Chống tham nhũng nhìn từ "khoảng tối" vụ Việt Á

13/07/2022 12:57 GMT+7

Tham nhũng bình thường thì tội đáng một. Tham nhũng từ bảo vệ chăm sóc sức khoẻ con người thì tội đáng mười. Ngay lúc dịch bệnh nguy cấp mà vẫn tranh thủ kiếm chác thì tội lại đáng phải nhân lên cả trăm lần.

Các chi tiết vụ kit test Việt Á do đại diện lãnh đạo Cục C.03 Bộ Công an công bố gần đây đã cho thấy một "khoảng tối" hé lộ từ bộ máy vận hành thuộc các Bộ Y tế và Bộ Khoa học-Công nghệ khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống đại dịch Covid-19.

"Hành trình dữ dằn" trong cơn bão dịch Covid-19 cho thấy, một số người có chức đã không còn lương tâm, đạo đức của người làm khoa học, của người làm quản lý. Liệu vụ việc này có được xem là điển hình xử lý nhanh sai phạm trong công cuộc phòng chống tham nhũng tại nước ta trong thời gian qua, khi mà 2 uỷ viên Trung ương Đảng là những người lãnh đạo 2 bộ Y tế và Khoa học Công nghệ cùng bị bắt tạm giam sau một loạt động thái đúng quy trình ?

Hành vi nâng giá kit test rồi dùng tiền lãi quá đậm đó để chia chác, hối lộ nhau trong đại dịch là phi đạo đức, xã hội chúng ta không thể tha thứ ! Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) cho biết, trong vụ Việt Á, cơ quan công an tập trung điều tra 4 nhóm tội danh, trong đó trung tâm sai phạm là sản xuất, phân phối, móc ngoặc đấu thầu và chi tiền ngoài hợp đồng.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an, cho hay, từ tháng 4/2020, khi mới bắt đầu bùng phát đại địch Covid -19, chúng ta đã xử lý vụ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. "Lúc đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng, chống dịch với xử lý cảnh tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta vẫn phải xử lý vụ Việt Á. Điều này cho thấy sự chưa biết sợ của một nhóm đối tượng nào đó", ông Duy Ngọc nhấn mạnh .

Nó cũng khiến nhiều người suy nghĩ rằng đề xuất sửa luật theo hướng cho phép nộp lại tiền tham nhũng là được giảm án tù xem ra khó có thể giúp cho chống tham nhũng thành công.

Có thể thấy, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn.

Bên cạnh đó, cùng việc tập trung xử lý nghiêm hành vi tham nhũng tiêu cực, cần làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Cơ quan chức năng đã xác định, từ khi được cấp phép tháng 4/2020, tính đến 18/12/2021, Việt Á đã cung ứng test kit Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.

Giá thành mỗi bộ test không quá cao nhưng lại được Bộ Y tế bắt tay nhau thế nào đó cho Việt Á được nâng lên 470.000 đồng/kit (vống thêm 45%). Cũng chính Bộ Y tế thông báo giá đã được thẩm định để làm cơ sở cho địa phương mua thì khác gì họ được hậu thuẫn bằng chính sách để cùng tham nhũng .

Về nguyên tắc, cơ sở y tế nào nếu có mua giá này thì cũng vẫn nằm trong vùng an toàn do Bộ Y tế đã thông báo. Việc các CDC địa phương trong toàn quốc mua để cấp hoặc bán lại (tuỳ lúc, tuỳ nơi) đã khiến cơ sở quá yên tâm vì giá mua đã được Bộ phê duyệt rồi gửi xuống mà lại vẫn được chia chác, lại quả.

Tham nhũng bình thường thì tội đáng một. Tham nhũng từ bảo vệ chăm sóc sức khoẻ con người thì tội đáng mười. Ngay lúc dịch bệnh nguy cấp mà vẫn tranh thủ kiếm chác thì tội lại đáng phải nhân lên cả trăm lần.

Một dấu hỏi lớn nữa vẫn cần các cơ quan điều tra làm rõ thêm, đó là khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước gần 19 tỷ đồng mà Bộ Khoa học Công nghệ duyệt chi cho Học viện Quân y nghiên cứu sản xuất kit PCR. Nó được chi tiêu ra sao mà chỉ sau 2 tuần đã cho ra sản phẩm để báo cáo thành công với các bộ phận chuyên ngành, để rồi hàng loạt các nhà khoa học bị khởi tố và kỷ luật ?

Việc Việt Á được liên danh nghiên cứu cùng các nhà khoa học của Học viện Quân y, một đơn vị khoa học vốn có uy tín trong ngành Y nói chung có lắt léo gì không? Nếu không thì vì sao lại truy cứu tội hình sự một loạt nhân vật bên Bộ Khoa học Công nghệ, kể cả Bộ trưởng và lãnh đạo Học viện Quân y?

Tại Hội nghị Tổng kết công tác 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Tham nhũng hiện từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, và không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại.

Theo đó, chính nhờ làm tốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại, củng cố niềm tin của nhân dân. Đồng thời, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là ‘đấu đá nội bộ’, ‘phe cánh’”.

Mười năm qua là một chặng đường cũng chưa gọi là dài lắm, song cũng không còn là ngắn. Về lâu dài, chúng ta vẫn cần phải xây dựng để hoàn chỉnh một thể chế để bất kỳ người đứng đầu nào cũng thực hiện sứ mệnh được giao, trong đó có cả công tác đầy phức tạp, đầy khó khăn, dễ mất lòng này, để công việc chống tham nhũng luôn chạy trên một đường ray đã được điều lệ Đảng và luật pháp Việt Nam quy định. Có như vậy thì mới ngăn ngừa được những công chức thoái hoá, có ý định tham nhũng thì không thể tham nhũng cũng như không dám tham nhũng.

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.