Chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Học sinh theo xu hướng nào?

Bích Thanh
Bích Thanh
30/08/2024 05:45 GMT+7

Chuẩn bị bước vào năm học mới và xây dựng kế hoạch hỗ trợ học sinh cuối cấp chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp năm đầu tiên của chương trình GDPT mới, hầu hết các trường THPT đã có bước thăm dò việc chọn môn thi của học sinh.

Học sinh (HS) lớp 12 năm nay sẽ là lứa thí sinh đầu tiên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT áp dụng theo chương trình GDPT 2018. Theo đó, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 bao gồm ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Đây cũng là kỳ thi đầu tiên mà môn giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ được đưa vào hệ thống các môn thi tốt nghiệp.

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Học sinh theo xu hướng nào?- Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 năm nay là lứa học sinh đầu tiên sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi, trong đó 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn

ẢNH: NHẬT THỊNH

CÁC MÔN THI TRUYỀN THỐNG CHIẾM CHỦ LỰC

Ghi nhận từ thăm dò và thống kê ban đầu của các trường THPT tại TP.HCM cho thấy rất ít HS chọn thi môn giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mà hầu như chọn những môn thi truyền thống. Trong đó, tiếng Anh, vật lý, hóa học là những môn thi được HS lựa chọn nhiều nhất.

Theo cập nhật mới nhất đến giữa tháng 8 của Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), trong tổng số 954 HS lớp 12 thì có 726 HS chọn môn tiếng Anh, tiếp đến là môn vật lý với 521 HS, hóa học là 333 HS, sinh học 120 HS, địa lý 33 HS, giáo dục kinh tế và pháp luật 70 HS, lịch sử 80 HS và tin học có 25 HS.

Tương tự, tại Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú), trong số 900 HS có 688 em chọn môn tiếng Anh, 599 HS chọn vật lý, 240 HS chọn hóa học, 82 HS chọn lịch sử, 51 HS chọn sinh học, 129 HS chọn địa lý, 23 HS chọn giáo dục kinh tế và pháp luật, 13 HS chọn tin học. Trường này có 2 HS chọn môn công nghệ để thi tốt nghiệp.

Tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức), dẫn đầu vẫn là môn tiếng Anh với 354 HS chọn, kế đến môn vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh học. Hai môn tin học và công nghệ không có HS chọn.

Còn thống kê của Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) cho thấy trong số hơn 600 HS, có 1 HS chọn môn tin học, 1 HS chọn công nghệ. Còn môn tiếng Anh có hơn 300 HS chọn, tiếp đến là môn vật lý, hóa học, lịch sử…

Theo số liệu đăng ký ban đầu của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), trong số 621 HS, chỉ có 1 HS chọn thi môn công nghệ, 2 HS chọn môn tin học và 5 em chọn giáo dục kinh tế và pháp luật.

Từ năm 2025, học sinh có thể thi tốt nghiệp THPT môn tin học và công nghệ

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn) có 5 HS chọn thi môn tin học, 14 HS chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật, riêng môn công nghệ không có HS nào chọn.

LÝ DO ÍT HS CHỌN 3 MÔN THI MỚI

Theo ông Hồ Ngọc Đăng Khoa, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn), 3 môn thi mới rất phù hợp với nền kinh tế hiện đại, quan trọng nhưng HS chưa chú tâm. Thêm vào đó, các trường ĐH vẫn chưa công bố các tổ hợp xét tuyển, trong khi số môn thi năm 2025 ít hơn những năm trước 2 môn, nên HS phải ưu tiên chọn môn học xét được nhiều tổ hợp để bảo đảm an toàn. Ví dụ, một số em muốn vào ngành CNTT nhưng sẽ chọn tổ hợp A00 (toán - vật lý - hóa học) hoặc A01 (toán - vật lý - tiếng Anh) để vẫn xét được vào những ngành khác.

Ông Tô Lâm Viễn Khoa, Hiệu phó Trường THPT Gia Định, nhận xét sở dĩ HS chọn môn tiếng Anh nhiều nhất vì đây là môn học có nhiều lựa chọn ở các ngành học bậc ĐH. Thêm vào đó, từ năm lớp 10, trường đã dạy tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh với người nước ngoài cho tất cả HS, nên HS tự tin khi lựa chọn. Tiếp đến là vật lý, hóa học là những môn nằm trong các tổ hợp phổ biến khi xét tuyển ĐH.

Các môn xã hội được lựa chọn ít cũng nằm trong xu hướng chung của trường và TP những năm qua. Tin học là môn quá mới đối với thi tốt nghiệp nên số lượng lựa chọn cũng rất ít. Những HS chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật thì các em chọn tổ hợp môn chính để xét tuyển ĐH là khối D (toán, ngữ văn, tiếng Anh). Những HS chọn môn tin học là những em dự kiến dự thi ngành khoa học máy tính, CNTT.

Ông Khoa nói thêm: "Qua trao đổi với phụ huynh, HS về tiêu chí lựa chọn, được biết chủ yếu các em sẽ lựa chọn những môn quen thuộc trong các tổ hợp môn xét tuyển ĐH (theo những năm trước đây) và những môn mà các em học tốt, có khả năng lấy điểm cao".

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Học sinh theo xu hướng nào?- Ảnh 2.

Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy bước đầu hầu như học sinh TP.HCM chọn những môn thi truyền thống. Trong đó, tiếng Anh, vật lý, hóa học là những môn thi được lựa chọn nhiều nhất

NHẬT THỊNH

TẬP TRUNG HỖ TRỢ CÁC MÔN HS LỰA CHỌN THI TỐT NGHIỆP

Ông Hồ Ngọc Đăng Khoa cho hay môn ít HS chọn cũng tạo ra một số khó khăn trong việc tổ chức lớp ôn tập. Tuy nhiên, bao nhiêu HS chọn thì trường vẫn phải dạy để chuẩn bị kiến thức cho HS một cách tốt nhất.

Theo kế hoạch của Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, ngoài những tiết chính khóa, HS sẽ tham gia tiết ôn luyện, thực hành nhiều hơn để nâng cao kiến thức và kỹ năng làm bài. Riêng môn tin học, HS phải làm quen với cách sử dụng máy móc, phần mềm để tiếp cận với kỳ thi. "Trường vẫn dạy bám sát chương trình, chờ đợi đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Sau khi biết cấu trúc, định hướng đề thi, trường mới xây dựng kế hoạch, phương pháp giảng dạy, ôn tập cụ thể trong học kỳ 2", ông Khoa chia sẻ.

Trên cơ sở nắm bắt nguyện vọng của HS, Trường THPT Gia Định xây dựng kế hoạch 100% giáo viên lớp 12 dạy các môn thi đều phải được tập huấn chương trình, bồi dưỡng sử dụng SGK và tập huấn về cách thức xây dựng đề tốt nghiệp năm 2025. Cụ thể, ông Tô Lâm Viễn Khoa cho hay do trong cùng một lớp, các em có thể lựa chọn những môn thi tốt nghiệp khác nhau nên nhà trường tổ chức các tiết buổi 2 dưới dạng lớp ghép (trừ môn toán, ngữ văn). Các tiết ôn tập được tổ chức vào chiều thứ sáu, giúp HS tổng kết nội dung học trong tuần và củng cố, rèn luyện thêm các kiến thức đã học.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý việc dạy và học tiếng Anh

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, đề cập đến việc chuẩn bị cho HS lớp 12 năm nay tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh các trường THPT phải chú ý xếp lớp, bố trí giáo viên giảng dạy và tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho HS, bảo đảm kết quả thi cao nhất.

Các trường phải đầu tư ngay từ khi bắt đầu năm học, môn nào được HS lựa chọn thi thì tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập và hoàn thành kỳ thi. Phòng Giáo dục trung học, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ tổ chức đối sánh điểm số thi tốt nghiệp với điểm số đầu vào của HS từng trường. Thông qua độ lệch sẽ đánh giá chất lượng dạy và học của các trường.

Ông Hiếu cũng nói thêm rằng năm 2025 là năm đầu tiên môn tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc. Tuy nhiên, các trường vẫn xem ngoại ngữ là một thế mạnh, công cụ để HS hội nhập nên việc dạy và học tiếng Anh vẫn tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, không nên chủ quan.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.