ĐI ĐÂU, LÀM GÌ CŨNG CÓ NHAU
Liên hệ với chị Hoàng Thị Cẩm Nhung (33 tuổi, ngụ H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) để nghe kể về câu chuyện khởi nghiệp được nhiều chị em phụ nữ ngưỡng mộ, cũng đúng hôm vợ chồng chị đang tham gia khóa tập huấn tại một cuộc thi khởi nghiệp.
Đi đâu, làm gì vợ chồng chị Nhung cũng đồng hành cùng nhau, hình ảnh này đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người. Và cũng chính vì thế mà nhiều gia đình trẻ rất ngưỡng mộ sự đồng lòng của vợ chồng chị Nhung.
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế, đi dạy được 3 năm, nhưng khi hết hợp đồng và không xin được vào biên chế, chị Nhung đành gác lại đam mê đứng bục giảng, bôn ba làm đủ mọi việc để trang trải cuộc sống. Đến khi có chồng và sinh con đầu lòng, chị Nhung nhận thấy những lợi ích từ sữa hạt mang lại cho mẹ và bé, nên đã bắt đầu nhen nhóm ý tưởng về sản phẩm ngũ cốc sạch, an toàn.
Bên cạnh đó, xuất thân từ gia đình làm nông nên thấu được nỗi vất vả của người dân "chân lấm tay bùn" tạo ra nông sản nhưng được mùa mất giá, không có đầu ra ổn định. Thế là, chị Nhung "bén duyên" vào con đường khởi nghiệp với mong muốn tạo ra sản phẩm ngũ cốc chất lượng, an toàn, cũng như có nguồn tiêu thụ nông sản ổn định cho bà con nông dân.
Để bắt đầu, chị Nhung lân la đi tìm vùng nguyên liệu, vận động và thuyết phục người dân canh tác theo hướng hữu cơ. Không những thế, chị Nhung đến từng vườn làm việc với bà con để bảo tồn và sử dụng giống đậu nành thuần chuẩn. Chị còn phối hợp với Hội phụ nữ ở các xã tạo ra vùng liên kết sản xuất, để có những cam kết, quy định rõ ràng trong quá trình canh tác, và công ty chị Nhung sẽ là đơn vị thu mua sản phẩm.
Trên suốt hành trình ấy, có những lúc gian nan tưởng chừng phải bỏ cuộc như thiếu nguồn vốn, làm ra sản phẩm không bán được… nhưng nhờ có sự đồng hành của chồng, mà mọi khó khăn chị Nhung đều vượt qua.
"Từ những ngày đầu chập chững, anh (chồng chị Nhung - PV) vẫn luôn đồng hành cùng mình. Và cho đến thời điểm hiện tại, anh đã nghỉ hẳn công việc kỹ sư điện tử mà bản thân rất đam mê để ở nhà chuyên tâm hỗ trợ vợ", chị Nhung hạnh phúc kể về hành trình khởi nghiệp luôn có chồng đi cùng.
Nói về quyết định nghỉ việc của mình, anh Hoàng Công Trung (34 tuổi, chồng chị Nhung) chia sẻ: "Lúc đầu tụi mình xem đây như công việc làm thêm, nên ban ngày đi làm ở công ty, tối về hỗ trợ vợ khởi nghiệp. Nhưng từ khi sản phẩm được chị em tin dùng, tụi mình thành lập công ty và mở rộng nhà xưởng nên công việc rất nhiều. Một mình vợ gánh vác sẽ rất vất vả nên mình quyết định nghỉ việc để tập trung thời gian cùng nhau khởi nghiệp".
Chương trình "Gia đình trẻ hạnh phúc" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức để tăng cường việc tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bổ sung những kiến thức, kỹ năng trước khi xây dựng gia đình; kỹ năng gìn giữ gia đình hạnh phúc, ấm no cho hội viên, thanh niên.
CHÌA KHÓA CỦA SỰ THÀNH CÔNG
Quá trình gian nan nhất của chị Nhung là phải tìm được vùng nguyên liệu an toàn, nhưng dù đi đâu vẫn luôn có chồng đồng hành. Từ Phong Điền dọc lên huyện miền núi A Lưới, rồi về Phú Vang, Quảng Điền… vợ chồng chị Nhung cứ rong ruổi khắp nơi, nghe ở đâu có vùng nguyên liệu tốt là lại đèo nhau đi.
Chị Nhung kể: "Vợ chồng mình cưới nhau nhưng không có tuần trăng mật. Vì thấy ba mẹ dầm mưa dãi nắng, đi làm vất vả mới có được mấy chỉ vàng cho con vào ngày cưới. Khi đó kinh tế của vợ chồng chưa ổn mà bán mấy chỉ vàng để đi tuần trăng mật thì mình thấy xót quá. Nhưng từ khi khởi nghiệp, vợ chồng mình được bù lại rất nhiều tuần trăng mật đặc biệt. Đó là những chuyến đi cùng nhau rong ruổi khắp mọi nơi để tìm nguồn nguyên liệu. Trong quá trình đi như vậy, vừa phục vụ cho công việc nhưng cũng là cơ hội để hâm nóng tình cảm, vợ chồng hiểu nhau hơn".
Những chuyến hàng đến đêm khuya thì chồng cũng là người dậy để đi lấy. Rồi tất cả những khóa học hay tập huấn về khởi nghiệp, kinh doanh… lúc nào vợ chồng cũng đi cùng nhau. Vì chị Nhung quan niệm cả hai đều không có chuyên môn về kinh doanh, nên phải đi học, mà học cùng nhau sẽ nhanh hơn nhiều so với chỉ 1 người.
Từ câu chuyện của chính mình, chị Nhung đúc kết: "Người ta thường bảo thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn, ở ngũ cốc Mộc An cũng vậy, để có được sự phát triển như hôm nay thì điểm mấu chốt nhất là sự đồng lòng. Trong bất kỳ tình huống gì, tụi mình luôn có sự bàn bạc, thấu hiểu, sẻ chia để đi đến quyết định đúng đắn nhất. Những lúc khó khăn, vất vả thì chồng luôn bên cạnh động viên, san sẻ… Chính sự đồng lòng là chìa khóa giúp vợ chồng mình gặt hái được thành công".
Một điều rất đặc biệt, cũng là bí quyết mà vợ chồng chị Nhung đã luôn áp dụng để giữ được "lửa" hạnh phúc của gia đình, đó là giải quyết mọi mâu thuẫn, hờn giận bằng những cái ôm.
"Tụi mình có một giao ước là giận nhau đến mấy cũng không ngủ riêng, và giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng những cái ôm, khi ấy sợi dây tình cảm sẽ được gắn kết. Chứ chén trên sóng còn khua nhau sứt mẻ, huống gì vợ chồng ngày nào cũng gặp mặt, việc xích mích, cãi nhau là điều khó tránh khỏi. Cuộc sống hôn nhân rất nhiều màu, điều quan trọng là mình phải biết phối chọn làm sao để những gam màu sáng sẽ nhiều hơn", chị Nhung bày tỏ.
Tấm gương về sự thuận vợ thuận chồng trong khởi nghiệp
Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết từ những ngày đầu chị Nhung khởi nghiệp, lúc đó chỉ mới là cơ sở sản xuất nhỏ, Hội Phụ nữ tỉnh đã đến tận nơi để thăm hỏi, tìm hiểu và có những sự hỗ trợ, đồng hành. Cũng chính vì thế, Hội Phụ nữ tỉnh luôn nắm sát được quá trình khởi nghiệp của chị Nhung.
Theo chị Hồng Thanh, khởi điểm với quy mô còn nhỏ nhưng chị Nhung rất chịu khó, và nhận được sự đồng hành của chồng từ những ngày đầu để cùng nhau làm ra sản phẩm. Các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp từ cấp tỉnh đến T.Ư, hay những buổi tập huấn, phiên chợ… chị Nhung đều có chồng đi cùng. Chính sự đồng vợ đồng chồng mà từ cơ sở sản xuất nhỏ, giờ đây đã thành lập công ty; nhà xưởng được trang bị máy móc hiện đại; sản phẩm chất lượng, đa dạng, đạt chuẩn các chất lượng…
"Đây cũng là tấm gương khởi nghiệp thành công từ sự đồng lòng của cả vợ và chồng, vì không phải phụ nữ nào khi khởi nghiệp cũng được như vậy. Sự không ủng hộ từ người chồng, gia đình là rào cản rất lớn của phụ nữ khi khởi nghiệp", chị Hồng Thanh chia sẻ.
Bình luận (0)