Chống dịch: Tim nóng, nhưng đầu phải lạnh

03/09/2021 06:00 GMT+7

16 giờ 30 ngày 31.8.2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bất ngờ xuống kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội.

Đây là điểm nóng nhất trong số các xã phường đang phải đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh ở Thủ đô. Điều mà Thủ tướng phát hiện ra là Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của phường không có ai trực. Hiện tượng bỏ trực giữa cuộc chiến là rất đặc biệt, nhưng có lẽ không phải là rất đặc trưng cho tinh thần phòng chống dịch của các địa phương ở Hà Nội, cũng như trong cả nước.
Trên thực tế, chúng ta đang được chứng kiến điều ngược lại. Hoạt động phòng chống dịch đã và đang luôn cuốn toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Ở bất kỳ địa phương nào, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đều không ai đứng ngoài cuộc chiến. Cấp ủy chỉ đạo; chính quyền điều hành; các đoàn thể tham gia vận động và điều phối hoạt động cứu trợ. Tất cả đều xả thân vì nghĩa lớn, vì sức khỏe và sinh mạng của người dân. Không ai có thể phàn nàn về trái tim nóng bỏng của những người chống dịch.
Điều đáng băn khoăn hơn là về độ chín và tính hợp lý của không ít các giải pháp mà nhiều địa phương đã đề ra. Ví dụ như giải pháp phong tỏa thành phố dài ngày mà chưa tính toán đầy đủ đến các vấn đề an sinh xã hội; hạn chế tiếp xúc đông người nhưng lại bằng cách bắt phải chứng nhận, phải khai báo để tạo ra tụ tập, ùn tắc; ngăn sông, cấm chợ để bảo đảm an toàn cho địa phương mình bằng cái giá làm đứt gãy cả chuỗi sản xuất và cung ứng của đất nước.
Xin phân tích một ví dụ cụ thể để thấy rõ hơn về sự cần thiết phải quan tâm tới tính hợp lý của các giải pháp phòng chống dịch. Để hạn chế dịch bệnh lây lan, một số địa phương đã cấm tất cả các shipper (những người cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao nhận hàng hóa) hoạt động. Tuy nhiên, sau khi cấm các shipper, các địa phương này mới nhận ra rằng người dân vẫn cần phải được cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu hằng ngày. Thế là các cấp chính quyền cơ sở, các tổ chức xã hội đã được huy động để đảm nhận việc cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho dân. Cách làm này dẫn đến các hệ lụy sau đây:
1. Thay thế lực lượng vận chuyển hàng hóa chuyên nghiệp bằng những lực lượng không chuyên nghiệp. Hậu quả là việc cung ứng hàng hóa cho dân thường bị chậm trễ, đứt gãy.
2. Các lực lượng thay thế cho shipper hoàn toàn có thể làm lây lan dịch bệnh không chỉ như mà còn có thể nhiều hơn so với các shipper. Lý do là vì các shipper có kinh nghiệm hơn trong việc giao nhận hàng hóa. Họ có thể giao nhận hàng hóa mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
3. Lực lượng phòng chống dịch bị quá tải, chi phí phòng chống dịch tăng cao. Công việc phòng chống dịch đã rất bận rộn, chính quyền cơ sở lại còn phải đảm nhận thêm hoạt động cung ứng lương thực thực phẩm và hàng hóa thiết yếu.
4. Biến đội ngũ đông đảo những shipper thành những người thất nghiệp và cần được cứu trợ. Đáng ra những người này không chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cần thiết cho người dân, mà còn có điều kiện để nuôi sống gia đình. Bằng cách cấm shipper, các địa phương đã tạo ra cho mình nghĩa vụ phải bảo đảm an sinh cho họ và gia đình họ.
5. Mối liên hệ trực tiếp giữa người bán và người mua bị đứt gãy nên hàng loạt các vấn đề không đáng có phát sinh, như chi phí mua bán, chuyển giao hàng hóa tăng cao; hàng hóa được chuyển giao chậm; hàng hóa được chuyển giao không đúng chủng loại… Để shipper hoạt động, thì người dân chỉ cần liên hệ với siêu thị để mua hàng là xong công việc. Các siêu thị sẽ trực tiếp liên hệ với shipper của mình để vận chuyển hàng hóa đến cho người dân.
Với những phân tích trên, rõ ràng giải pháp hợp lý hơn là nhanh chóng tiêm chủng cho đội ngũ shipper và sử dụng đội ngũ này để bảo đảm lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội.
Quyết tâm phòng chống dịch là ý chí chính trị, nhưng phòng chống dịch như thế nào lại là vấn đề kỹ trị. Các giải pháp phòng chống dịch cần phải được đưa ra dựa trên kiến thức chuyên môn, trên chứng cứ và số liệu khách quan và phải đánh giá rất kỹ tác động của chúng. Trái tim nóng, nhưng khối óc thì phải lạnh chúng ta mới có thể cắt giảm được những chi phí, những tổn thất không đáng có và bảo đảm cho cuộc chiến chống đại dịch mau chóng thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.