Chờ tự do trước ngày đặc xá - Kỳ 2: Những dòng thư đong đầy nước mắt
30/08/2015 10:12 GMT+7
(TNO) 'Có lúc tôi cũng đã nghĩ đến cái chết để đền tội với chồng chị và gia đình. Nhưng tôi không đủ can đảm để làm điều đó. Lúc ấy tôi mời hiểu rằng sự sống quan trọng vậy mà tại sao mình lại cướp đi sự sống của người khác'.
Tự động phát
(TNO) 'Có lúc tôi cũng đã nghĩ đến cái chết để đền tội với chồng chị và gia đình. Nhưng tôi không đủ can đảm để làm điều đó. Lúc ấy tôi mời hiểu rằng sự sống quan trọng vậy mà tại sao mình lại cướp đi sự sống của người khác'.
Anh Trần Chinh với bức thư xin lỗi
|
Đây là một phần của bức thư mà phạm nhân Trần Chinh, đang thụ án ở trại Z30D (Bình Thuận) gửi xin lỗi tới chị Mỹ - vợ nạn nhân trong vụ án giết người mà Chinh gây ra.
Năm 1996, khi đó Chinh mới 21 tuổi, đang học và phụ lái xe, đã gây ra một án mạng nghiêm trọng ở đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1 (TP.HCM). Tối hôm đó, Chinh đang theo phụ lái xe thì xảy ra gây gổ với một nhóm người. Trong cơn hoảng loạn, Chinh đã dùng dao đâm chết người đàn ông đang ghì chặt mình từ phía sau. Người đó chính là chồng của chị Mỹ.
Bức thư có cái kết đẹp
Sau khi gây án Chinh quá hoảng loạn bỏ trốn xuống miền Tây, lang thang rồi phụ việc trên các ghe hàng, suốt ngày lênh đênh trên sông nước. Ở TP.HCM, gia đình Chinh đã bồi thường thiệt hại, lo lắng ma chay chu toàn cho người xấu số. Chị Mỹ cũng làm đơn bãi nại. Sau đó, Chinh từ miền Tây trở về nhà ở TP.HCM sinh sống, đi học lái tàu rồi lấy vợ, sinh con. Đến năm 2010, tức là sau 14 năm kể từ ngày gây ra án mạng, một buổi sáng khi vừa dắt xe ra khỏi nhà, Chinh bị bắt giữ. Tòa xử Chinh mức án 20 năm tù.
Anh Chinh đang kể lại lý do mình viết bức thư gửi gia đình nạn nhân
|
Quay trở lại với bức thư gửi cho gia đình nạn nhân, anh Chinh cho biết cuối năm 2013, trại Z30D phát động phong trào phạm nhân viết thư với chủ đề “Thư gửi lời xin lỗi”. Khi trại phát động, người đầu tiên mà anh Chinh nghĩ phải gửi thư chính là chị Mỹ.
Bức thư Chinh viết có đoạn: “Tính đến hôm nay cũng đã 17 năm trôi qua rồi phải không chị nhưng nỗi day dứt cứ ám ảnh mãi trong tôi. Chị ơi 17 năm trước tôi là một thằng thanh niên mới lớn rất háo thắng. Vào lứa tuổi đó tôi nghĩ chắc chị cũng hiểu tuổi trẻ rất bốc đồng... Vào lúc xảy ra vụ việc tôi không suy nghĩ gì hơn là tìm cách trốn chạy. Nhưng mỗi ngày trôi qua tôi không thể quên được sự việc xảy ra hôm đó".
Các bức thư xin lỗi được viết từ trại giam Z30D
|
Bức thư giải bày tiếp: "Tôi vẫn mơ ước nếu như ngày đó anh ấy đừng đánh tôi và khi đó tôi bình tĩnh hơn thì không xảy ra sự việc đau lòng như vậy phải không chị? Thời gian sau tôi rất khủng hoảng tinh thần, bạn bè xa lánh, gia đình bỏ mặc không biết đi đâu về đâu. Có lúc tôi cũng đã nghĩ đến cái chết để đền tội với chồng chị và gia đình. Nhưng tôi không đủ can đảm để làm điều đó. Lúc ấy tôi mời hiểu rằng sự sống quan trọng vậy mà tại sao mình lại cướp đi sự sống của người khác”.
“Cuối thư, tôi không biết nói gì hơn là gửi lời xin lỗi đến chị và các cháu, cũng như linh hồn anh ở chín suối. Một lần nữa tôi mong rằng những lời tâm sự của tôi, chị đọc xong sẽ hiểu và tha thứ cho kẻ lầm đường lỡ bước này. Tôi cầu chúc cho chị và các cháu cùng toàn thể gia đình được mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống”, bức thư kết lại.
Anh Chinh kể bức thư khá dài được anh viết trong vòng 1 giờ. Bao nhiêu dồn nén, chất chứa và mặc cảm tội lỗi được anh gửi hết trong thư. Tuy nhiên, khi viết xong do không có địa chỉ gia đình nạn nhân lúc đó nên anh Chinh không gửi. Khi gửi lên trại, các cán bộ ở Z30D đã tìm địa chỉ của chị Mỹ để gửi bức thư đi. Thật bất ngờ, khoảng 6 - 7 tháng sau kể từ khi bức thư được gửi đi, buổi sáng nọ khi anh Chinh đang làm đồng, một người phụ nữ đến trại tìm gặp anh.
“Người phụ nữ đó là chị Mỹ. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ chị sẽ lên đây, nói chuyện rồi tha thứ cho mình. Lúc đó quá sức cảm động mà đến giờ tôi vẫn chưa biết dùng từ gì để diễn ta cảm xúc của mình. Bây giờ chị coi tôi như người thân trong nhà. Sau bức thư đó tôi còn viết cho chị Mỹ mấy bức nữa. Việc được nói ra tội lỗi của mình khiến đầu óc của tôi nhẹ nhàng, việc cải tạo dễ dàng hơn”, anh Chinh nói.
Vẫn tin vào tương lai
Bức thư gửi từ trại giam của anh Chinh đã mang đến một cái đầy lòng vị tha. Nhưng cũng có những bức thư không nhận được hồi âm.
Đó là bức thư của Trần Hà Duy (đang thụ án ở trại Z30D) gửi cho em gái mình Trần Hạ Tiên (thụ án ở trại giam An Phước, Bình Dương). Chỉ vì tham tiền, Duy đã đẩy em gái mình, một sinh viên đại học, vào con đường tù tội 20 năm khi tham gia vụ vận chuyển 7 kg ma túy. Bản thân Duy ban đầu bị tuyên án tử hình sau đó giảm xuống chung thân.
Bức thư của phạm nhân Trần Hà Duy gửi cho em gái mình
|
Bức thư của Duy gửi cho em gái viết: “Thư đã gửi đi cũng đã nhiều rồi mà chị vẫn chưa nhận được hồi âm của em. Phải chăng em còn giận chị hay những cánh thư kia chưa đến được tay em. Đã hơn 3 năm rồi kể từ ngày chị em mình xa nhau, chị không lúc nào không nghĩ về em và nghĩ về lỗi lầm của mình. Chị khóc vì nhớ thương em và khóc vì hối hận vì những việc đã làm.
Chị đã tự tay chôn vùi tuổi thanh xuân của chị và em, khép lại những năm tháng miệt mài ngồi trên giảng đường đại học. Khi cánh cửa trại giam đóng sầm lại là lúc buổi tối ập đến báo hiệu cho sự kết thúc, một sự kết thúc buồn của cuộc đời của hai chị em...
Em gái chị thật ngây thơ. Em như một tờ giấy trắng vậy. Chị là một người chị hư. Chị đã nghịch lọ mực để rồi vấy bẩn trên trang giấy trắng ấy. Chị đã tìm mọi cách để tẩy vết bẩn đó nhưng đã quá muộn màng.
Ngày ra tòa, ngồi trên chiếc xe bịt bùng, em nắm chặt tay chị và động viên chị hai đừng sợ. Chị em mình không sao đâu mà. Đáng ra người an ủi động viên phải là chị mới đúng. Phải chăng em gái chị rất cứng rắn, dũng cảm hay em không biết chuyện gì sẽ đến với mình.
Em còn nhớ phiên tòa hôm đó không? Gia đình, bạn bè, thầy cô ai cũng đến cả. Và chị nhớ những tiếng gọi với theo, những giọt nước mắt lăn dài trên má của cha mẹ và những người đến tham dự phiên tòa hôm đó. Họ khóc vì tội nghiệp cho chị em mình hay họ khóc giận và trách tại sao chị em ta lại dại dột, khờ khạo đến thế”.
Mặc dù vậy, Duy vẫn tin vào tương lai: “Chị hứa với em là chị sẽ sống tốt, học tập và cải tạo thật tốt để mai sau quay về sẽ làm một cuộc đời mới, con người mới. Ở nơi xa xôi này lúc nào chị cũng nhớ về em. Em gắng giữ gìn sức khỏe, cải tạo tốt, chờ ngày phép màu sẽ đến với chị em mình. Khi niềm tin hiện hữu, phép màu sẽ xuất hiện”.
“Nói lời xin lỗi, lòng sẽ nhẹ nhàng hơn”
Phó giám thị trại giam Z30D Trịnh Thị Quế cho biết phong trào “Thư gửi lời xin lỗi” được Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) phát động vào năm 2013. Ban đầu cũng có nhiều ý kiến trái chiều vì có người nói có những việc đau lòng không nên nhắc lại. Do đó khi mới phát động chỉ có một số trại làm thử trong đó có trại Z30D. Lần phát động đầu tiên chỉ có ¼ phạm nhân tham gia nhưng càng về sau số lượng phạm nhân tham gia chiếm hơn 90%.
Phần lớn số thư viết ra được gửi cho người thân, gia đình, bạn bè. Số thư gửi cho phía bị hại không nhiều. Thư được chọn lọc từ các phân trại, gửi lên ban quản lý trại, sau đó được trai gửi cho các địa chỉ mà phạm nhân yêu cầu. Hiện trại Z30D vẫn tiếp tục phát động phạm nhân viết thư.
“Dù lượng thư viết cho phía bị hại không nhiều nhưng dù viết cho người thân thì phạm nhân cũng đã xóa bỏ mặc cảm. Bởi trước khi viết, tâm trạng của họ đã phải dằn xé rất nhiều. Dù có trường hợp chưa được tha thứ nhưng việc nói ra được lời xin lỗi thì trong lòng họ đã phần nào nhẹ nhàng hơn”, bà Quế nói.
|
Phạm nhân Trần Chinh bộc bạch những nỗi niềm khi viết thư gửi gia đình nạn nhân
|
Bình luận (0)