Cẩn trọng khi đau nhói tai
PGS-TS Phạm Bích Đào, giảng viên cao cấp chuyên khoa tai mũi họng (Trường đại học Y Hà Nội), Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân (BN) bị chứng chóng mặt nhiều hơn. Đặc điểm của biểu hiện chóng mặt do bơi lặn là dai dẳng và nôn sau khi nổi lên từ một lần lặn. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do tác động của áp suất nước lên não hoặc tai như bệnh giảm áp tai trong (DCS), chấn thương khí áp tai trong hoặc đột quỵ…
Thực tế điều trị, TS Phạm Bích Đào ghi nhận: “Chóng mặt do bơi lặn thường được BN mô tả như sau: Họ hoặc môi trường xung quanh đang di chuyển, quay cuồng hoặc quay tròn trong trường hợp không có chuyển động thực sự. Kèm theo đó là đau đầu, lo lắng và mất thăng bằng. Hầu hết BN chóng mặt, lảo đảo. Chóng mặt có thể đi kèm với buồn nôn, nôn và thậm chí ù tai hoặc nghe kém”.
BS Đào cho hay cơn chóng mặt có thể lặp lại nhiều lần. Nếu chóng mặt tạm thời, thường là lành tính. “Tuy nhiên, một số nguyên nhân khác nhau của biểu hiện chóng mặt khi lặn, đó là chóng mặt do chênh lệch nhiệt độ. Trường hợp này thường là chóng mặt thoáng qua, chủ yếu do sự kích thích tiền đình không đồng đều bởi nước lạnh. Thông thường, khi bơi lặn, nước lạnh thường đi vào cả hai tai đối xứng. Nhưng nếu nước lạnh chỉ đi vào một ống tai hoặc nếu một màng nhĩ bị thủng gây ra sự kích thích trực tiếp hơn của tai đó thì sẽ gây ra chóng mặt”, BS Đào thông tin.
Trong môi trường lặn, một trong các yếu tố ảnh hưởng chính gây ra thủng màng nhĩ dẫn đến chứng chóng mặt là chấn thương áp lực khí lên tai giữaPGS-TS Phạm Bích Đào |
BS Đào cũng lưu ý: “Lỗ thủng màng nhĩ là một nguyên nhân gây cơn chóng mặt kịch phát. Trước khi chóng mặt sẽ có biểu hiện đau nhói tai, nước lạnh tràn vào tai và ngay lập tức theo sau đó là chóng mặt. Trong môi trường lặn, một trong các yếu tố ảnh hưởng chính gây ra thủng màng nhĩ dẫn đến chứng chóng mặt là chấn thương áp lực khí lên tai giữa”.
Khi nào không nên lặn?
Qua thực tế điều trị, BS Đào cho biết chóng mặt do thay đổi áp suất khí là nguyên nhân phổ biến của chứng chóng mặt, chiếm khoảng 60% chứng chóng mặt ở thợ lặn. Biểu hiện chóng mặt do thay đổi về áp suất khí chủ yếu xảy ra khi nổi lên nhưng cũng có thể xuất hiện khi lặn xuống, với sự thay đổi về độ sâu đi kèm với thay đổi áp lực không khí trong tai giữa. Do đó, khi một tai cân bằng bình thường và một tai khác không cân bằng với cùng một tốc độ, sẽ tạo sự mất cân bằng về áp lực tại tai trong của hai tai, gây biểu hiện chóng mặt.
“Lúc này nếu bạn hoảng sợ thì triệu chứng chóng mặt sẽ nặng hơn. Cách tốt nhất để đối phó với sự chênh lệch áp suất này là dừng lại, giảm nhẹ tốc độ bơi, cố gắng tìm một điểm cố định để vịn và tựa vào, sau đó chờ sự tự bình ổn áp lực. Không nên cố gắng thực hiện các động tác cân bằng khác sẽ làm cho biểu hiện chóng mặt nặng nề hơn. Các triệu chứng thường hết trong vài giây, nhưng có thể kéo dài tới 10 phút”, BS Đào lưu ý.
Mặc dù chóng mặt không nguy hiểm, nhưng chóng mặt do áp lực khí rất nguy hiểm nếu nó gây hoảng loạn tinh thần và người lặn ngồi nhanh lên mặt nước sẽ làm xuất hiện tình trạng nôn, hít phải chất nôn, mất phương hướng (đặc biệt là trong hang động hoặc lặn sâu). Hoặc lặn xuống nhanh quá cũng có thể dẫn đến chấn thương tai do áp lực khí nếu chưa thực hiện các động tác chuẩn bị trước khi lặn đã được huấn luyện.
“Để tránh biểu hiện chóng mặt do thay đổi áp suất, không được lặn khi đang có bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản mạn, cảm cúm, rối loạn chức năng vòi tai. Nếu bạn đã từng bị chóng mặt do thay đổi áp suất trước đó, hãy tránh lặn khi bên trong tai bạn đang cảm thấy đầy tức. Nhớ tăng và giảm từ từ, đợi cơ thể đáp ứng cân bằng sớm mỗi lần hạ độ sâu khi lặn”, BS Đào khuyến cáo.
Thiếu tín hiệu định hướng không gian cũng có khả năng gây ra chứng chóng mặt khi bơi lặn. Ví dụ: Bệnh sợ độ cao ở một số thợ lặn lâu năm, gây chóng mặt khi nhìn xuống vùng nước sâu. Điều này có thể được khắc phục bằng cách tập trung vào một vật thể trong mặt phẳng tầm nhìn và bơi dọc theo các gờ, bờ biển hoặc thành bể bơi.
PGS-TS Phạm Bích Đào
|
Bình luận (0)