Cơ hội thu hút FDI
Cụ thể, báo cáo nêu doanh nghiệp (DN) có thể xem xét mở rộng thêm nguồn cung ứng cho mình mà không chỉ tập trung các nhà máy và cơ sở sản xuất tại một quốc gia là Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam và các quốc gia tương tự sẽ có cơ hội trở thành cho những nguồn cung ứng bổ sung tiềm năng cho các DN lớn trên thế giới.
Tương tự, trong báo cáo mới đây đánh giá sơ bộ tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế thế giới do TS Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV thực hiện cũng cho rằng ngoài việc ảnh hưởng tiêu cực, dịch bệnh có thể mang lại cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thực tế, cơ hội nhóm báo cáo nêu không mới, nhưng việc nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hồng Kông, Macau...), vốn dĩ đã dịch chuyển từ bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được đề cập mạnh mẽ hơn trong báo cáo này.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, tác động tích cực này chủ yếu xảy ra trong trung hạn. Tính chung lại, thu hút FDI năm 2020 vẫn có thể tăng (khoảng 5%), thấp hơn 2,2% so với năm 2019. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng tại Việt Nam đối với DN trong và ngoài nước trong các ngành sử dụng lao động nhiều như: điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, sản xuất - chế biến nông sản, ô tô - xe máy, sắt - thép, lọc hóa dầu, bán lẻ.
“Hãy nghĩ đến Việt Nam là nơi có thể thu hút nhà máy và sản xuất cung cấp linh kiện cho các nước, không chỉ là chuyện đi mua từ Trung Quốc để sản xuất”, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nêu vấn đề.
Nỗ lực tham gia chuỗi giá trị
Để hướng các giải pháp tích cực hậu dịch cúm, nhóm nghiên cứu
của TS Cấn Văn Lực đề xuất 7 giải pháp trung - dài hạn. Trong đó nhấn mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường và đối tác là cấp bách, nhằm hạn chế tối đa việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc vài thị trường. Hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối DN... |
Ở chiều ngược lại, ta cũng phụ thuộc thị trường này khi có đến 80% quả thanh long, dưa hấu xuất sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh đó là tiêu, cà phê hòa tan... Thế nên, tình hình hiện nay có thể ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng hãy coi đây là cơ hội thay đổi cơ cấu, thành phần, ngành sản xuất.
“Chúng ta nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc, xuất khẩu thô lớn nhất cũng sang thị trường này. Phụ thuộc đến mức quên phản xạ phải “khó tính” hơn trong làm ăn sản xuất. Nếu cứ phụ thuộc xuất thô qua đường tiểu ngạch theo hình thức mua bán tại chợ, tiền mặt trao tay như trái thanh long, dưa hấu sang Trung Quốc hiện nay, làm sao chúng ta nói việc hiện đại hóa, đa dạng hóa, công nghệ cao sản phẩm nông nghiệp được?”, ông Doanh đặt vấn đề và tái khẳng định: “Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi. Hãy nhìn vào yếu tố tích cực dịch Covid-19. Sản xuất tại Trung Quốc không chỉ bị đình trệ, ảnh hưởng trong quý 1 và 2 mà sẽ kéo dài hết năm, có thể lan sang năm sau. Như vậy, DN Việt phải một mặt đa dạng hóa thị trường mua nguyên vật liệu lẫn thị trường xuất khẩu. Mặt khác, phải tái cơ cấu sản xuất, không thể cứ ngồi ngoài sân chơi sản xuất của toàn cầu mãi nữa. Cách tốt nhất là nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn thế giới, đừng để cơ hội này rơi vào tay các nhà cung ứng ngoại”.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), Samsung đang mua nhiều linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp, dịch cúm đã khiến các nhà máy bên Trung Quốc chưa thể tái hoạt động, cung cấp đủ linh kiện cho nhà máy khiến nhiều dây chuyền sản xuất của Samsung bị ảnh hưởng không nhỏ.
“Việc nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn sản xuất toàn cầu tại Việt Nam trong thời điểm này là cơ hội lớn, biến vị thế từ chỗ đi mua linh kiện, nguyên liệu ngành dược thành nơi cung cấp linh kiện, nguyên liệu ngành dược cho thế giới. Đặc biệt, chính sách cần khuyến khích đầu tư vào công nghệ chế biến nông sản thủy sản càng sớm càng tốt”, ông Thịnh nói.
Bình luận (0)