Chơi trung thu độc đáo

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
04/09/2022 07:30 GMT+7

Những cách thưởng thức trung thu mới ra đời cho thấy mỗi lúc mỗi nơi lại có câu chuyện trung thu độc, lạ của riêng mình.

Điệu múa nghê do TS Trần Hậu Yên Thế (Trường ĐH Mỹ thuật VN) phỏng dựng là điều nhiều người chờ đợi trong trung thu này. Theo dự kiến của nhóm Đình làng Việt, điệu múa sẽ được biểu diễn cho các gia đình ở khu tập thể Trung Tự (Hà Nội) trong đêm trung thu.

Lồng đèn khổng lồ tại Lễ hội Thành Tuyên

Phạm Hưng

Của ngon, vật lạ, đồ chơi độc đáo

Trước đó, ông Thế đã phỏng dựng điệu múa này dựa trên các nghiên cứu hình ảnh mỹ thuật cổ. Ông Thế cũng cho biết hiện tại ở Hàn Quốc múa nghê vẫn còn, có những điểm tương đồng với một số điệu múa của người Nùng, người Lào. “Múa nghê có chiếc đầu nghê phục dựng theo thẩm mỹ của người Việt”, ông Nguyễn Đức Bình, người sáng lập nhóm Đình làng Việt, nói.

Ông Bình không giấu sự hào hứng khi chia sẻ về tạo hình của nhân vật mới thay thế nhân vật ông Địa. Nếu múa sư tử có ông Địa, thì múa nghê thì có cô tiên với tạo hình giống như trong nhiều điêu khắc đình làng. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Điệu múa nghê còn ưu việt hơn nhờ âm nhạc truyền thống hỗ trợ. “Múa nghê ở đây không chỉ có trống thùng thùng mà còn âm nhạc truyền thống nữa, có sáo đi kèm, chũm chọe… Cả đoàn múa gồm 8 người cả múa cả nhạc. Thực ra anh Thế đang xây dựng truyền thống mới. Điệu múa này có tinh thần VN”, ông Bình chia sẻ.

Những chiếc đèn trung thu được phục dựng theo lối xưa cũng dần lan tỏa tới mọi người. Những chiếc đèn cá chép, đèn con cua này cách đây vài năm được nhà nghiên cứu Trịnh Bách kết hợp với gia đình nghệ nhân phục dựng lại. Đèn được bán với giá cao tương xứng công sức bỏ ra tìm lại các chất liệu, cũng như kỹ thuật xưa.

Trung thu với bà Nguyễn Thu Hương (nhà hàng Bể Cá, Hà Nội), lại là những ngày nặn bánh nướng bánh rồi cầm bút vẽ miệt mài. Bánh nướng con giống vốn là món quà trẻ em yêu thích, và trong nhiều năm trước đây, con giống đó phần lớn là lợn. Bà Hương đã có cách riêng để thay đổi truyền thống. Bà nặn những chú hổ tròn xoe, vẽ cho các bạn hổ phệ này những khuôn mặt khác nhau. Bộ quà hổ phệ còn được đi kèm với tò he truyền thống, tạo nên vẻ xinh đẹp linh hoạt cho mâm cỗ.

“Bộ hổ phệ và tò he hiện đã sẵn sàng tại cửa hàng chuẩn bị cho chương trình phá cỗ rước đèn cho các bé. Mỗi em hổ phệ là một biểu cảm. Riêng hổ phệ phi công đeo kính, các mẹ đặt trước vì mẹ nào cũng mê mà số lượng có hạn”, bà Hương chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Thu Bình An (Hà Nội) lại “bơi” trong các đơn hàng tạo hình mâm cỗ trung thu từ hoa quả. Trong danh mục những món bày cỗ trung thu của bà An, bên cạnh chó bưởi và các tạo hình chú cừu bằng tép bưởi, còn có nhím, cá vàng, chuột Mickey… Đặc biệt, bà An có bàn tay khéo tỉa hoa tiên - những bông hoa lớn, cánh xếp lớp mềm mại, từ đu đủ xanh tuyệt đẹp. Những mẫu hoa tiên do bà tự sáng tạo, nhưng tài tỉa hoa bà đã được luyện từ những ngày bé đi học Trường Nữ công tinh hoa trên phố Bà Triệu (Hà Nội).

Một mâm cỗ trung thu vừa truyền thống vừa sáng tạo

NVCC

Tạo dựng không gian Trung thu

Nhưng tài hoa của bà Bình An còn đáng quý hơn vì không bao giờ bà quên trung thu cho những trẻ còn khó khăn. Bà muốn nhân lên những không gian trung thu.

“Hôm trước, mấy đứa tiếp quản mâm cỗ trung thu ở Bệnh viện Nhi, nhìn thấy đàn chó bưởi thích lắm mà không dám xin vì sợ để mấy hôm hỏng mất. Ấy thế mà chiều qua bác Bình An bảo mâm cỗ phải có chó bưởi mới đẹp, trẻ con mới thích, để chị thu xếp làm nhé”, một thành viên của nhóm thiện nguyện Cơm tự tâm chia sẻ.

Họa sĩ, giám tuyển Lê Thiết Cương năm nay thông báo trên Facebook về việc sẽ cùng bạn bè tổ chức triển lãm tranh, nghe nhạc rock và phá cỗ đón trung thu. Đêm trung thu đặc biệt này được tổ chức tại 35 Đào Duy Từ (Hà Nội). Những họa sĩ thân thiết của ông sẽ cùng góp tranh để chung vui gồm: Phương Bình, Phương Liên, Quốc Thắng, Phạm Trần Quân.

UBND Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng sáng tạo một loạt không gian trung thu trong khu vực phố cổ mình quản lý. Chợ trung thu khu vực Hàng Lược - Hàng Mã với nhiều đồ chơi và thức quà trung thu sẽ kéo dài đến hết rằm. Tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội 28 Hàng Buồm, Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ sẽ giới thiệu không gian trung thu truyền thống. Tại những điểm này còn có hoạt động tương tác với nghệ nhân, thợ thủ công hướng dẫn làm đồ chơi trung thu truyền thống như ông tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn con giống, đèn kéo quân, mặt nạ bồi, làm diều…

Nhưng có lẽ tưng bừng đáng kể nhất phải nhắc tới Lễ hội Thành Tuyên (Tuyên Quang). Tại TP này, nhiều năm nay trung thu đã trở thành ngày hội kéo dài của các phường, xã. Theo đó, các đơn vị này cùng người dân tổ chức làm đèn trung thu và thu đèn trung thu. Người dân TP.Tuyên Quang làm đèn trung thu rất giỏi. Họ cũng làm những chiếc đèn cỡ lớn, đèn đặt trên ô tô chạy khắp các tuyến phố chính, trẻ em có thể ngồi lên được những mô hình đèn này. Nếu các tỉnh khác rước đèn đúng rằm tháng tám thì Tuyên Quang rước mô hình này từ sớm, sau rằm tháng 7 đã lác đác có mô hình rước rồi.

Người dân chịu chi làm mô hình đèn trung thu ‘Đám cưới chuột’ khổng lồ

Không gian trung thu Lễ hội Thành Tuyên này đặc biệt đến mức nhiều người dân ở các tỉnh khác cũng về đây dự hội. Bản thân Tuyên Quang cũng xác định đây là một thương hiệu văn hóa của địa phương. Vì thế, Tuyên Quang liên kết với Vietjet để tổ chức các tuyến bay, tuyến du lịch tới đây. Năm nay, tâm điểm của Lễ hội Thành Tuyên là Đêm hội Thành Tuyên với lễ hội đèn lồng lớn nhất VN, Lễ đón nhận bằng ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở VN vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của UNESCO.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.