Sau khoảng 50 ngày tái bùng phát dịch Covid-19 và hơn 20 ngày Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc mới Covid-19, PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, xoay quanh bài học phòng chống dịch, kịch bản ứng phó, bài toán khắc phục hậu quả…
“Bài học Đà Nẵng”
Với từng đó thời gian “chiến đấu” với dịch bệnh, Đà Nẵng đã có những bước rà soát gì để làm rõ: tại sao Covid-19 lại bùng phát và Đà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước? Có thể gọi đó là “Bài học Đà Nẵng”?
Sau đợt dịch đầu tiên, cả nước nhanh chóng kiểm soát kiểm soát tốt tình hình. Chúng ta đã có tới 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, tôi cho rằng cả nước đã có phần chủ quan mà cụ thể là chưa đưa ra quy trình nghiêm ngặt trong kiểm soát Covid-19 nhằm cảnh giác cao độ trong cộng đồng. Trạng thái này đã tạo sự chủ quan chung, trong đó có TP.Đà Nẵng. Ví dụ, khi người sốt ho, cảm cúm… thì phải cảnh giác, kiểm tra xem có nhiễm Covid-19 hay không. Việc này chúng ta hơi lỏng. Đây là bài học chung cho cả nước.
“Không vì có vài người nhiễm Covid-19 mà sợ hãi, đóng cửa toàn xã hội. Chúng ta phải tự tin vì chúng ta đủ khả năng và biết cách kiểm soát”
|
Chúng tôi rút kinh nghiệm và đưa ra bài học sâu sắc để thiết lập một quy trình kiểm soát Covid-19 cực kỳ nghiêm ngặt. Hiện tất cả bệnh viện (BV) và hệ thống chăm sóc y tế đã chấn chỉnh quy trình kiểm soát Covid-19 để qua đó người có triệu chứng hoặc có nguy cơ phải được sàng lọc ngay từ đầu. Giai đoạn đầu, TP cũng quyết truy tìm được F0 - tác nhân đầu tiên tại Đà Nẵng ở đâu, có từ lúc nào. Đến bây giờ vẫn là câu hỏi lớn. Tuy nhiên, câu hỏi đó chỉ có giá trị trong những ngày đầu. Sau đó vài ngày thì việc tìm F0 không còn cấp bách nữa, vì đã ra “F con”, “F cháu”, có ngày lên tới hơn 50 ca nhiễm trong bệnh viện và ngoài cộng đồng. TP đã tập trung vào việc truy vết, cách ly, tăng cường xét nghiệm để làm thế nào quét cho hết những ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Câu chuyện Đà Nẵng trở thành tâm dịch với số ca lây nhiễm lớn, kéo dài bởi vì bệnh đã thâm nhập vào cộng đồng, đi vào các BV. Bên ngoài hệ số lây nhiễm thấp nhưng khi bệnh đã vào BV thì hoàn toàn khác vì đó là nơi đông đúc, hệ số lây nhiễm cao, có rất nhiều bệnh nhân có bệnh lý nặng. Chúng ta ít nhiều có sự lỏng lẻo và chủ quan. Tôi cho rằng đó bài học chung sâu sắc.
“Sống chung” với dịch như thế nào?
Kịch bản của Đà Nẵng trong chống Covid-19 thời gian tới là gì? Có nhiều ý kiến cho rằng TP nên tập trung xây dựng ý thức sống chung với dịch, ông đánh giá thế nào?
Bây giờ không chỉ riêng Đà Nẵng mà cả nước phải đặt vào tình trạng sống chung với dịch khi chưa có vắc xin ngừa Covid-19. Mà chưa có vắc xin thì phải có biện pháp phòng vệ hữu hiệu từ cộng đồng. Việc này, ngành y tế, chính quyền từ T.Ư đến địa phương cần đưa ra giải pháp, quy chế rất cụ thể để trong hoạt động thường ngày, từng người phải tuân thủ những quy định đó. Cỗ máy về sản xuất kinh doanh vẫn phải hoạt động, việc giao lưu con người vẫn diễn ra tuy nhiên, phải luôn luôn đặt trong sự cảnh giác tối thiểu cần thiết.
-25% dân số Đà Nẵng xét nghiệm. Đó là số liệu tính từ ngày 24.7 đến ngày 21.9, với gần 296.000 người được lấy mẫu xét nghiệm. Nếu tính số lượt người Đà Nẵng được lấy mẫu thì nhiều hơn, 316.766 người (trong đó có 21.177 lượt người xét nghiệm 2 lần trở lên).
-Thận trọng “mở cửa”, với quy định 4 nấc mở. Sau cuộc họp ngày 17.9, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng tiếp tục nới lỏng thêm, nhưng chưa nới lỏng những hoạt động có nhiều nguy cơ như bar, vũ trường, karaoke… (phải chờ đến hết tháng 9).
-Cả nước chi viện. Quỹ cứu trợ TP.Đà Nẵng đã tiếp nhận khoảng 50 tỉ đồng, 5.200 USD, hàng trăm tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm; hơn 1 triệu khẩu trang, hàng chục ngàn bộ đồ bảo hộ y tế, 278 máy đo thân nhiệt cầm tay, 7 máy đo thân nhiệt từ xa, 5 máy monitor màu theo dõi bệnh nhân…
-Hỗ trợ nhân lực y tế. Tiếp nhận nhiều nguồn từ các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Thừa Thiên – Huế…
Hoàng Sơn
|
Tuy vậy, không vì có vài người nhiễm Covid-19 mà sợ hãi, đóng cửa toàn xã hội. Chúng ta phải tự tin vì chúng ta đủ khả năng và biết cách kiểm soát. Vấn đề này phải có sự ý thức cao độ, sự tham gia tích cực và tự giác của toàn dân. Người dân không được tìm cách che giấu hay đối phó, thiếu ý thức chấp hành để rồi dịch lây ra cộng đồng.
Gượng dậy sau dịch
Thưa ông, TP sẽ có thêm những hỗ trợ gì giúp người dân vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19 ?
Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ tiếp tục có hỗ trợ địa phương do sự ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Riêng TP đã chủ động chính sách bổ sung, mở rộng đối tượng hỗ trợ đặc thù. UBND TP đã báo cáo HĐND TP và đã có nghị quyết. Hiện nay việc hỗ trợ người dân vẫn đang được triển khai. Về vướng mắc chung về đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, TP đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu để người dân có thể thụ hưởng. Việc tháo gỡ sẽ do các bộ, ngành xử lý; TP cũng đang chờ đợi.
“Sức khỏe” doanh nghiệp (DN) sau 2 đợt dịch đã “yếu” đi rất nhiều, TP đã có kế hoạch gì để giúp họ hồi phục?
Tại Đà Nẵng, trong khi đại dịch đang hoành hành dữ dội, chúng tôi vẫn tự tin vào việc sớm kiểm soát dịch, do vậy vừa chống dịch, chúng tôi vẫn bảo đảm cho cỗ máy kinh tế, nhất là sản xuất công nghiệp hoạt động. Rất nhiều ý kiến cho rằng TP nên đóng cửa các KCN. Nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết với niềm tin sẽ kiểm soát được dịch nên các KCN vẫn hoạt động bình thường trong sự kiểm soát.
DN chung sống với đại dịch là một câu chuyện khó, vì sẽ xoay xở trong một điều kiện hết sức khó khăn, đặc biệt là những DN liên quan đến dịch vụ, thương mại, du lịch… Sau khi TP bình thường trở lại thì các DN có cơ hội hoạt động lại trong giới hạn của sự đề phòng. TP sẽ tiếp tục nghiên cứu các chương trình kích cầu, những giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư, dịch vụ, sự kiện… Tuy vậy, vấn đề này Đà Nẵng làm một mình cũng không được mà phụ thuộc vào vấn đề kiểm soát dịch bệnh trong nước nước và cả thế giới nữa. Dù khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức xoay xở cùng DN để tìm lối thoát.
Sau 23 năm chia tách, lần đầu tiên Đà Nẵng tăng trưởng âm sau đợt dịch lần thứ nhất. Sau đợt dịch thứ 2, Đà Nẵng sẽ làm gì để vực dậy nền kinh tế?
Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề và hoạt động kinh tế cả nước cũng chững lại. Để cân đối cho nhu cầu cơ bản về đầu tư-xây dựng, con người, an sinh xã hội..., TP sẽ cố gắng đáp ứng được trong năm 2020 nhờ bảo đảm được năng lực dự trữ, dự phòng tài chính đủ bảo đảm trong những lúc khủng hoảng như đại dịch vừa rồi. Tuy nhiên, nếu tình trạng dịch cứ lặp đi lặp lại thì trong thời gian tới sẽ rất khó. Tôi cho rằng, năm tài chính 2021, T.Ư phải tính toán, điều chỉnh lại những chỉ tiêu liên quan đến thuế, nghĩa vụ về cân đối ngân sách, hỗ trợ những khoản đầu tư cho TP… Những vấn đề này, Đà Nẵng sẽ có kiến nghị với T.Ư.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)