Kết quả này có được là do điều hành xăng dầu đã có sự chủ động, linh hoạt thay vì chạy theo thị trường như trước.
Đơn cử như nguồn cung, trước tết nhiều ý kiến lo ngại xăng dầu có thể lại đối mặt tình trạng khan hiếm, cây xăng đóng cửa, người mua xếp hàng, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (chiếm 40% nguồn cung ứng nội địa) gặp sự cố kỹ thuật khiến công suất giảm. Thế nhưng Bộ Công thương đã nhanh chóng vào cuộc, đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung, tăng cường nhập khẩu, đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán cho đến hết quý 1/2023. Kết quả là tết vừa rồi người dân thoải mái đi chơi mà không lo thiếu xăng dầu.
Tương tự, dù kỳ điều hành giá rơi vào ngày 30 tết, theo quy định sẽ chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo, nhưng thời điểm này giá xăng dầu thế giới tăng mạnh khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, Bộ Công thương thay vì chờ đúng ngày, đúng giờ mới điều chỉnh giá đã linh động đi trước một bước để giải tỏa cơn khát của thị trường, ngăn chặn tình trạng các nhà phân phối đóng cửa không bán như từng diễn ra cả năm trước đó.
Dẫn lại 2 sự việc trên để thấy, sự chủ động và linh hoạt trong điều hành, quản lý thị trường hàng hóa nói chung, đặc biệt với xăng dầu, nhiên liệu thiết yếu trong sản xuất và đời sống người dân, là hết sức quan trọng, cần thiết. Khâu này tốt thì thị trường vận hành trơn tru, thông suốt và ngược lại, khâu này yếu thì ngay cả chúng ta chủ động đến hơn 70% nguồn cung cũng vẫn xảy ra tình trạng rối loạn như đã từng.
Không chỉ trong điều hành, những cơ chế quản lý xăng dầu cũng được Bộ Công thương tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và doanh nghiệp hoạt động trên thị trường. Trong một diễn biến mới nhất 2 ngày trước, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã kiến nghị lên Chính phủ và các cấp, ngành có thẩm quyền về công thức tính giá cơ sở, mức chiết khấu, tiếp cận nguồn hàng… thì thực tế từ trước đó, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 18.1, Bộ Công thương đã đề xuất cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn để tăng vị thế cho họ. Những kiến nghị về lọc bớt khâu trung gian, chiết khấu, rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, cũng được bộ này tiếp thu đầy đủ.
Hôm qua, Bộ Công thương công bố sẽ thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh của 6 doanh nghiệp là thương nhân phân phối xăng dầu vào cuối tháng 2 này. Đây là các doanh nghiệp được cấp phép đủ điều kiện làm thương nhân phân phối giai đoạn 2018 - 2020 nhưng hiện không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Trước đó, ngày 31.1, hàng loạt cây xăng có biểu hiện găm hàng cũng bị xử phạt... Rõ ràng, kỷ cương thị trường đang được củng cố, thiết lập trở lại thay cho tình trạng đã từng có ông lớn xăng dầu mang vị thế ra "dọa" cơ quan quản lý để né việc bị tước giấy phép đăng ký kinh doanh.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải thay đổi để có một thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh, nhưng sự thay đổi tích cực nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt và cầu thị của cơ quan quản lý, ở đây là Bộ Công thương, là điều cần ghi nhận.
Người dân, các doanh nghiệp cũng đang chờ đợi sự chủ động, linh hoạt và cầu thị này của Bộ Công thương tiếp tục được phát huy trong sửa đổi Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu tới đây, để đảm bảo tính công bằng cũng như chấm dứt tình trạng nhiều cây xăng phải đóng cửa, nghỉ bán như thời gian qua.
Bình luận (0)