh đang từng phút, từng giờ chờ đợi
Với mong mỏi có thêm nhiều người bệnh được cứu chữa nhờ ghép tạng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn bày tỏ hiến tặng mô, tạng là hành động cao cả, thể hiện tinh thần nhân ái, vị tha và trách nhiệm đối với cộng đồng. Mỗi một mô, tạng được hiến tặng là một cuộc sống được hồi sinh, một gia đình được bảo vệ và một niềm hy vọng được nhen nhóm. Trên toàn thế giới, hàng triệu người đang chờ đợi cơ hội sống mới từ những tấm lòng nhân hậu.
Tại Việt Nam, ca ghép thận đầu tiên được tiến hành vào tháng 6.1992. Đến nay, với sự phát triển của y học hiện đại, việc ghép mô, tạng đã trở thành phương pháp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh lý hiểm nghèo. Trải qua hơn 30 năm, chúng ta đã thực hiện gần 9.000 ca ghép tạng trên cả nước với sự tham gia của 26 bệnh viện, trung tâm.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá 2 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam đã thực hiện thành công trên 1.000 ca ghép tạng, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của nhân dân. Tỷ lệ 94% tạng ghép từ hiến sống là quá cao và tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam rất thấp. Điều này đặt ra thách thức và trách nhiệm lớn lao trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và khuyến khích cộng đồng tham gia hiến tặng mô, tạng.
"Khi chúng ta hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu sống hoặc cải thiện cuộc sống của người khác, chúng ta đang thực hành từ bi một cách thiết thực và cụ thể nhất. Hiến tặng mô, tạng là đang gieo những hạt giống của tình thương, và chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được quả ngọt trong tương lai", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu quan điểm.
Ông kêu gọi: "Chúng ta hãy mở lòng đối với việc hiến tặng mô, tạng. Hãy nghĩ đến những bệnh nhân đang từng phút, từng giờ chờ đợi trong tuyệt vọng, hãy nghĩ đến những gia đình đang mong ngóng phép màu. Chúng ta có thể trở thành những người mang lại phép màu đó, chúng ta có thể trở thành những người cứu sống mạng người. Mỗi người chúng ta hãy là một đại sứ, một người truyền lửa lan tỏa thông điệp "Cho đi là còn mãi" đến mọi người xung quanh".
Từ mong mỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế tin tưởng với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sẽ ngày càng có nhiều người sẵn sàng hiến tặng mô, tạng, góp phần cứu sống hàng ngàn mạng người và mang lại niềm hy vọng cho những bệnh nhân đang chờ đợi. Cũng theo ông Thuấn, lãnh đạo Bộ Y tế đã đề nghị các vụ, cục liên quan tiếp tục tham gia xây dựng các chính sách nhân văn cho hoạt động tư vấn hiến mô, tạng tại các bệnh viện, hoạt động chẩn đoán, hồi sức chết não và thu dung mô, tạng, bảo quản, vận chuyển mô, tạng…
Còn gần 4.000 bệnh nhân trong danh sách chờ
Theo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, sau 32 năm Việt Nam thực hiện ca ghép tạng (thận) đầu tiên và 14 năm triển khai công tác tiếp nhận tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện gần 9.000 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người, trong đó ghép thận là 6.764 ca, ghép gan 456 ca, ghép tim 65 ca, ghép thận - tụy 1 ca, ghép tim - phổi 1 ca, ghép phổi 9 ca, ghép chi trên 2 ca, ghép ruột 2 ca…
Hiện, còn gần 4.000 người trong danh sách chờ, chủ yếu là chờ ghép thận và gan. Như vậy, nếu có nguồn hiến tặng thích hợp sẽ có rất nhiều trường hợp suy tạng được cứu sống. Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cùng các đơn vị đang triển khai mạng lưới bệnh viện vận động hiến tạng trên toàn quốc, mong muốn gia tăng nguồn tạng hiến, giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống.
Trung tâm đã hỗ trợ 4 bệnh viện triển khai thành công chẩn đoán chết não, hồi sức và hiến mô, tạng. Trong đó, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) là bệnh viện tỉnh chưa ghép tạng đầu tiên đã thực hiện chẩn đoán và hồi sức chết não hiến mô tạng từ bệnh nhân chết não.
Nơi tiếp nhận thông tin hiến tạng
Người dân muốn hiến tạng sau khi qua đời có thể thông qua một số địa chỉ sau:
1/ Đăng ký hiến mô tạng trực tuyến tại trang web chính thức của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia vnhot.vn.
2/ Liên hệ các bệnh viện: Chợ Rẫy (0913677016), T.Ư Huế (02343822325, nhấn tiếp 2193), Hữu nghị Việt Đức (0915060550).
Pháp luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết (điều 5 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác). Người đang sống khỏe mạnh thì không thể hiến toàn bộ mô, tạng. Các quy định về luật pháp và đạo đức đều không cho phép thực hiện việc này. Việc hiến tặng mô, tạng chỉ thực sự có ý nghĩa và được thực hiện trọn vẹn khi một người không may qua đời tặng lại các phần thân thể còn sử dụng được cho người khác.
Bình luận (0)