Chợ thực phẩm online cận tết: '3 không' đổ bộ

Thúy Liễu
Thúy Liễu
21/01/2024 04:47 GMT+7

Càng cần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm thực phẩm online của người dân tăng cao. Nhiều sản phẩm, món ăn được quảng cáo nhà làm đều trong tình trạng '3 không': không bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng, ồ ạt bủa vây người dùng mạng xã hội.

'Thực phẩm nhà làm' - '3 không' đổ bộ chợ online

Tìm kiếm từ khóa "chợ thực phẩm online" trên mạng xã hội Facebook, người dùng có thể dễ dàng tìm được hàng chục hội, nhóm kinh doanh thực phẩm từ tươi sống, chế biến sẵn, sử dụng trong ngày đến bảo quản lâu dài.

Các mặt hàng "chợ thực phẩm online" được chụp ảnh bắt mắt, giá cả cũng đa dạng để người mua lựa chọn. Có thể nhận thấy qua bài đăng của người bán, những loại thực phẩm được quảng cáo nhà làm đều trong tình trạng "3 không": không bao bì, không nhãn mác và không hạn sử dụng.

Truy cập vào "chợ thực phẩm online" có gần 25.000 thành viên, chúng tôi nhắn tin với người bán có tên H.N. để hỏi mua một số thực phẩm phục vụ cho gia đình trong dịp tết sắp đến. H.N đăng bán các loại bánh, mứt, kẹo được quảng cáo "đảm bảo chất lượng, đồ nhà làm, không chất bảo quản". Giá bán của mỗi loại dao động từ 120.000 - 180.000 đồng/500 gr.

Chợ thực phẩm online cận tết: '3 không' đổ bộ- Ảnh 1.

Bánh kẹo mà người bán H.N. giao cho khách không có bất kỳ thông tin gì về sản phẩm

THÚY LIỄU

Chúng tôi đặt mua thử 3 loại gồm mứt me trái, bánh khóm và kẹo khóm với tổng giá tiền cho đơn hàng 235.000 đồng. Khi nhận hàng, các loại bánh mứt được đóng gói bằng túi zip nhựa trong và hộp nhựa, bên ngoài không có bất kỳ thông tin gì về thành phần sản phẩm, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng…

Hỏi về ngày sản xuất, người này khẳng định: "Đây là hàng nhà làm trong tuần, bảo quản ở nhiệt độ thường trong 45 ngày, mứt me có thể để đến 6 tháng, em cứ yên tâm sử dụng, con chị 3 tuổi còn ăn được".

Chợ thực phẩm online cận tết: '3 không' đổ bộ- Ảnh 2.

Chà bông được người bán quảng cáo "để bao lâu ăn cũng được"

THÚY LIỄU

Tương tự, chúng tôi liên hệ mua "chà bông nhà làm" với giá 220.000 đồng/kg của tài khoản P.H đăng bán trong "chợ thực phẩm online" khác có hơn 31.000 thành viên. Hai hộp chà bông được ông H. giao đến chỉ được phủ một lớp tráng bạc và cũng không đính kèm thông tin cơ bản gì của sản phẩm.

Hỏi về thành phần cũng như hạn dùng, ông H. nói: "Chà bông này được làm bằng thịt heo sạch do nhà tôi làm, để bao lâu cũng được, đặc biệt là không bị mốc vì có... gói hút ẩm bên trong hộp đựng".

Quảng cáo một đằng, nhận hàng một nẻo rồi... bỏ thùng rác

Ngoài mạng xã hội, hình thức mua sắm qua các sàn thương mại điện tử giai đoạn cận tết cũng nhộn nhịp không kém. Giá rẻ hơn mua trực tiếp, được hoàn trả nếu hàng không ưng ý, nhiều mã giảm giá… là những lý do mà nhiều người thích mua sắm trên các sàn thương mại điện tử này.

Chị Minh Thương (ngụ Q.7, TP.HCM) ví von trải nghiệm mua hàng trên sàn thương mại điện tử là "đừng đánh giá quyển sách qua vẻ bề ngoài". "Tôi mua khô cá dứa với giá 130.000 đồng/kg, rẻ hơn mua ngoài chợ, theo người bán đăng tải thì loại này là cá phơi một nắng, không mặn, ít mỡ. Tuy nhiên, khi tôi nhận hàng và sử dụng thì khác xa quảng cáo, vị của nó rất mặn và nhiều mỡ, tôi ăn vài con là bỏ luôn phần còn lại", chị Thương kể.

Chợ thực phẩm online cận tết: '3 không' đổ bộ- Ảnh 3.

Trên các "chợ thực phẩm online", dễ dàng tìm thấy các loại thực phẩm từ tươi sống đến chế biến sẵn cùng quảng cáo "có cánh"

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Còn chị Thanh Trúc (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từng bỏ hết 10 gói chân gà cay Tứ Xuyên đặt mua trên mạng. "Em tôi ăn cái đầu tiên thì nói có vị lạ, chân gà bị bao bọc bởi lớp nước nhớt, da quanh chân chưa được lột sạch cũng như mùi gia vị nồng nặc. Bao bì bên ngoài không in bảng thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng… kể cả bằng tiếng Trung Quốc. Mua giá rẻ, chưa đến 10.000 đồng/gói nên tôi cũng bỏ luôn, không phản hồi lại với cửa hàng", chị Trúc nói.

Cả chị Trúc và chị Thương đều chia sẻ, khi mua thực phẩm qua mạng cũng không quan tâm lắm đến nguồn gốc thật sự của chúng. Nếu sản phẩm có vấn đề, không đúng với quảng cáo mà cửa hàng đăng tải, khách hàng cũng chấp nhận bỏ luôn vì số tiền mua hàng không lớn, tâm lý "mua ăn thử cho biết", cũng như việc hoàn trả hàng tốn thời gian và phí vận chuyển.

"Nhãn mác có thể làm giả, khách hàng tự kiểm chứng thế nào?"

Theo quy định, cá nhân có hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử phải làm các thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh cũng như nộp thuế theo quy định. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng thực phẩm trên các sàn này vẫn còn là bài toán lớn.

Là người thường xuyên mua sắm thực phẩm qua mạng, anh N.D.P (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết: "Khi tôi ra chợ mua hàng thì cũng chỉ có thể quan sát bằng mắt thường, người bán nói hàng của họ đạt chất lượng thì tôi tin thôi. Bây giờ nhãn mác còn có thể làm giả thì làm sao khách hàng tự kiểm chứng được. Còn mua hàng qua mạng, người bán hàng dám ăn trên livestream thì khách hàng khó mà nghi ngờ nguồn gốc thực phẩm".

Theo anh P., mua hàng qua các kênh trực tuyến là xu hướng tiêu dùng mới hiện nay, tất nhiên không phải lúc nào hàng kém chất lượng cũng do người bán. "Tôi từng mua xoài qua Facebook, trước khi đóng hàng giao cho bên vận chuyển, người bán có gọi video cho tôi xem hàng trước. Tuy nhiên khi nhận hàng thì thùng hàng của tôi móp méo, xoài bên trong bị dập nát. Thực phẩm được chuẩn bị rất tốt nhưng khâu vận chuyển gặp vấn đề thì không thể khiếu nại người bán được", anh P. nói.

Anh P. nhận định, người bán hàng trên mạng phải tự tạo dựng uy tín cho mình, nếu luôn mua phải hàng kém chất lượng thì niềm tin của khách hàng sẽ không còn, chứ chưa cần để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.