Chợ online, nhanh nhưng đắt hơn 'đi chợ hộ'

30/08/2021 13:52 GMT+7

Rau củ, thịt cá, mì gói... trên các chợ online của từng quận vẫn đang được giao dịch, góp phần giảm tải cho các siêu thị, cửa hàng.

Đặt hàng ngày trước, hôm sau giao

Mặc dù đã tham gia vào 2 nhóm đặt mua hàng qua Zalo của cửa hàng Bách Hóa Xanh trên cùng phường Tân Quy (Q.7, TP.HCM) nhưng lúc nào đơn đặt hàng cũng bị khóa vì quá tải, chị Ngọc Hà đành quay sang chợ online quận 7 trên Facebook để mua thực phẩm. Ngày 28.8 chị đặt thì trong sáng 29.8 đã nhận được hàng nhưng theo chị Ngọc Hà, giá thịt cao hơn so với siêu thị bình ổn như 1kg sườn non giá 220.000 đồng, cốt lếch 150.000 đồng/kg, thịt nạc dăm 180.000 đồng/kg, nạc xay và đùi heo đồng giá 150.000 đồng/kg... Bất tiện là mỗi người bán chỉ có vài loại nên cũng phải mua nhiều nơi mới đủ đồ ăn cho cả nhà. Dù mất thời gian, tốn tiền ship nhưng được giao hàng là may rồi", chị Ngọc Hà chia sẻ. 
Chị Loan cũng ở quận 7 cũng chia sẻ, gia đình chị được tổ trưởng đưa danh sách combo hàng hóa để đi chợ hộ nhưng rất khó mua vì combo nào cũng kèm theo nửa kg chả lụa. Ví dụ combo 1 là 1kg cốt lếch, 0,5 kg xương ống và 0,5 kg chả lụa; combo 2 gồm 1 kg thịt đùi, 0,5kg xương giò trước và 0,5kg chả lụa ớt xiêm xanh... Chị muốn mua cả cốt lếch, thịt đùi thì phải mua cả 2 combo này thì lại kèm đến 1kg chả nên đành lên săn tìm mua hàng trên chợ online cùng quận.
Tương tự, do chờ đợi việc đi chợ hộ quá lâu 4-5 ngày vẫn chưa thấy thông báo có hàng nên chị Hạnh (TP.Thủ Đức) cũng liên tục săn trên mạng, từ thịt heo đến rau muốn, rau cải... Hầu như mua cùng quận nên đều được giao đầy đủ. Chị và những người cùng khu phố gọi đùa là đi "chợ lậu", "chợ chui" còn nhanh hơn chờ "chợ chính hãng". Về giá hàng hóa, chị Hạnh nói cũng không thay đổi so với những ngày đầu tháng 8 nên chấp nhận được.

VIDEO Chạy 4 tiếng không mua hết 1 đơn, tình nguyện viên đi chợ hộ choáng váng

Phí ship cùng quận tăng gấp đôi

Sau gần 1 tuần TP.HCM xiết chặt thực hiện giãn cách, nhiều cá nhân bán hàng trên mạng đã bắt đầu hoạt động trở lại. Trên chợ online quận 7, cá nhân N.Nga chuyên bán các loại trái cây thông báo từ ngày 28.8 bắt đầu có hàng lại và sẽ giao trên cùng quận. Tương tự, nhiều người bán thịt heo bò, hải sản các loại, hay hàng bún khô, bột các loại, gia vị... sau những ngày đầu tuần qua tạm ngưng cũng bắt đầu thông báo nhận đơn hàng từ người mua. Tuy nhiên, tất cả đều cho hay phí giao nhận hàng hóa trong cùng quận đã tăng mạnh vì thiếu người giao và đặt qua các ứng dụng công nghệ giá cước cũng tăng.
Chẳng hạn phí giao đơn hàng thịt cho chị Ngọc Hà là 35.000 đồng dù người bán cách chị chỉ hơn 1km. Còn với đơn hàng trái cây... chỉ 2 tuần trước là 20.000 đồng thì ngay người bán cũng báo tăng lên 40.000 đồng cho cùng một quãng đường. Một người chuyên bán bánh ướt, bún tươi... với giá chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng/kg nhưng tiền giao hàng lên đến 35.000 - 40.000 đồng, tương đương với tiền hàng. Vì thế, nhiều người bán khuyến khích mọi người gom mua chung như lên 8 - 10kg để tiết kiệm hơn. 

Tiền ship giao cùng quận tăng gấp đôi so với hơn 1 tuần trước

Phan Định

Cũng "ngán" với tiền giao hàng hóa vì phải mua lẻ ở nhiều địa chỉ khác nhau nhưng chị Thoa (Q.Tân Phú) phải chấp nhận. Ví dụ chị muốn mua trái cây thì có cá nhân chỉ bán cam và dưa hấu, phải tìm người khác để mua thêm ổi, đu đủ. Hay chị muốn mua cả thịt gà và thịt heo thì hầu như những cá nhân bán chỉ riêng một loại hoặc là heo hoặc là gà mà không có cả hai. Rồi chị lại tìm đến người bán thủy sản để mua thêm ít tôm và cá... 
"Mỗi đơn hàng chỉ mua được 1- 2 sản phẩm nên lại phải mua nhiều đơn khác nhau. Phí ship cùng quận những ngày đầu tháng 8 chỉ có 15.000 - 20.000 đồng thì nay đều lên 35.000 - 40.000 đồng. Để mua đủ thực phẩm cho cả gia đình có 4 người thì cũng phải mua 4-5 đơn khác nhau, mất gần 200.000 đồng tiền ship. Chỉ mong sao tình hình này qua nhanh và mình có thể được đi chợ 1 lần/tuần cũng được vì ra siêu thị mua đủ hết các loại một lần cho gọn", chị Thoa chia sẻ thêm. 

TP.HCM: 209.980 ca Covid-19 cộng đồng, tổng cộng 104.844 bệnh nhân hồi phục

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, hàng hóa ở nhiều tỉnh thành khác vẫn dồi dào, thậm chí dư thừa trong khi TP.HCM lại bị thiếu hàng cục bộ do vận chuyển quá khó khăn. Điều đó không chỉ đẩy giá hàng hóa ở TP.HCM lên cao mà người tiêu dùng phải chịu thêm chi phí giao nhận hàng hóa tăng gấp nhiều lần so với trước khi có dịch. Nhưng phí ship trong cùng thành phố, cùng quận lại không được đưa vào thống kê tính chỉ số giá hàng hóa của nhà nước. Với những người lao động thu nhập thấp thì chi phí này cũng sẽ là một gánh nặng và họ sẽ không thể chịu được trong thời gian kéo dài. Vì vậy chính quyền thành phố cần xem xét có phương án để sớm giải bài toán lưu thông, vận chuyển, giao hàng hóa thực phẩm thông suốt hơn càng sớm càng tốt. Từ đó sẽ giúp giảm giá hàng hóa và những chi phí liên quan như phí giao hàng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.