Cho vay nặng lãi: Những 'con đỉa' hút máu người vay tiền

Ngọc Lê
Ngọc Lê
06/08/2018 16:27 GMT+7

Biết rõ việc vay tiền của băng nhóm cho vay nặng lãi gặp nhiều rủi ro, nhưng nhiều người vẫn lao vào vòng xoáy.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) đã bắt 3 băng nhóm giang hồ với 21 nghi phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, khủng bố tinh thần người vay. Đến nay đã có hơn 150 nạn nhân trình báo, tố cáo 3 băng nhóm giang hồ nói trên. Hiện công an đang mở rộng điều tra, truy bắt những người liên quan đến các hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn Q.Tân Phú.
Đây không phải là vụ cho vay nặng lãi đầu tiên được cơ quan công an triệt phá.
Trước đó đã có hàng trăm vụ việc trên cả nước bị kẻ cho vay khủng bố tinh thần và đánh đập, thậm chí dọa giết cả gia đình nhưng người vay vẫn không có khả năng trả tiền gốc lẫn lãi bởi số tiền đã tăng gấp nhiều lần.
Biết trước rủi ro nhưng vẫn lao vào
Dưới góc độ luật pháp hiện nay, người cho vay nặng lãi là vi phạm pháp luật, sẽ bị phạt hành chính và phạt tù; còn người vay cho đến nay vẫn được pháp luật bảo vệ.
Theo luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM), việc người cho vay với lãi suất đến hàng chục lần so với lãi suất ngân hàng là thuộc trường hợp vay nặng lãi có dấu hiệu tội phạm.
Cụ thể, theo quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì hành vi được xem là phạm tội cho vay nặng lãi khi cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất quy định. Hiện nay, mức lãi suất thông thường của khoản vay ở ngân hàng là trên dưới 1%/tháng, tức khoảng 12%/năm. Ví dụ, nếu cho vay gấp 30 lần lãi vay của Ngân hàng là 30%/tháng, tức 360%/năm, thì đã vượt xa mức tối thiểu theo quy định của pháp luật hình sự về loại tội phạm này.
LS Công phân tích, theo quy định của BLHS hiện hành thì việc xử lý về tội cho vay lãi nặng có phần dễ hơn so với BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 vì đã bỏ quy định “cho vay nặng lãi có tính chất chuyên bóc lột”. Có nghĩa là trước đây, dù chứng minh được việc cho vay lãi nặng theo tỷ lệ lãi giữa 2 bên thì còn phải chứng minh thêm dấu hiệu “chuyên bóc lột”, tức việc cho vay này được thực hiện thường xuyên, làm nghề nghiệp để sinh sống thì mới xử lý được. Theo luật hiện nay thì không cần dấu hiệu này vẫn có thể xử lý.
LS Công phân tích, khoản vay này không cần tài sản đảm bảo mà chỉ là tín chấp, thủ tục lại rất nhanh gọn để nhận được tiền ngay phục vụ cho nhu cầu cấp bách. Trong nhiều trường hợp, người vay đã tính toán sự gấp rút của khoản vay để tạo ra được khoản lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn nên cũng sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên sau đó mọi thứ không như dự tính dẫn đến sa lầy trong việc hoàn trả khoản vay. Như vậy quan hệ vay - cho vay lãi nặng gần như luôn tồn tại bởi có cầu thì có cung. Các tổ chức tín dụng dù cơ chế rộng thoáng bao nhiêu vẫn không thể đáp ứng được các nhu cầu đa dạng này từ xã hội.

"Pháp luật hiện hành xử lý người cho vay khá rõ, còn người vay chỉ là nạn nhân, nhưng do đặc thù của loại quan hệ này với nhu cầu của xã hội không thể làm tiêu hủy sự vi phạm. Rủi ro cao thì lợi nhuận lớn đã là nguyên tắc kinh doanh nên khi tham gia vào các quan hệ này, cả hai bên đều đã dự liệu về các rủi ro mà mình phải gánh chịu", LS Công nhấn mạnh.
Mức phạt nhẹ không đủ răn đe
LS Huỳnh Công Thư (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm, mức hình phạt cao nhất đối với tội "cho vay nặng lãi" là 3 năm. Khung hình phạt cho tội này nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi.
Theo quy định, những người đi vay đều được xem là nạn nhân nên họ được pháp luật bảo vệ mà không phải bị truy cứu trách nhiệm pháp lý gì.
LS Thư nhấn mạnh thực trạng việc cho vay nặng lãi ngày càng gia tăng, các đối tượng cho vay nặng lãi manh động, côn đồ, hung hãn khi đi đòi nợ nhưng người dân biết rõ vẫn lao.

Trao đổi qua điện thoại với PV Thanh Niên vào trưa 6.8, lãnh đạo của Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an cho biết việc các băng nhóm giang hồ cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, dọa giết người dân ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự. Thời gian gần đây việc cho vay nặng lãi ngày càng nhiều, mặc dù cơ quan công an triệt phá nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi nhưng chưa có chuyển biến lớn.

"Hiện nay theo luật Việt Nam, hành vi này bị xử phạt hành chính và hình sự đều nhẹ. Vì vậy, người dân không nên vay nặng lãi của các băng nhóm xã hội đen vì hệ lụy rất lớn;có thể thấy hậu quả của những vụ việc xảy ra gần đây...", vị lãnh đạo C45 nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.